Nhiều dự án nhóm A chậm tiến độ, đội vốn

Báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) kết quả giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” trong phiên họp sáng 14-9, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường đã nêu đích danh một số dự án điển hình về thất thoát, lãng phí, gây bức xúc dư luận. 
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường báo cáo tại cuộc họp
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường báo cáo tại cuộc họp

Đây là báo cáo chuyên đề để chuẩn bị cho Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) giai đoạn 2016-2021 tại kỳ họp thứ tư (tháng 10 tới).

Tại báo cáo, với từng lĩnh vực được giám sát, báo cáo đều nêu cả kết quả và hạn chế. Theo đó, với đầu tư công, kết quả giám sát cho thấy, nội dung báo cáo về việc lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, triển khai thực hiện dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A sử dụng vốn đầu tư công của các cơ quan chức năng còn sơ sài. Chủ yếu chỉ liệt kê các dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư, chưa đánh giá về quá trình triển khai, những bất cập, hạn chế, vướng mắc làm ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả các dự án để qua đó đánh giá công tác THTK, CLP đối với các dự án này.

Kết quả giám sát cho thấy, tại một số địa phương cho thấy, tiến độ thực hiện dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A còn chậm, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, phá vỡ các kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội không chỉ của địa phương, mà còn cả khu vực, cả nước.

Với TPHCM, có 2 dự án là dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên (JICA), được phê duyệt năm 2008, qua 14 năm thực hiện vẫn tiếp tục xin lùi thời hạn hoàn thành (dự kiến năm 2028 mới kết thúc dự án), đội vốn quá lớn từ 7.387 tỷ đồng lên 43.757 tỷ đồng. Dự án Xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2, Bến Thành - Tham Lương (ADB, KfW, EIB), được phê duyệt tháng 10-2010 song theo báo cáo mới đây của thành phố thì thời gian đưa vào khai thác dự kiến là năm 2030…

Bên cạnh đó, TPHCM cũng có 2 dự án dừng thực hiện, song chưa đánh giá kỹ nguyên nhân, các vướng mắc phát sinh, lý do và phương án xử lý.

Thành phố Hà Nội cũng có nhiều dự án lớn, nhất là các tuyến đường sắt đô thị cũng ở tình trạng chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư, chưa rõ thời hạn hoàn thành. Chẳng hạn dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội; dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá TP Hà Nội. Một số dự án nhóm A đã hoàn thành, đưa vào hoạt động nhưng kém hiệu quả là dự án Bảo tàng Hà Nội, tuyến xe buýt nhanh (BRT) Cát Linh - Hà Đông...

Đáng lưu ý, hệ thống thông tin, dữ liệu liên quan đến công tác THTK, CLP chưa được quan tâm đúng mức, nên mặc dù rất nỗ lực, nhưng sau nhiều lần bổ sung báo cáo (có đơn vị bổ sung 4-5 lần báo cáo) thông tin, số liệu báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cơ bản chưa đầy đủ theo yêu cầu của đoàn giám sát, chưa lượng hóa được nhiều số liệu tiết kiệm, thất thoát, lãng phí.

Nhiều thông tin, số liệu báo cáo chưa chính xác, còn mâu thuẫn trong từng báo cáo và giữa các bộ, ngành quản lý ngành, lĩnh vực với thông tin kết quả thanh tra, kiểm toán, điều tra và thông tin của các bộ, ngành, các địa phương. Hạn chế này đã gây nên những khó khăn nhất định cho việc tổng hợp, nhận định, đánh giá.

Số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ tăng 33,33% 

Theo báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022 gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), các cơ quan chức năng đã điều tra, khám phá 29.169 vụ phạm tội về trật tự xã hội, đạt tỷ lệ 86,57%, trong đó án rất nghiêm trọng đạt 94,61%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 95,45%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao; đã triệt phá 631 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại, trong đó đã trấn áp mạnh tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” tạo được chuyển biến tích cực; bắt và vận động đầu thú 4.919 đối tượng truy nã, trong đó có 1.452 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm...

Về kết quả công tác phòng, chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, cơ quan chức năng đã phát hiện 4.354 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, giảm 38,61%. Có 396 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ, tăng 33,33%. Nổi lên là các sai phạm trong các lĩnh vực chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp; sai phạm trong hoạt động đấu thầu, đấu giá, mua sắm công, tập trung vào khâu thẩm định giá, thẩm định thầu, làm rõ thủ đoạn thông đồng chia nhỏ dự án, gói thầu để chỉ định thầu... 

Trong công tác phòng, chống tội phạm về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm, đã phát hiện, khám phá 1.569 vụ (giảm 32,17%), 1.557 đối tượng vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; khởi tố 537 vụ, 614 bị can.

Tin cùng chuyên mục