Nhiều doanh nghiệp nhựa gặp khó

Ngày 26-12, tại cuộc họp liên quan đến những bất cập trong việc triển khai áp dụng thuế môi trường đối với doanh nghiệp (DN) sản xuất nhựa, nhiều DN bức xúc cho rằng họ đang đứng trước nguy cơ đóng cửa. Nguyên nhân là do thị trường cạnh tranh có quá nhiều bất công mà lợi thế thuộc về DN ngoại và DN không chân chính.
Nhiều doanh nghiệp nhựa gặp khó

Ngày 26-12, tại cuộc họp liên quan đến những bất cập trong việc triển khai áp dụng thuế môi trường đối với doanh nghiệp (DN) sản xuất nhựa, nhiều DN bức xúc cho rằng họ đang đứng trước nguy cơ đóng cửa. Nguyên nhân là do thị trường cạnh tranh có quá nhiều bất công mà lợi thế thuộc về DN ngoại và DN không chân chính.

Bất lợi vì thuế, phí

Câu chuyện bất cập liên quan đến thuế bắt đầu từ năm 2012 và suốt từ đó cho đến nay rất nhiều DN dù đã thông qua nhiều hình thức khác nhau kiến nghị đến các cơ quan chức năng, nhưng đến nay chưa được giải quyết thỏa đáng.

Năm 2012, khi Bộ Tài chính đưa ra quy định đột ngột buộc các doanh nghiệp sản xuất túi ni lông phải đóng thuế ngoại trừ 2 loại mặt hàng nhựa là loại bao bì đóng gói sản phẩm và ni lông thân thiện môi trường. Mức thuế đóng từ 100% - 200% mức giá bán. Tức là trung bình mỗi ký ni lông DN bán ra thị trường có giá khoảng 40.000 đồng sẽ phải đóng thuế thêm 40.000 đồng. Điều này khiến giá thành sản phẩm bao bì tăng đột biến, người tiêu dùng không thích ứng nên tẩy chay tiêu dùng sản phẩm của các DN chân chính.

Sản xuất các sản phẩm từ nhựa tại Công ty TNHH Cát Thái (quận 9, TPHCM).

Để không phải chịu mức thuế vô lý như trên, DN nhanh chóng tìm cách chuyển đổi sang sản xuất nhựa thân thiện môi trường, nhưng tháng 1-2012, DN lại bị buộc đóng thuế và mãi đến tháng 7-2012, Bộ Tài nguyên - Môi trường mới đưa ra được thông tư hướng dẫn tiêu chuẩn bao bì tự hủy.

Mặt khác, cho đến nay nước ta vẫn chưa nội địa hóa nguồn cung ứng sản phẩm là chất phụ gia tự hủy. Các DN muốn chuyển mua chất phụ gia này phải phụ thuộc vào 3 nhà cung cấp nên độ rủi ro rất cao. Trường hợp 3 nhà cung cấp này bắt tay nâng giá thì DN gần như không có lựa chọn khác ngoài việc vẫn phải mua chất này với giá không hợp lý. Do vậy, trong suốt thời gian này, nhiều DN nhựa vì không thể giữ nổi thị phần cạnh tranh đã phải tự ngưng hoạt động.

Cần cạnh tranh công bằng

Trên thực tế, các DN nhựa chân chính đang phải cạnh tranh nhau trong thị phần hết sức chật hẹp. Kết quả điều tra khảo sát thị trường do Quỹ Tái chế chất thải TPHCM thực hiện cho thấy, 80% thị phần tiêu thụ sản phẩm nhựa là không thân thiện môi trường. Số còn lại 20% thị phần tiêu thụ sản phẩm nhựa thân thiện môi trường là siêu thị, trung tâm thương mại, nhà sách. Lý giải về việc các DN sản xuất bao bì không thân thiện môi trường vẫn chiếm thị phần lớn trên thị trường là vì DN này không bị cưỡng chế đóng thuế môi trường.

Trong công văn trả lời kiến nghị bất cập triển khai thu thuế môi trường của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Bộ Tài chính cho rằng, thuế môi trường là thuế tự khai. Do vậy, trường hợp DN không tự khai thì họ không có cơ chế buộc họ phải khai và đóng thuế. Mặt khác, số DN cung cấp sản phẩm bao bì không thân thiện môi trường lại là những cơ sở sản xuất nhỏ, rất nhiều trong số cơ sở đó hoạt động không có giấy phép đăng ký kinh doanh, hoặc có nhưng tham gia thuế khoán tại quận huyện. Do vậy, chưa thể thu thuế họ một cách công bằng như những DN nhựa chân chính như hiện nay.

Trong khi môi trường cạnh tranh công bằng cho những DN nhựa chân chính trong nước chưa được tạo lập, thì các DN nhựa còn phải đối mặt với nguy cơ cạnh tranh mới, khốc liệt hơn với DN nhựa ngoại. Đại diện Công ty cổ phần Bao bì Vafaco nhấn mạnh thêm, vào thời điểm năm 2015, hàng ngàn mặt hàng sẽ được giảm thuế xuống còn 0%, trong đó có nhiều sản phẩm của các DN sản xuất nhựa.

Thế nhưng, thay vì các DN ngoại được giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình gia nhập nhưng vẫn phải chịu thuế môi trường trong nước như những DN nhựa nội thì cho đến nay Bộ Tài chính vẫn chưa thể xác định có nên đánh thuế môi trường với các DN này hay không. Và nếu thực sự việc đánh thuế môi trường không được áp dụng với các DN này thì DN nhựa Việt Nam chỉ có thể khai tử.

Theo ông Trần Việt Anh, để DN nhựa có thể tồn tại trong thời gian tới, nhất thiết Nhà nước cần phải làm tốt, chặt chẽ trong việc triển khai thu thuế. Theo đó, DN sản xuất nhựa không thân thiện môi trường phải kê khai và nộp thuế đầy đủ, bao gồm cả DN ngoại. Tránh tình trạng DN sản xuất bao bì không thân thiện môi trường nhưng lại có ưu thế cạnh tranh hơn nhờ giá thành sản xuất thấp hơn.

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục