Nhiều giải pháp đảm bảo giao thông khu vực trường học

Đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) tại trước các trường học trên địa bàn TPHCM được ngành chức năng đặc biệt quan tâm, trong bối cảnh niên học mới 2017-2018 vừa bắt đầu.
Nhiều giải pháp đảm bảo giao thông khu vực trường học
Điểm nóng Trường THPT Trần Đại Nghĩa
Do đặc thù vị trí địa lý, Trường THPT Trần Đại Nghĩa nằm trên địa bàn quận 1 là điểm nóng tiêu biểu về ùn ứ giao thông trên địa bàn thành phố. Trường có 2 mặt tiền trên đường Nguyễn Du và đường Lý Tự Trọng. Trong đó, ở mặt tiền đường Nguyễn Du, đoạn từ đường Đồng Khởi đến đường Hai Bà Trưng, có bề rộng mặt đường trung bình khoảng 9m và là đường một chiều theo hướng từ đường Hai Bà Trưng đến đường Đồng Khởi. Đường Lý Tự Trọng còn nhỏ hơn với bề rộng chỉ 8m và cũng là đường một chiều theo hướng từ đường Đồng Khởi đến đường Hai Bà Trưng.
Có nhiều nguyên nhân khiến khu vực xung quanh trường học này trở thành điểm nóng tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra ùn ứ giao thông, đặc biệt trước giờ vào học và giờ tan học. Do trường nằm ở vị trí trung tâm thành phố, bao quanh bởi các tuyến đường nhộn nhịp sầm uất, trong đó 2 tuyến đường Nguyễn Du và Lý Tự Trọng có mật độ xe cộ lưu thông lớn, đã vậy trên đường Lý Tự Trọng còn thường xuyên bị xe taxi dừng đậu không đúng quy định để chờ đón khách ở khu thương mại VinCom gần đó; còn trên đường Nguyễn Du vào giờ cao điểm buổi chiều cũng tràn ngập xe máy của phụ huynh dừng đậu dưới lòng đường, trên lề đường để đón con em tan học.
Trước tình hình này, một loạt giải pháp đã được Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM triển khai, tất cả đều mang tính xử lý kỹ thuật. Có thể nhắc đến biện pháp cấm dừng và đậu xe trên đường Lý Tự Trọng, đoạn từ đường Đồng Khởi đến đường Hai Bà Trưng và trước khu thương mại VinCom. Đường Nguyễn Du cũng cấm dừng và đậu xe tương tự nhưng cho phép phương tiện dừng xe từ 16 - 18 giờ, tức giờ tan trường buổi chiều.
Trên đường Đồng Khởi gần đó, Sở GTVT cũng điều chỉnh cấm dừng và đậu xe, đoạn từ đường Nguyễn Du đến đường Lê Thánh Tôn nhằm giúp tăng khả năng lưu thông phương tiện tại giao lộ Nguyễn Du - Đồng Khởi cũng như tăng khả năng lưu thông trên đường Nguyễn Du. Sở GTVT cũng đã phối hợp với nhà trường tổ chức lưu thông ra - vào trường 1 chiều tại 2 cổng riêng biệt. Theo đó, học sinh sẽ vào trường từ đường Lý Tự Trọng và ra về theo cổng trường ở phía đường Nguyễn Du. Một biện pháp tăng cường nữa là nhà trường phối hợp với Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng (thuộc Sở GTVT) để đưa rước học sinh bằng xe buýt.
Sở GTVT TPHCM cũng cho biết, trong thời gian tới sẽ cùng các cơ quan chức năng khác triển khai thêm nhiều giải pháp nhằm tăng cường đảm bảo ATGT xung quanh điểm trường này. Chẳng hạn, UBND quận 1 sẽ lắp đặt khoảng 82m hàng rào phân cách vỉa hè với lòng đường trên đường Nguyễn Du. Đoạn hàng rào phân cách này cùng nhắm đến 3 mục đích: hạn chế tình trạng chiếm dụng vỉa hè để buôn bán, học sinh băng qua đường không đúng nơi quy định và phụ huynh không còn tùy tiện dừng xe dưới lòng đường.
Một biện pháp khác cũng sắp được thực hiện, đó là Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Công an TPHCM) và Cảnh sát giao thông quận 1 sẽ tăng cường tuần tra, lắp đặt camera để kiểm soát các trường hợp dừng và đậu xe không đúng nơi quy định.
Tăng phối hợp, giảm ùn tắc
Không riêng gì trước Trường THPT Trần Đại Nghĩa, mà một loạt trường học, cơ sở giáo dục khác cũng đã và sẽ tiếp tục được cơ quan chức năng triển khai nhiều giải pháp xử lý kỹ thuật để tăng cường đảm bảo ATGT. Các giải pháp khá đa dạng và linh động áp dụng tùy theo đặc điểm tình hình khu vực điểm trường.
Tại Trường THPT Nguyễn Trãi ở góc giao lộ Nguyễn Tất Thành - Xóm Chiếu (quận 4), Sở GTVT đã cho đóng khoảng mở giải phân cách thép tại giao lộ Nguyễn Tất Thành - Lê Văn Linh và đoạn trước Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Cấm ô tô quay đầu tại các khoảng mở của giải phân cách thép trên đường Nguyễn Tất Thành trong thời gian từ 6 - 22 giờ hàng ngày.
Để hạn chế tình trạng phụ huynh thường chờ dưới lòng đường, vỉa hè để đón con em trước cổng Trường THPT Lương Văn Can trên đường Phạm Hùng (quận 8), Sở GTVT đã làm việc với lãnh đạo nhà trường và kết quả thống nhất là phụ huynh được đưa phương tiện vào sân trường để đón học sinh. Trường hợp đi bộ hoặc đi xe đạp, học sinh sẽ ra trường theo cổng khác ở phía sau.
Một điểm nóng tập trung đông người khác là tại Trường Anh văn Hội Việt - Mỹ trên đường Nguyễn Kiệm, ngay gần cầu vượt ngã sáu Gò Vấp. Do nằm sát giao lộ sầm uất, huyết mạch của quận nên giao thông bị ách tắc mỗi khi phụ huynh dừng đậu xe đưa đón con em đến trường. Sở GTVT đã đề nghị UBND quận Gò Vấp phối hợp với nhà trường sắp xếp lại nơi dừng đậu trên vỉa hè, kẻ vạch sơn quy định và bố trí nhân sự tham gia điều tiết giao thông trong những giờ cao điểm, nhất là vào buổi chiều.
Trong khi đó, Trường Đại học Kinh tế Luật nằm trên quốc lộ 1 (phường Linh Trung, quận Thủ Đức) có sự bất cập khác khi thường xuyên diễn ra tình trạng sinh viên và khách đi bộ băng qua đường với số đông, từ đó ảnh hưởng đến ATGT trên quốc lộ. Giải pháp được chọn để giải quyết vấn đề này là xây cầu bộ hành băng qua quốc lộ 1, đoạn ngay trước trường đại học. Dự kiến, cầu bộ hành này sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.
Một cầu bộ hành khác phục vụ sinh viên cũng đang được cân nhắc xây dựng tại khu vực Trường Đại học Tôn Đức Thắng trên đường Nguyễn Hữu Thọ (quận 7). Khu vực trường đại học này thường xuyên có lượng người, phương tiện giao thông cá nhân đủ loại qua lại, trong khi mặt đường trước khu vực trường nhỏ, không đáp ứng được nhu cầu giao thông thực tế. Dự kiến nơi đây cũng xây cầu bộ hành với kinh phí khoảng 10 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục