Nhiệm kỳ chủ tịch khó khăn

Ngày 1-7 tới đây, Pháp sẽ đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) trong 6 tháng. Trước đó, Pháp đã xác định rất rõ 4 tiêu chí làm nên khái niệm “châu Âu phòng vệ” để làm yên lòng các công dân châu Âu là: năng lượng và khí hậu, nhập cư, quốc phòng, chính sách nông nghiệp.

Về năng lượng và khí hậu, EU mơ ước trở thành hình mẫu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thông qua thỏa thuận được cả 27 thành viên cùng ký tại hội nghị khí hậu ở Copenhague vào năm 2009 nhằm giảm khí thải và sử dụng 20% năng lượng tái sinh.

Đối với quốc phòng, Pháp muốn đẩy mạnh chính sách quốc phòng châu Âu bằng cách tăng cường khả năng quân sự, dân phòng và tạo quan hệ mới giữa EU và NATO.

Về nhập cư, hiện có khoảng 8 triệu người nước ngoài đang sinh sống bất hợp pháp trên lãnh thổ EU. Pháp luôn cương quyết bảo vệ ý tưởng về một “Hiệp ước châu Âu về nhập cư và lưu trú” nhằm chống nhập cư ồ ạt.

Cuối cùng, Tổng thống Pháp muốn chính sách nông nghiệp chung phải được cải tổ nhiều. Ông Sarkozy cũng muốn thu hút sự chú ý hơn nữa đối với dự án Liên minh Địa Trung Hải của mình.

Mục tiêu Pháp đề ra khá nhiều nhưng việc thuyết phục từng thành viên để cùng vận hành bộ máy không dễ. Hiện dân số EU vào khoảng 500 triệïu người. EU đã có “tầm vóc lớn” đối với các kế hoạch kinh tế, thương mại và tiền tệ quốc tế, có thể đối chọi với Mỹ trong WTO; đi đầu trong cuộc chiến chống lại thay đổi khí hậu, thách thức mới của hành tinh. Chính sách an ninh năng lượng, mở rộng quan hệ láng giềng cũng đã được EU tính đến và tiến hành thực hiện.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, từ trước tới nay, EU luôn tìm kiếm một vai trò lớn lao hơn trên trường quốc tế sao cho xứng với tầm vóc kinh tế của liên minh nhưng vai trò trên mặt trận ngoại giao của liên minh còn xa mới đạt được đến các tham vọng, ngay cả khi có 2 thành viên là Anh và Pháp có chân trong HĐBA LHQ. EU chưa biết cách tận dụng được hết những ưu thế sẵn có để tự khẳng định trước siêu cường là Mỹ, phần vì thiếu phương tiện, phần do nội bộ còn chia rẽ. Chính Ủy ban châu Âu phải thừa nhận các nước thành viên EU còn phải làm nhiều việc mới mong đạt được các tiến bộ trong ngoại giao và chính trị để cùng thống nhất trước các mối bận tâm chung của toàn cầu.

Khó khăn chờ Pháp rất nhiều. Trong khi đó, Tổng thống Sarkozy lại không mấy được lòng người dân châu Âu. Báo chí chẳng ngại khẳng định nhiệm kỳ của Pháp là “triển vọng khiến toàn thể 26 nước thành viên EU lo ngại”.

Tờ “Der Standard” (Áo) hô lớn “Chú ý, cơn bão Sarkozy đang tới” hay tờ “La Vanguardia” (Tây Ban Nha) nhấn mạnh “Brussels và các nhà ngoại giao của liên minh phải tự chủng ngừa vì không hề muốn bị xô ngã”… Ngay từ đầu, ông Sarkozy đã bị gọi là “Tổng thống Pháp kiểu Mỹ” và rất nhiều động thái của ông Sarkozy bị quan chức châu Âu cho là nhằm mục đích riêng.

Với những bất lợi như vậy, khó khăn đặt ra với Pháp từ ngày 1-7 càng thêm chồng chất. Các chuyên gia cho rằng nếu ông Sarkozy thực sự muốn “mang Pháp hòa vào giữa châu Âu” thì ông phải biết cách “mang châu Âu vào nước Pháp” bằng cách hãy suy nghĩ đến những hậu quả mà chính công chúng Pháp sẽ phải gánh trước khi trình bày các dự định mới với các đối tác châu Âu. 

LÊ VÂN

Tin cùng chuyên mục