Tăng cường trực 24/24 giờ
PHÓNG VIÊN: Nhìn lại cả năm 2018, theo ông những giải pháp nào đã được triển khai thực hiện hiệu quả nhằm đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn TPHCM?
Ông NGUYỄN NGỌC TƯỜNG: Theo ghi nhận của chúng tôi, từ đầu năm 2018 đến nay đã có nhiều biện pháp được ngành chức năng thành phố triển khai thực hiện khá hiệu quả để kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn. Chẳng hạn, để đảm bảo an toàn cho người đi bộ, trong thời gian qua thành phố đã cải tạo, bố trí đảo dừng tạm an toàn cho đối tượng này trên các tuyến đường có mặt cắt ngang lớn, cũng như lắp đặt thanh chắn ngăn xe 2 bánh chạy trên vỉa hè ở một số tuyến đường.
Thành phố cũng đã có những ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối các chốt đèn tín hiệu giao thông để điều khiển tại trung tâm; lắp đặt camera giám sát và thiết bị giám sát hành trình GPS trên toàn bộ xe buýt; đầu tư xây dựng các trạm kiểm soát tải trọng xe tự động trong đô thị; xây dựng và đưa vào vận hành Cổng thông tin giao thông điện tử, qua đó cung cấp thông tin giao thông trực tuyến để người tham gia giao thông có thể chủ động lựa chọn lộ trình lưu thông hợp lý, tránh đi qua khu vực đang xảy ra ùn tắc giao thông.
Thành phố cũng tập trung phối hợp các lực lượng trên địa bàn để lập lại trật tự đô thị tại khu vực trung tâm thành phố, thực hiện phương án đảm bảo trật tự ATGT khu vực trọng điểm nên đã hạn chế tình trạng phức tạp tại trung tâm thành phố.
Đối với hệ thống đường bộ, các đơn vị chức năng như Khu Quản lý giao thông đô thị và Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT) đã lên phương án phối hợp với các bên liên quan thực hiện nhiều biện pháp. Đó là tăng cường tuần tra, xác định những đoạn đường hư hỏng, lún sụp, ngập nước… không đảm bảo ATGT để duy tu, sửa chữa kịp thời. Tăng cường trực gác tại các cầu yếu, cầu không đồng bộ tải trọng, tổ chức phân luồng hợp lý tại các cầu thường xảy ra ùn tắc giao thông, trực gác 24/24 giờ tại các vị trí giao cắt giữa đường sắt và đường bộ.
Tăng cường công tác vệ sinh trên các tuyến đường, dạ cầu, dải phân cách, hệ thống biển báo…, đặc biệt trên các tuyến đường khu vực trung tâm, đường trục và các tuyến đường cửa ngõ thành phố. Tổ chức kiểm tra và thay thế kịp thời các biển báo bị hư hỏng; dặm vá mặt đường những chỗ chưa tốt để đảm ATGT; sơn lại các dải phân cách, đặc biệt ở các tuyến đường trung tâm như Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi, Pasteur, Nam Kỳ Khởi Nghĩa…
Các dự án chiếm dụng mặt đường đang thi công dở dang sẽ được yêu cầu tạm ngưng thi công đào đường trong kỳ nghỉ tết, đúng theo quy định của ngành chức năng. Các đơn vị thi công dự án phải thực hiện đầy đủ, thường xuyên các biện pháp đảm bảo ATGT nơi thi công, đồng thời thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị.
Chủ đầu tư tất cả các công trình đào đường được khuyến cáo có trách nhiệm đôn đốc các đơn vị thi công đào đường khẩn trương tái lập mặt đường, dọn dẹp vệ sinh khu vực công trường, trả lại nguyên trạng mặt đường đúng kỳ hạn để người dân thành phố đón tết. Riêng đối với các công trình trọng điểm có quy mô lớn như dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên, chủ đầu tư phải có báo cáo cụ thể về kế hoạch tổ chức thi công, tồn tại hàng rào công trường trong dịp lễ, tết và gửi về Sở GTVT TPHCM để được xem xét, quyết định.
Nói chung, trong kỳ nghỉ tết sắp tới, tất cả dự án có rào chắn chiếm dụng mặt đường đều phải thực hiện nghiêm túc việc tạm ngừng thi công; ngoại trừ một số dự án, công trình mang tính cấp bách, trọng điểm sẽ được xem xét cho phép vẫn tiếp tục thi công trong các ngày nghỉ tết, nhưng phải có biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối trên công trường và thông báo đến các đầu mối liên quan để theo dõi, phối hợp.
Cần giải pháp trên tất cả lĩnh vực
Một trong những điểm nóng về giao thông trong dịp tết chính là khu vực sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Thành phố có giải pháp gì để đảm bảo ATGT tại điểm nóng này?
Trong trường hợp phức tạp về giao thông như khu vực sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, hàng loạt biện pháp đã và sẽ được thực thi. Đó là thực hiện phương án hạn chế lưu thông đối với các loại ô tô vận tải hàng hóa vào ban ngày tại một số tuyến đường, nhằm kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông quanh khu vực này. Kiểm soát chặt công tác cấp phép cho các phương tiện vận tải lưu thông trong nội thành, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp xe tải, xe container, xe máy chuyên dụng lưu thông vào nội đô thành phố trong các khung giờ cao điểm.
Tiếp tục đầu tư các tiện ích cho người đi bộ như cầu bộ hành, điểm dừng chờ, đèn tín hiệu giao thông… Triển khai các giải pháp chấn chỉnh tình hình đậu xe tại khu vực trung tâm thành phố, rà soát sắp xếp vị trí đậu xe dưới lòng đường… Tăng cường hệ thống camera giám sát giao thông từ xa cho khu vực.
Với kinh nghiệm nhiều năm đeo bám mảng ATGT, theo ông, đâu là mấu chốt để công tác đảm bảo ATGT trên địa bàn TPHCM đạt được hiệu quả cao?
Tương tự, công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm giao thông không phải chỉ là việc của lực lượng công an thành phố, mà còn là trách nhiệm của chính quyền các quận huyện, lực lượng thanh tra chuyên ngành…
Đối với công tác tổ chức giao thông, điểm mấu chốt là chỉ có thể khai thác hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu nếu giao thông đi lại được tổ chức chặt chẽ, khoa học. Vì thế, chúng tôi cho rằng trong vấn đề này, phần việc của Sở GTVT là tăng cường chỉ đạo các khu quản lý giao thông đô thị, Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn kịp thời duy tu hệ thống đường bộ, rà soát và hoàn thiện hệ thống biển báo, cấm xe tải, xe container lưu thông vào giờ cao điểm trên một số tuyến đường có số vụ tai nạn giao thông tăng…