
Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) có nhiều di tích: chuồng cọp, chuồng bò, xà lim, trại tù,… từng giam cầm đày đọa hàng vạn người yêu nước. Mỗi trại giam, gốc cây, khe đá, mỏm núi, nấm mồ… đều khắc sâu ý chí đấu tranh giành độc lập của dân tộc. Nhưng hiện tại hầu hết di tích bị xuống cấp đến không ngờ.
- 100% di tích hư hỏng và xuống cấp
Đó là thực trạng đau lòng đang diễn ra ở Côn Đảo. Những ai đã từng mơ ước một lần ra thăm Côn Đảo đã không khỏi thất vọng khi chứng kiến cảnh tượng này. Điển hình nhất là trại Phú Hải - một trong những trại giam lớn nhất Côn Đảo được xây dựng năm 1862, với 10 phòng giam tập thể, 20 xà lim, 1 phòng đặc biệt, 1 hầm xay lúa… nơi đã từng giam cầm hàng ngàn chiến sĩ cách mạng.

Di tích nhà Công Quán đã đổ nát.
Mấy năm gần đây, đã 2 lần phòng giam số 6 và 7 bị đổ sập trước những cơn gió lớn; còn nhà kho cũng bị sập do mái lợp quá cũ. Vừa sửa lại xong thì phòng giam số 4 tiếp tục sập mái khoảng 200m2; nhiều mái lợp ở các phòng khác đều xuống cấp trầm trọng và có thể đổ sập bất cứ lúc nào.
Tại trại Phú Sơn, tình hình cũng nghiêm trọng không kém. Tổng cộng 13 phòng giam tập thể, 14 xà lim, các khu biệt lập, phòng tối… đều có hiện tượng ngói hư, tường nứt, đòn tay - mái lợp vỡ vụn, nhiều nơi bị mối mọt cắn nát. Hầu hết các phòng giam trống không chẳng còn bất cứ dấu tích hay hiện vật gì để lại.
Ngay khu biệt lập Chuồng bò, nơi bọn cai tù thường dùng để ngâm và tra tấn tù nhân cũng bị hư hỏng gần hết. Mái nóc tan hoang, cửa vách xiêu vẹo, nền gạch ngổn ngang…
Nhà Công quán, nằm cách bờ biển khoảng 20 mét, được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX làm nơi dừng chân cho những người đến thi hành công vụ tại đảo. Tại ngôi nhà này, từ ngày 20-3 đến 19-4-1895, nhà soạn nhạc vĩ đại người Pháp Camille Saint Saens đã lưu lại và hoàn thành vở nhạc kịch nổi tiếng Brunehilda.
Là di tích gắn liền với lịch sử Côn Đảo, nhưng do thiếu sự quan tâm nên nhà Công quán đã mục nát và tốc nóc gần 5 năm nay. Cầu tàu 914 nhếch nhác do thiếu trùng tu bảo quản. Khu nhà chúa đảo, đền bà Phi Yến, trại Phú Tường… đều xuống cấp trầm trọng, nếu không trùng tu kịp thời thì chuyện đổ sập sẽ khó tránh khỏi.
- Đâu là nguyên nhân?

Xà lim đã bị hư hỏng.
Trong suốt 113 năm từ khi thực dân Pháp thành lập nhà tù đến lúc Côn Đảo được giải phóng (1-2-1862 – 1-5-1975), tại Côn Đảo đã có hàng vạn sĩ phu yêu nước và đảng viên cộng sản bị giam cầm đày đọa. Theo cố Tổng Bí thư Lê Duẩn: “Côn Đảo là một di tích lịch sử vĩ đại, là trường học lớn đối với thế hệ mai sau.
Do đó, rất cần giữ gìn và phát huy tính lịch sử vốn có”. Tuy nhiên, đến thời điểm này hầu hết các di tích lịch sử đều bị xuống cấp nặng, do nhiều nguyên nhân khác nhau như: thời gian xây dựng quá lâu nên gỗ bị mối mọt phá hại, khí hậu khắc nghiệt làm cho sắt bị oxy hóa… nhưng vấn đề chính vẫn là thiếu kinh phí trùng tu chống xuống cấp và sửa chữa kịp thời. Từ đó, các di tích bị hư hỏng ngày càng nặng thêm.
Ông Lưu Văn Nhi, Phó Ban quản lý di tích lịch sử cách mạng Côn Đảo, thừa nhận: “Kinh phí nhà nước cấp mỗi năm chỉ vỏn vẹn 300 triệu đồng, số tiền ít ỏi này chỉ đủ chống mối mọt, chớ chưa nói tới việc sửa chữa nhỏ. Còn chuyện trùng tu thì đành bó tay”.
Nhiều năm qua, Ban quản lý “chữa cháy” bằng cách hư chỗ nào vá chỗ đó. Dù vậy tình hình cũng rất khó khăn, bởi các vật liệu như gỗ, gạch ngói, cửa sắt… từ thời Pháp xây dựng đến nay tìm kiếm rất khó khăn. Trong khi việc trùng tu không thể làm khác nguyên trạng được.
Cũng cần nhắc lại, năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 200/2001/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Côn Đảo. Dự kiến tổng mức vốn đầu tư cho dự án trên 60 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 2001- 2005.
Trong đó, giao cho UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm chủ đầu tư, Bộ VH-TT quản lý và hướng dẫn về chuyên môn… Vậy mà, gần 5 năm trôi qua, việc trùng tu các di tích diễn ra chậm chạp do… thiếu vốn. Ngày 31- 10- 2003, UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu ra quyết định phê duyệt trùng tu di tích trại Biệt lập, nhà Công quán và di tích Trại 2.
Tổng kinh phí gần 21 tỷ đồng, nguồn vốn từ ngân sách tỉnh, thời gian thực hiện 12 tháng. Nhưng đến giờ này, dự án vẫn còn nằm trên giấy chưa triển khai được. Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Lưu Văn Nhi, Phó Ban quản lý di tích lịch sử cách mạng Côn Đảo, bức xúc: “Chúng tôi đã nhiều lần báo cáo cấp trên về sự xuống cấp của di tích Côn Đảo.
Dự án đã có nhưng chẳng hiểu vì sao chưa thực hiện. Có lần chúng tôi định kêu gọi xã hội hóa việc trùng tu di tích và thực tế nhiều tổ chức cá nhân sẵn sàng ủng hộ, trong khi kinh phí nhà nước dành cho di tích còn hạn hẹp. Tuy nhiên, cấp trên không cho chủ trương nên đành chịu”.
Bên cạnh việc xuống cấp thì hầu hết các di tích đều trống vắng, không tái hiện được hình ảnh ở các trại giam, nhà tù, chuồng cọp, xà lim… các chiến sĩ bị giam cầm, tra tấn, đấu tranh… ra sao. Điều này làm du khách đến thăm di tích cảm thấy di tích quá đơn điệu và tính giáo dục giảm đi bởi thiếu những hình ảnh trực quan.
HUỲNH PHƯỚC LỢI