Tìm việc không phải là chuyện dễ. Vì thế, nhiều bạn trẻ khá “ngổ ngáo” khi đã có công việc bỗng dưng “hiền lành ngoan ngoãn” vì sợ mất việc. Nhưng, ngược lại, có không ít bạn trẻ hiện nay lại luôn chuẩn bị tâm lý “nhảy” việc. Họ không ngại dịch chuyển và sẵn sàng chấp nhận thách thức mới.
Lê Thu Thảo, có tấm bằng đại học báo chí, hiện đang làm nhân viên tạm tuyển cho một kênh truyền hình chuẩn bị lên sóng. Mới 26 tuổi nhưng Thảo đã chuyển tới 3 nơi làm việc. Nơi thứ nhất là một tờ báo về thời trang. Thảo làm được một năm. Trong thời gian đó, 3 tháng cô làm PR, 3 tháng tiếp chuyên lo móc nối các cuộc tiếp xúc với các “sao” và phần thời gian còn lại thì được viết những bài thuộc dạng phỏng vấn ngắn kèm theo chụp ảnh. Hai năm sau, Thảo “nhảy” sang làm nhân viên văn phòng cho một công ty liên doanh nước ngoài. Trong hai năm đó, Thảo tích cực học tiếng Anh và tiếng Hàn. Để đến bây giờ thì lại “nhảy” sang truyền hình.
- “Nhảy” đi “nhảy” lại không mệt à? - Tôi hỏi.
- Không. Thảo sẵn sàng chấp nhận, để tích lũy kinh nghiệm cho bản thân. 3 năm vừa rồi với mình không hoài phí. Những đòi hỏi của nơi làm việc buộc mình phải vượt lên.
Quả thật, với một cô gái mảnh mai, tuổi đời còn rất trẻ như Thảo mà có vốn tiếng Anh, tiếng Hàn, sử dụng được nhiều chương trình máy tính thì thật đáng nể. Chưa hết, có lẽ điều quan trọng hơn là trong thời gian đó Thảo đã rèn được cho mình thói quen kỷ luật trong công việc, không ngại khó khăn, không ngại tiếp xúc theo kiểu “đeo bám” và nhất là một phong cách ứng xử hiệu quả. Một người năng động lại trẻ trung như Thảo, không ít nơi cần.
Giống như Thảo, Trần Trung Vũ vốn là một kỹ sư cơ khí, tốt nghiệp Đại học Bách khoa. Trong vòng 7 năm, Vũ cũng “nhảy” tới 4 nơi. Bố mẹ Vũ vốn làm ở một nhà máy in, nên khi con trai tốt nghiệp liền xin vào nhà máy, vừa để nối nghiệp cha vừa để tạo cho con cuộc sống ổn định. Nhưng Vũ chỉ làm nửa năm thì xin thôi, chuyển ra làm cho một công ty tư nhân.
- Lúc đó bố tôi bực lắm, quát tháo ầm ĩ. Còn mẹ thì thất vọng, rơm rớm nước mắt. Tôi nói, một tháng thu nhập chưa được một triệu, chưa biết đến bao giờ mới khá lên, con phải đi thôi. Bố mẹ tôi bảo tôi là đứa tham tiền. Tôi rất buồn.
Quan điểm của Vũ là nếu có điều kiện, nếu tự tin vào năng lực bản thân thì phải tìm cho ra nơi làm việc phù hợp. Phù hợp ở đây là cả ngành nghề đào tạo, sở trường, sự yêu thích và phù hợp cả về thu nhập. Sau 4 lần “nhảy”, đến bây giờ Vũ đang dừng chân ở một công ty xây dựng cổ phần, lo phần điện. Tôi hỏi, liệu đã là “chốn dừng chân” chưa? Vũ cười, trả lời:
- Không chắc chắn. Nếu có cơ hội hay hơn thì lại “nhảy”.
Chuyện của Thảo và Vũ bây giờ không hiếm. Một bộ phận giới trẻ Hà Nội ngày nay không thụ động đợi sự sắp xếp của cha mẹ, và cũng không chấp nhận công việc với bất kỳ giá nào. Họ không ngại thiên hạ đánh giá do không làm được nên bị thải hồi. Họ tự tin vào bản thân, chủ động tích lũy kinh nghiệm và luôn hướng về phía trước. Sự thay đổi cách nghĩ, cách hành động như vậy chỉ dành cho những người có bản lĩnh. Đây là sự thay đổi quan trọng, một sự “đổi mới tư duy” ª
NAM VIỆT