Nhiều công nhân không về quê dịp tết

Tết Nguyên đán đang đến gần, nhưng nhiều công nhân xa quê cho biết năm nay đành gác lại niềm vui trở về đoàn tụ, ở lại TPHCM, vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, mong tiết kiệm được thêm khoản tiền gửi về phụ giúp gia đình khắc phục hậu quả thiên tai.
Nhiều công nhân không về quê dịp tết

Tết Nguyên đán đang đến gần, nhưng nhiều công nhân xa quê cho biết năm nay đành gác lại niềm vui trở về đoàn tụ, ở lại TPHCM, vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, mong tiết kiệm được thêm khoản tiền gửi về phụ giúp gia đình khắc phục hậu quả thiên tai.

        Tết xa quê

Trận lũ tháng 11 vừa qua đã để lại nhiều hậu quả nặng nề cho người dân miền Trung, thế nên nhiều công nhân quê ở miền Trung quyết định sẽ đón tết tại TPHCM để tiết kiệm chi phí tàu xe, gửi tiền về giúp gia đình. Đoàn Thu Trang, công nhân Công ty TNHH Semo Vina (KCX Tân Thuận) cho biết quê em ở Quảng Ngãi, căn nhà cấp 4 của gia đình nay trống trơn, đến cánh cửa cũng bị lũ cuốn đi. Gia đình chỉ đủ tiền lo cơm ăn hàng ngày, không có dư để sửa nhà cửa. Mới vào TPHCM làm công nhân được một năm nên rất nhớ nhà, cả năm Trang mong từng ngày đến tết để được về quê, nhưng giờ đây mong ước đó đành gác lại. “Sau trận lũ, gia đình em đã nghèo lại càng kiệt quệ. Em về được thì ba mẹ yên tâm, nhưng dành tiền lộ phí để gửi về quê sẽ thiết thực hơn”.

Hỏi thăm công nhân ở dãy phòng trọ gần các KCN-KCX tại TPHCM, được biết lượng công nhân xa quê sẽ ở lại TPHCM dịp tết khá đông. Mọi năm, dãy phòng trọ của bà Trần Thị Tô (ở 71/2/19 Liên Cảng A5, phường Tân Thuận Đông, quận 7) chỉ có vài người ở lại dịp tết, nhưng năm nay có đến 20 người đăng ký ở lại. Trong số các công nhân đang ngụ tại dãy nhà trọ của anh Đinh Duy Công ở đường Trần Xuân Soạn, ngay chân cầu Tân Thuận (quận 7) cũng có một nửa không về quê ăn tết. Trong số công nhân ngụ tại 30 phòng trọ của bà Lưu Quế Hoa (ở 50/7/18 đường số 8, phường Linh Trung, gần KCN Linh Trung 1, quận Thủ Đức) cũng có hơn 20 người đăng ký ở lại. Trong đó riêng phòng trọ số 8 của 5 công nhân Công ty TNHH Lyntex Việt Nam quê ở Quảng Nam cả 5 người đều ở lại. Chị Đàm Thị Vinh tâm sự: “Trận lũ vừa rồi làm gia đình tụi em trắng tay, nên tụi em quyết định tiết kiệm khoản tiền tàu xe để phụ ba mẹ. Dù sao có mấy chị em cùng ở lại nên cũng đỡ buồn”. Ngoài kế hoạch tiết kiệm chi phí tàu xe về quê, chị Vinh và các bạn cùng phòng trọ còn dự định trong những ngày nghỉ tết sẽ ra Vũng Tàu phụ bán quán ăn của một người quen để có thêm chút thu nhập.

Chỉ tay về phía một phụ nữ luống tuổi ở phòng trọ đối diện, chị Vinh kể: “Tụi em còn độc thân, nên cũng đỡ, chứ trường hợp chị đó mới tội, nhà bị lũ cuốn đi, chồng chị phải nghỉ làm để về quê dựng tạm căn nhà lá cho ông bà và hai đứa con ở. Tết này chị đành ở lại một mình để kiếm việc làm thêm, vừa tiết kiệm chi phí vừa có tiền giúp gia đình”. Đó là trường hợp của chị Nguyễn Thị Lành, quê ở Thanh Hóa. Trước khi làm công nhân trong KCN Linh Trung, chị Lành đã từng đi bán bóng bay dạo, đồ nghề vẫn còn, tết này chị sẽ kiếm thêm thu nhập bằng việc bán bóng bay. “Chắc giờ này tụi nhỏ đang đếm từng ngày mong đến tết để đón mẹ, vậy mà…” - bỏ lửng câu nói, giọng chị lạc đi trong nỗi nhớ con, nỗi cám cảnh cho vùng quê chị đã nghèo còn gặp nhiều thiên tai.

Công nhân lựa chọn hàng giảm giá để sắm tết trong điều kiện kinh tế khó khăn.

Công nhân lựa chọn hàng giảm giá để sắm tết trong điều kiện kinh tế khó khăn.

        Thiết thực giúp đỡ công nhân

Trong khi nhiều công ty lớn trong các KCN-KCX chưa có thông tin gì về kế hoạch chăm lo tết cho người lao động, một số cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ đã sẵn sàng các chương trình hỗ trợ công nhân. Dù trong năm đã phải đối mặt với cảnh thiếu đơn hàng, nhưng nhiều đơn vị như Công ty TNHH Bao bì giấy Hoàng Vương (quận Bình Tân), Cơ sở dệt may Kim Hồng (quận 12), Cơ sở may gia công quần áo Vĩnh Thùy (quận 9)… vẫn quan tâm hỗ trợ phần quà giúp các công nhân có gia đình ở quê bị thiệt hại vì bão lũ; các công nhân ở lại sẽ được tổ chức đón giao thừa tại cơ sở. “Cứ nghĩ năm nay ít việc sẽ không có khoản thưởng tết, vậy mà giám đốc vẫn quan tâm chăm lo để công nhân chúng tôi có những ngày tết bớt khó khăn, thật cảm kích” - chị Nguyễn Thị Doãn, công nhân Cơ sở dệt may Kim Hồng, chia sẻ.

Bà Trần Thị Hồng Nhung (chủ DNTN may mặc Hồng Nhung, quận 12) cho biết: “Dù năm nay công việc giảm nhiều so với mọi năm, có những thời điểm một nửa trong số 90 công nhân trong doanh nghiệp của tôi không có việc làm, chi phí tăng mà doanh thu giảm, nhưng tết này tôi vẫn cố gắng chăm lo cho công nhân, vì hiểu hoàn cảnh gia đình các công nhân đang rất khó khăn. Năm nay doanh nghiệp tôi có 40 công nhân đăng ký ở lại, tôi sẽ cố gắng tạo một không khí vui vẻ, ấm cúng cho những công nhân không được đoàn tụ cùng gia đình”. Được biết, ngoài khoản tiền thưởng tết (tùy từng vị trí có mức thưởng khác nhau), với những công nhân về quê, nhiều doanh nghiệp còn hỗ trợ xe đưa đón tận quê, thêm phần quà tết. Còn với công nhân ở lại, ngoài lương, thưởng, nhiều doanh nghiệp còn tổ chức cho công nhân vui tết.

THU HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục