Nhiều đơn hàng xuất khẩu chờ doanh nghiệp

Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), hiện có nhiều đơn đặt hàng của doanh nghiệp (DN) nước ngoài gửi đến các DN xuất khẩu trong nước. Tuy nhiên, tình trạng gián đoạn lưu thông, nhất là lưu thông tại các cảng biển cộng với việc giảm công suất sản xuất đã khiến nhiều DN trong nước ngần ngại nhận đơn hàng.
Container hàng hóa xuất khẩu đang được đưa lên tàu tại cảng Tân Cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Container hàng hóa xuất khẩu đang được đưa lên tàu tại cảng Tân Cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Cơ hội cho hàng Việt

Theo Cục Xúc tiến thương mại, thời gian gần đây, thông qua nhiều hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại trực tuyến, cục đã nhận được rất nhiều đơn đặt hàng của các DN nước ngoài. Trong đó, tập trung nhiều nhất là đơn đặt hàng từ châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và các nước Trung Đông. Lượng hàng hóa các DN cần cung ứng số lượng lớn chủ yếu là các mặt hàng nông, thủy hải sản, lương thực, thực phẩm chế biến… 

Phải kể đến nhiều DN tại Osaka, Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu và phân phối các sản phẩm nông sản dạng hạt, nguyên liệu sản xuất gia vị, thực phẩm chế biến các loại cần tìm đối tác Việt Nam cung cấp sản phẩm mứt táo. Các công ty Nhật Bản này mong muốn tìm kiếm đối tác có khả năng sản xuất hàng chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, quy trình sản xuất như táo được sơ chế, gọt vỏ, cắt hình quạt, xắt lát… với độ dày 7mm. Bao bì đóng gói theo quy cách 2kg. Đặc biệt, đảm bảo cung ứng ổn định lượng hàng 100 - 120 tấn/năm. 

Tại thị trường châu Âu, ngay sau phiên tư vấn trực tuyến xuất khẩu nông sản, thủy sản vào thị trường Hà Lan diễn ra ngày 9-8, hay như trước đó, Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh đã tổ chức hội thảo trực tuyến giới thiệu nông sản và hoa quả Việt Nam tại thị trường Anh đến nay, Cục Xúc tiến thương mại đã nhận được nhiều đơn đặt hàng của các DN từ thị trường này. 

Ông Kevin, đại diện chợ Birmingham tại Anh khẳng định, mỗi ngày chợ Birmingham đón 5.000 khách, tiêu thụ từ hàng chục tới hàng trăm tấn cho mỗi mặt hàng nông sản vốn đang là ưu thế xuất khẩu của Việt Nam như: chuối, thanh long, xoài, bơ, vải, nhãn, mít, chanh leo, dứa… Hiện trung bình mỗi năm, kim ngạch xuất khẩu nông thủy hải sản Việt Nam sang Anh đạt hơn 6 tỷ USD. Điều này sẽ còn được mở rộng trong thời gian tới khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) đã và đang được DN trong nước tận dụng tối đa lợi thế. 

Cũng tại phiên tư vấn hỗ trợ DN đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Hà Lan nói riêng và châu Âu nói chung, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại nhận xét, nhiều DN chế biến nông thủy hải sản Việt Nam đã có kinh nghiệm xuất khẩu lâu năm vào thị trường châu Âu nên các rào cản kỹ thuật không làm khó được DN. Hơn nữa, tháng 8-2021 là thời điểm đánh dấu tròn 1 năm Việt Nam và EU ký kết EVFTA. Trên cơ sở đó, 2 yếu tố cốt lõi để hàng nông, thủy hải sản Việt Nam tận dụng tối đa lợi thế thuế suất là đảm bảo quy tắc xuất xứ (thuần Việt), chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn châu Âu đã và đang được DN trong nước tận dụng nhằm gia tăng lợi thế cạnh tranh của hàng Việt tại thị trường này. 

Thống kê 6 tháng đầu năm 2021 của Bộ Công thương cho thấy, sau khi EVFTA có hiệu lực, kim ngạch song phương Việt Nam và EU đã đạt 3,3 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ, bất chấp sự bùng phát của dịch Covid-19. Điều này không những giúp DN trong nước vững chân tại thị trường châu Âu mà còn tạo nền tảng vững chắc về chuẩn quy trình công nghệ sản xuất, chất lượng sản phẩm đủ để gia nhập các thị trường xuất khẩu khó tính trên thế giới. 

Kiến nghị triển khai nhanh “2 tại chỗ”

 Dù rất tiếc nhưng nhiều DN trong nước cho biết, khó tiếp nhận được đơn hàng mới. Bởi việc tắc nghẽn lưu thông hàng hóa ở một số tỉnh thành, một số cảng biển và đặc biệt là phải giảm 50% công suất sản xuất hoặc ngừng hoạt động để đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19 đã khiến họ không thể nhận đơn hàng. 

Để không bỏ lỡ cơ hội kinh doanh, nhiều DN đã kiến nghị ngành chức năng nhanh chóng cho triển khai mô hình sản xuất “2 tại chỗ” có điều kiện.

Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, mô hình này đặc biệt phù hợp với điều kiện TPHCM có lượng lớn nhà trọ công nhân ở quanh nhà máy sản xuất. Chủ DN sẽ làm việc với chủ nhà trọ nhằm thắt chặt kiểm soát an toàn phòng chống dịch, đồng thời cử nhân viên phối hợp kiểm soát việc đi lại của công nhân sau giờ làm. Công nhân phải cam kết ở nhà sau giờ làm. DN sẽ tổ chức xe đưa đóng công nhân từ nhà máy đến địa điểm ở. Như vậy sẽ giảm áp lực chi phí cho DN và tinh thần công nhân thoải mái hơn.

Ngoài ra, việc thông thương hàng hóa, đặc biệt tại các cảng rất quan trọng. Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM nhận định, hiện Tân cảng Cát Lái đã áp dụng nhiều giải pháp để chống quá tải như chuyển hàng về cảng vệ tinh, rút ngắn thủ tục, giảm phí dịch vụ… Tuy nhiên, đây là giải pháp ngắn hạn, cần biện pháp hiệu quả hơn. Trong đó, cần đơn giản thủ tục xuất nhập khẩu, giúp lưu thông nhanh hàng hóa đang tồn tại cảng.

Bình Định yêu cầu doanh nghiệp sản xuất “4 an toàn”

Ngày 12-8, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định đã có buổi làm việc với DN, hiệp hội DN và các địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Tại buổi làm việc, đại diện DN, hiệp hội DN mong muốn tỉnh tạo điều kiện để DN có thể sản xuất “3 tại chỗ” an toàn, bảo đảm phòng chống dịch, ưu tiên cung cấp nguồn vaccine Covid-19 cho công nhân, người lao động.

Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Định, đề nghị UBND tỉnh sớm cập nhật bản đồ “vùng xanh” để hàng hóa lưu thông thuận lợi, tạo điều kiện cho công nhân đến nhà máy làm việc, đồng thời yêu cầu các DN cần sản xuất “4 an toàn”: công nhân an toàn, nhà máy an toàn, giao thông an toàn, nơi ở an toàn.

NGỌC OAI

Tin cùng chuyên mục