Ngành công nghiệp TPHCM
(SGGP).- Ngày 22-1, Sở Công thương TPHCM cho biết, quy mô sản xuất công nghiệp của cả năm 2014 được duy trì, mở rộng với mức tăng khá, tốc độ tăng trưởng có xu hướng phục hồi cao dần, lũy kế tháng sau, quý sau tăng cao hơn tháng trước, quý trước; cả năm tăng 7,0%. Đáng chú ý, một số địa bàn có tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất cao so mức bình quân chung của TP như: quận 7 tăng 21,0%, Bình Tân tăng 18,0%, quận 12 tăng 15,4%...
Đối với bốn ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất - cao su - nhựa và chế biến tinh lương thực thực phẩm) ước tăng 8,3% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng chung của toàn ngành. Riêng ngành cơ khí chế tạo có bước phát triển nhanh, chiếm khoảng 17,5% giá trị toàn ngành công nghiệp, tăng 16,6%; ngành hóa chất - cao su - nhựa phát triển theo hướng bảo vệ môi sinh, môi trường, chiếm tỷ trọng khoảng 19,2%, tăng 4,1%; ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và đồ uống từng bước chuyển sang tinh chế, những công nghệ sản xuất mới được ứng dụng cho ra đời những sản phẩm chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, chiếm tỷ trọng 16,3%, ước tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2013.
Bên cạnh sự phát triển của các ngành công nghiệp trọng yếu, hai ngành truyền thống là dệt may, da giày cũng có tỷ lệ xuất khẩu cao trong cơ cấu xuất khẩu của TP được sắp xếp, củng cố phát triển theo hướng di dời các công đoạn, khâu sản xuất sử dụng nhiều lao động giản đơn, thâm dụng tài nguyên, di dời về các tỉnh, các khu công nghiệp tập trung và vùng phụ cận; đối với các cơ sở vật chất hiện hữu tại TP được củng cố, chuyển đổi sang các ngành như thiết kế mẫu, sản xuất hàng thời trang, hàng cao cấp... Năm 2014, ngành dệt may đạt tốc độ tăng trưởng sản xuất 15,0%, ngành da giày tăng 7,7% so với năm 2013.
Cũng trong năm qua, có sự chuyển dịch rõ nét về ngành nghề của các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm sử dụng công nghệ cao, ít thâm dụng lao động thuộc bốn ngành công nghiệp trọng yếu thay thế cho doanh nghiệp hiện hữu thâm dụng lao động, sử dụng công nghệ lạc hậu trong các khu chế xuất và công nghiệp TP. Cụ thể, đã chuyển đổi thành công 19 dự án cũ thành 21 dự án mới tại Khu chế xuất Linh Trung và Khu công nghiệp Tân Tạo, trong đó: tại Khu chế xuất Linh Trung đã chuyển đổi 7 dự án cũ thuộc các ngành trang trí nội thất, gia dụng, may mặc với tổng vốn đầu tư đăng ký là 34,5 triệu USD thành 7 dự án mới thuộc các ngành cơ khí, điện tử với tổng vốn đầu tư đăng ký là 187,5 triệu USD, tăng 5,4 lần so với trước chuyển đổi. Tại Khu công nghiệp Tân Tạo đã chuyển đổi 12 dự án cũ thuộc các ngành may mặc, hóa nhựa, dệt nhuộm với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 30 triệu USD thành 14 dự án mới thuộc các ngành cơ khí, hóa nhựa, điện tử với tổng vốn đầu tư đăng ký là khoảng 60 triệu USD, tăng 2 lần so với trước chuyển đổi.
LẠC PHONG