Nhất trí lấy tên gọi Luật Phòng, chống thiên tai

Đại biểu Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) cho rằng chỉ nên quy định người dân đóng góp tự nguyện cho Quỹ Phòng chống thiên tai chứ không nên bắt buộc phải đóng như dự thảo. Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, Quỹ Phòng chống lụt bão hiện nay sẽ được nâng lên thành Quỹ Phòng chống thiên tai khi luật có hiệu lực. Thực tế hiện nay Quỹ Phòng chống lụt bão là quỹ được hình thành do việc đóng góp bắt buộc của tổ chức, cá nhân - đã bổ sung nguồn lực không nhỏ cho công tác phòng chống thiên tai của các địa phương, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân
Nhất trí lấy tên gọi Luật Phòng, chống thiên tai

(SGGPO). – Đại biểu Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) cho rằng chỉ nên quy định người dân đóng góp tự nguyện cho Quỹ Phòng chống thiên tai chứ không nên bắt buộc phải đóng như dự thảo. Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, Quỹ Phòng chống lụt bão hiện nay sẽ được nâng lên thành Quỹ Phòng chống thiên tai khi luật có hiệu lực. Thực tế hiện nay Quỹ Phòng chống lụt bão là quỹ được hình thành do việc đóng góp bắt buộc của tổ chức, cá nhân - đã bổ sung nguồn lực không nhỏ cho công tác phòng chống thiên tai của các địa phương, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân

Sáng 6-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai. Đa số ý kiến của đại biểu cho rằng nên đổi tên luật là Luật Phòng, chống thiên tai như đề nghị trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường (KH-CN-MT) của Quốc hội.

Bộ đội giúp dân gặt lúa chạy lũ. Ảnh: Thái Bằng

 Bộ đội giúp dân gặt lúa chạy lũ. Ảnh: Thái Bằng

Đại biểu Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) phân tích: tên gọi mới ngắn gọn, đầy đủ, bao quát toàn diện các vấn đề trong hoạt động phòng, chống thiên tai, đồng thời cũng thể hiện thái độ chủ động trong phòng, chống thiên tai. Hơn nữa, khái niệm “phòng, chống thiên tai” là khái niệm quen dùng trong đời sống và cũng đã được sử dụng trong nhiều văn kiện của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước. Theo Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN-MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng, qua nhiều lần thảo luận, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí lấy tên gọi của dự án là Luật Phòng, chống thiên tai.

Về chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực  phòng, chống thiên tai, có ý kiến đề nghị bổ sung chính sách đối với việc xử lý, khắc phục hậu quả thiên tai; bảo đảm cho cuộc sống của người dân các vùng thường xuyên bị thiên tai; đầu tư và thu hút đầu tư, nghiên cứu và phát triển khoa học về thiên tai; khuyến khích xã hội hóa, nhân rộng mô hình xã hội hóa đem lại hiệu quả thiết thực trong phòng chống thiên tai. Một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị cần quy định cụ thể hơn về chính sách bảo hiểm thiên tai như: ưu đãi đối với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm thiên tai; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh ở vùng thường xuyên có thiên tai và bắt buộc các doanh nghiệp, các chủ công trình, dự án phải mua bảo hiểm về thiên tai cho công trình, dự án.

Về vấn đề này, ông Phan Xuân Dũng cho biết, pháp luật một số nước phát triển như Nhật, Mỹ có quy định về bảo hiểm thiên tai đối với một số loại hình thiên tai cụ thể như bão, động đất... vì bảo hiểm thiên tai là nguồn lực cần thiết ngoài ngân sách nhà nước để hỗ trợ việc khắc phục hậu quả thiên tai. Tuy nhiên, pháp luật về bảo hiểm hiện hành của Việt Nam không quy định bảo hiểm bắt buộc đối với thiên tai. Do vậy, tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, khoản 5 Điều 5 của dự thảo luật đã được chỉnh sửa theo hướng: Nhà nước có chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia bảo hiểm thiên tai nhằm tạo lập thị trường bảo hiểm thiên tai, trên cơ sở tính toán cụ thể về hiệu quả kinh tế, các chủ công trình, dự án sẽ mua bảo hiểm thiên tai cho công trình, dự án của mình; bổ sung quy định chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất, kinh doanh ở các vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai.

Một quy định mới được nhiều ĐBQH quan tâm là thành lập Quỹ Phòng chống thiên tai mang tính chất bắt buộc đóng góp. Không đồng tình với mô hình này, đại biểu Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) cho rằng chỉ nên quy định người dân đóng góp tự nguyện cho Quỹ Phòng chống thiên tai chứ không nên bắt buộc phải đóng như dự thảo. Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, Quỹ Phòng chống lụt bão hiện nay sẽ được nâng lên thành Quỹ Phòng chống thiên tai khi luật có hiệu lực. Thực tế hiện nay Quỹ Phòng chống lụt bão là quỹ được hình thành do việc đóng góp bắt buộc của tổ chức, cá nhân - đã bổ sung nguồn lực không nhỏ cho công tác phòng chống thiên tai của các địa phương, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân, cộng đồng với công tác phòng chống thiên tai. “Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy quy định về Quỹ Phòng chống thiên tai trong dự thảo luật là cần thiết” – ông Phan Xuân Dũng giải thích.

Đồng tình với quan điểm này, nhưng đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đề nghị làm rõ hơn về độ tuổi cũng như đối tượng bắt buộc phải đóng góp. Cụ thể, cần quy định phương thức xác định, mức đóng góp của từng loại đối tượng, quy định các đối tượng được miễn, giảm đóng góp cho Quỹ Phòng chống thiên tai. Việc sử dụng quỹ này cũng cần phải bảo đảm tính công khai, minh bạch, hàng năm phải được báo cáo HĐND các cấp xem xét. Theo ông Phan Xuân Dũng, đây là vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội (như doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khu vực ngoài nhà nước có các mức thu nhập khác nhau); điều kiện kinh tế - xã hội  các vùng miền khác nhau... nên sẽ có sự khác biệt về phương thức xác định mức đóng góp cũng như đối tượng được miễn, giảm, tạm hoãn đóng góp... Do vậy, vấn đề này nên giao Chính phủ, trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá toàn diện sẽ quy định cụ thể về phương thức đóng góp, mức đóng góp, đối tượng được miễn, giảm, tạm hoãn đóng góp cho phù hợp với thực tiễn, bảo đảm công bằng giữa các đối tượng đóng góp.

Chiều nay, các ĐBQH sẽ tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi); và dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

HÀM YÊN

Tin cùng chuyên mục