Nhiều dịch bệnh dễ bùng phát

* ĐBSCL: Bệnh sốt xuất huyết có chiều hướng tăng cao
Ngày 22-7, trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương gây ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe người dân, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có công văn gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trong cả nước yêu cầu tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh sau mưa bão. 
Nhiều dịch bệnh dễ bùng phát ảnh 1
Theo đó, Cục Y tế dự phòng đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố chủ động triển khai các phương án ứng phó về y tế và công tác phòng chống dịch bệnh, cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường trong và sau lũ lụt. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong vùng bị ngập lụt triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, xử lý xác súc vật chết và các biện pháp vệ sinh khác theo khuyến cáo của cơ quan y tế.
Sở Y tế tổ chức giám sát kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra sau lũ, lụt như: tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết… Đặc biệt đề phòng những bệnh lây qua đường tiêu hóa như: tả, lỵ, thương hàn; duy trì thường trực các đội cơ động chống dịch để sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới; tổ chức các đoàn kiểm tra, hướng dẫn người dân về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm khi cần thiết.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương chủ động cấp hóa chất, hướng dẫn người dân triển khai thau rửa và khử trùng nước giếng, nước sinh hoạt bằng ChloraminB, Aquatas hoặc những hóa chất khử trùng khác tại các vùng có thể bị ngập lụt; tăng cường giám sát chất lượng nước dùng trong ăn uống, sinh hoạt tại các nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung đảm bảo nồng độ Clo dư luôn đạt 0,3-0,5 mg/lít tại vòi sử dụng.
° Từ đầu năm đến nay, tại nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL, tình hình bệnh sốt xuất huyết có chiều hướng tăng cao và diễn biến phức tạp so với cùng kỳ năm 2016. Riêng trong 15 ngày đầu tháng 7-2017, số ca sốt xuất huyết nhập viện điều trị được ghi nhận tại một số tỉnh vùng ĐBSCL tăng 125% so với cùng thời điểm năm 2016. 
Theo thống kê của ngành y tế các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, sốt xuất huyết có chiều hướng tăng mạnh từ đầu tháng 7, do thời tiết bắt đầu vào mùa mưa khiến muỗi truyền bệnh tăng nhanh, số ca sốt xuất huyết theo đó cũng tăng nhanh so với các tháng trước. Trong 10 ngày đầu tháng 7-2017, tỉnh An Giang là địa phương có số ca sốt xuất huyết nhập viện điều trị tăng cao nhất vùng ĐBSCL với 120 ca; tiếp đến là Sóc Trăng với 110 ca và Đồng Tháp là 100 ca sốt xuất huyết nhập viện điều trị.

Tin cùng chuyên mục