Tăng diện tích giao thông
Toàn bộ hệ thống các cầu vượt bằng thép đang được sử dụng trên địa bàn TPHCM trong thời gian qua chính là một ví dụ cụ thể cho nỗ lực tăng thêm diện tích dành cho giao thông đô thị. Không những thế, hệ thống các cầu vượt bằng thép còn là kết quả của sự linh động thích ứng với đặc thù, điều kiện và khả năng tài chính của ngành chức năng trong việc phát triển giao thông khác mức ở dạng tối thiểu, tức là chỉ khác mức tại các nút giao lộ bức bối về giao thông.
Chúng ta biết rằng, giao thông đô thị của thành phố cho tới giờ phút này hầu như vẫn chủ yếu là giao thông đồng mức. Tất cả và đủ loại phương tiện giao thông lớn nhỏ, phương tiện giao thông công cộng lẫn cá nhân chen chúc nhau trên cùng một mặt phẳng. Không những thế, số lượng phương tiện tham gia giao thông trên đường chỉ có mỗi lúc một tăng thêm, năm sau nhiều hơn năm trước chứ không giảm đi; vậy nhưng, việc xây dựng, mở mang đường sá hiện hữu lại chỉ có hạn. Hệ quả là giao thông tại thành phố thường xuyên ở trạng thái quá tải, căng thẳng. Trong bối cảnh đó, bên cạnh phát triển giao thông vận tải sức chở lớn như metro chẳng hạn, giải pháp lý tưởng nhất, nhưng cũng khó thực hiện nhất là phải phát triển giao thông khác mức. Trở ngại đầu tiên để có thể phát triển hệ thống giao thông khác mức hoàn chỉnh là kinh phí đầu tư. Trong khi chờ giải quyết bài toán kinh phí, giải pháp giao thông khác mức ở dạng tối thiểu đã được lựa chọn. Đó chính là lý do của sự liên tiếp và lần lượt xuất hiện nhiều cầu vượt bằng thép khác nhau trên địa bàn thành phố trong thời gian qua.
Những phương tiện qua lại tại nút giao Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Võ Thị Sáu sẽ nhận thấy ngay đầu giao lộ, ngành GTVT đã cho khoét rãnh để mở rộng một phần mặt đường, qua đó giúp các phương tiện giao thông từ đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa rẽ phải sang đường Võ Thị Sáu có thể thông hành tốt hơn. Tận dụng những vị trí có thể để khoét rãnh, tạo thành vịnh cho xe cộ rẽ quẹo hoặc khoét vịnh tạo thêm diện tích trạm dừng nhà chờ xe buýt để tạo điều kiện cho xe buýt ra vào trạm và tăng thêm an toàn cho hành khách chờ đi xe buýt là những hình ảnh khá phổ biến ở nhiều cung đường của thành phố thời gian qua. Cũng có thể nhắc đến cách giải quyết điểm nóng giao thông tại khu vực đường Quang Trung - Lê Văn Thọ - Đường số 18 thuộc quận Gò Vấp như là tiêu biểu cho chiều hướng cố gắng cải thiện giao thông đi lại của ngành GTVT thành phố. Để giải quyết bức bối giao thông tại điểm nóng này, Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 (thuộc Sở GTVT TPHCM) đã phối hợp với chính quyền địa phương để vừa tổ chức lại giao thông vừa cải tạo đường dân sinh, sắp xếp vị trí giữ xe trong sân chợ để làm đường nội bộ kết nối vào đường dân sinh nêu trên, tức là tăng thêm diện tích dành cho giao thông. Trong đó, những việc tưởng như nhỏ nhặt nhưng lại có vai trò quan trọng là cải tạo đường dân sinh, hình thành đường nội bộ kết nối vào đường dân sinh để thêm lối lưu thông tại điểm nóng.
Phải đồng bộ
Tuy nhiên, vẫn còn đó sự thiếu đồng bộ, chưa nhất quán trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật giao thông đô thị và rồi chính sự không đồng bộ ấy, ít nhiều đã ảnh hưởng đến nét văn minh và mỹ quan đô thị tại thành phố. Các bảng chỉ dẫn giao thông là một ví dụ cụ thể. Có cảm giác như trên địa bàn thành phố đang tồn tại 2 “phong cách” bảng chỉ dẫn giao thông tương phản nhau. Loại thứ nhất là những bảng chỉ dẫn giao thông ở dạng “tiết kiệm”, trên đó các thông tin đường sá không ghi rõ cự ly khoảng cách các nơi. Có thể nói đây là dạng bảng chỉ dẫn giao thông phổ biến của cách đây hàng chục năm. Loại thứ hai là những bảng chỉ dẫn giao thông với những chi tiết cô đọng nhưng thiết thực, cụ thể và rất rõ ràng với ghi chú rõ cự ly khoảng cách tỏa đi các nơi. Hầu hết bảng chỉ dẫn giao thông mới được thực hiện thời gian gần đây đều theo dạng chi tiết, rõ ràng như vậy. Không những thiếu đồng bộ, 2 dạng bảng chỉ dẫn giao thông ấy còn hiện diện khắp nơi và đan xen nhau.
Một hình ảnh có phần rối mắt và rất thiếu thẩm mỹ (vì không đồng bộ khác) là vỉa hè dành cho người đi bộ. Mặc dù là đô thị lớn nhất nước, nhưng vỉa hè thành phố lại có dáng vẻ rất tùy hứng. Chỉ trên một con đường Nguyễn Thị Minh Khai và trong phạm vi ngắn, nhưng vỉa hè dành cho người đi bộ lại được khoác lên đủ loại vật liệu. Tại đoạn gần đường Tôn Thất Tùng, một bên vỉa hè đường Nguyễn Thị Minh Khai có gạch lát vỉa hè là gạch hình ống con sâu, nhưng ở bên vỉa hè phía đối diện lại là gạch hình vuông với chất liệu khác. Đi lên một chút, vẫn trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, thì vỉa hè đoạn trước Sở Y tế TPHCM lại được lát bởi những khuôn hình vuông bằng xi măng trộn đá sỏi. Điều đáng nói, sự không đồng bộ, thiếu nhất quán cứ lặp đi lặp lại ở rất nhiều con đường khác nhau khắp thành phố, từ các quận trung tâm đến các quận mới, trên các đường Phạm Viết Chánh, Hùng Vương…