
Sau khi báo SGGP đăng bài “Bò tót bị giết trong Khu bảo tồn thiên nhiên?” (ngày 24-4-2006), dư luận tại Quảng Trị hết sức bất bình và sững sờ trước sự “hiện diện”… khó tin của con bò tót ngay tại trụ sở Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông.
Để đáp ứng sự quan tâm của bạn đọc, chúng tôi đã lần theo dấu vết của con bò tót xấu số và thực tế những gì được chứng kiến làm chúng tôi cũng… khó tin chẳng khác gì dư luận!
Động vật hoang dã trên đường 9

Trở lại địa bàn huyện Đakrông, dọc theo đường 9 vẫn sờ sờ đập vào mắt mọi người những cái bàn gỗ, bàn nhựa, trên đó đặt sẵn một cái cân đĩa. Hai món đồ vô tri đó hóa ra lại là “thông báo”: có thịt thú rừng! “Heo rừng 110 ngàn/cân; nai 60 ngàn/cân; mang 70 ngàn/cân; nhím, rùa không bán lẻ” - một chị chủ hàng tong tảy giới thiệu như súng bắn liên thanh với chúng tôi như thế.
Và rồi, như để chứng minh rằng mình không “vẽ trâu bắt bóng”, chị ta hất đầu về phía ngôi nhà cách đó khoảng 20m và nhoẻn cười, nói ngắn gọn: “Vô coi mà mua!”. Trong cái tủ “đựng kem”, trừ những thứ đã giới thiệu không bán lẻ, quả đúng là có tất các loại thú rừng. Chủ quán phân bua: “Đây hơn 1 tạ. Tui mua, bán trong ngày, không để dư. Xe khách và các quán thịt rừng Cam Lộ thường xuyên lấy hàng của tui. Lo chi?”. Tôi nhanh miệng hỏi qua thịt bò tót, chị chủ kéo nắp “tủ kem” lại, chê tôi khó tính và đánh đầu ra phía đường nhựa: “Lên quán trên mà hỏi. Lên Triệu Nguyên mà mua!”.
Như thế, hàng ngày, từ thị trấn huyện Đakrông về Cam Lộ có cả chục “đại lý” lớn nhỏ và những nhà hàng thịt rừng nổi tiếng xưa nay, nếu cộng gộp lại thì mỗi ngày con người đã giết hại biết bao động vật hoang dã…
Số phận con bò tót ra sao?
Ngày 25-6, trao đổi với chúng tôi, một cán bộ của Hạt Kiểm lâm huyện Đakrông (xin được giấu tên) cho biết: cách đây chừng 10 ngày, từ nguồn tin riêng, lực lượng kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông đã phối hợp với cơ quan chức năng của huyện Triệu Phong tiến hành xác minh, tìm kiếm và đã tìm thấy xác chết của 1 con bò tót tại khu vực rừng Trừ Lấu (giáp ranh giữa 3 huyện Triệu Phong, Đakrông, Cam Lộ).
Sau khi lập biên bản hiện trường về cái chết của con bò tót, kiểm lâm Khu bảo tồn đã mang đầu và 4 chân của nó về trụ sở. Thêm nữa, đầu và chân bò tót đã được mang ra huyện Vĩnh Linh nhờ một số người công tác trong ngành y xử lý phoóc-môn để bảo quản. Vậy biên bản hiện trường nói gì về nguyên nhân cái chết của con bò tót và tại sao nó đã bị giấu kín? - Anh cán bộ kiểm lâm lắc đầu, nói: “Không rõ!”
Lần theo dấu vết con bò tót xấu số, chúng tôi đã có mặt tại xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông. Qua tìm hiểu người dân và được những tay thợ săn có kinh nghiệm dẫn đường đến khu vực rừng Trừ Lấu, cuộc tìm kiếm của chúng tôi chỉ bắt gặp những dấu chân thú và những mẫu xương cũ mục nát mà các thợ săn khẳng định đó là xương bò tót.
Một thợ săn tên Hà nói: “Con bò tót tại trụ sở Khu bảo tồn mới khoảng 3 năm tuổi, lại không bị lở mồm long móng thì làm gì có chuyện kiểm lâm tìm thấy xác? Nếu vậy thì thịt, da và xương chôn mô? Tui nói cho biết, kiểm lâm chỉ tịch thu cái đầu và 4 chân!”. Thông tin này không phải không có lý. Ông Trần Hòa (thợ săn chúng tôi đã nói trong bài trước) nhận định: “Rất có thể kiểm lâm biết thủ phạm! Và do hoảng loạn, đàn bò tót đã bỏ chạy qua địa phận đất Lào”. Nhưng, ông Hòa nói thêm: “Khả năng chúng sẽ trở về, vì rừng Lào không thích nghi với bò tót”.
Cách đây hơn 10 năm, vùng Trừ Lấu được coi là nơi định cư thường xuyên của loài bò tót, đáng tiếc rằng, vùng đệm khu bảo tồn thiên nhiên lại trở thành cạm bẫy của chúng. Các thợ săn giải thích sự ra đời của những cái tên Động Bò, Chóp Bụ… có xuất xứ từ khi khu vực rừng Trừ Lấu xuất hiện bò tót nhiều đến nỗi người dân tưởng là bò nhà! Không ít người đã bị húc chết vì lầm tưởng và đã không đề phòng sự tấn công của chúng.
Tại bản Miệt, xã Hướng Linh (Hướng Hóa), chúng tôi lại có thêm một bất ngờ khác. Ngay trong ngôi nhà sàn của Tà Luôi (người Vân Kiều), ông lôi từ mái nhà xuống một xương đầu bò tót với cặp sừng to tướng. Tà Luôi mặc cả: “Mình đã đổi một con bò nhà để lấy cái đầu này. Giờ bán 5 triệu đồng!”. Như sợ chúng tôi không biết, ông nói thêm: “Sừng bò tót không lỗ! Có mấy, người Kinh cũng mua. Nhiều người đã bán giá đó”. Đầu bò tót mua ở đâu? - tôi hỏi, Tà Luôi nói: “Đakrông đem bán!”. Lâu chưa? - “Năm ngoái”.
Ngày 26-6, chúng tôi đã liên hệ làm việc với Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông nhưng chỉ nhận được câu trả lời là lãnh đạo đã đi… Trung Quốc! Chúng tôi cũng đã điện thoại trực tiếp với ông Khổng Trung - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị, nghe đặt vấn đề về bò tót, ông Trung nói vội: “Thông cảm, thông cảm, tôi bận cả ngày” và cúp máy!
Số phận của những con bò tót, cả con chết tại trụ sở Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông mới đây vẫn nằm trong vòng phỏng đoán đầy bí ẩn.
Minh Thắng