Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

Thông tin từ Sở Công thương TPHCM về tình hình xuất nhập khẩu 10 tháng của năm 2017 rất khả quan. Tuy nhiên, xét về cơ cấu vẫn thấy xuất khẩu FDI chiếm tỷ trọng lớn.
Ông Phạm Thành Kiên
Ông Phạm Thành Kiên

Doanh nghiệp chưa tận dụng được lợi thế cung ứng sản phẩm hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu cuối. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM. 

- Phóng viên: Ông nhìn nhận như thế nào khi doanh nghiệp FDI chiếm chủ lực trong kim ngạch xuất khẩu?

>> Ông Phạm Thành Kiên: Qua số liệu thống kê trong 10 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp TPHCM qua cửa khẩu thành phố đạt 26,93 tỷ USD, tăng 15,3%. Nếu không tính dầu thô, kim ngạch đạt 24,3 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2016. Xét theo thành phần kinh tế, khu vực kinh tế trong nước chiếm tỷ trọng 38,7%, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng 61,3% (đối với cả nước, khu vực kinh tế trong nước chỉ chiếm 28,9% và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 71,1%). 

Có nhiều nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng cao trong kim ngạch xuất khẩu của thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Cụ thể, trong thời gian qua, kim ngạch nhóm hàng nông - thủy sản tăng chậm, thấp hơn tốc độ tăng trưởng chung (năm 2016 tăng 5,2%, 10 tháng 2017 tăng 3,4%) do gặp khó khăn trong nguồn nguyên liệu. Thực tế này đã dẫn đến việc hạn chế nguồn cung nguyên liệu đầu vào, giá cả trên thị trường xuất khẩu đứng ở mức thấp. Bên cạnh đó, sự thiếu ổn định trong chất lượng sản phẩm nên thường vấp phải các rào cản kỹ thuật ở các nước nhập khẩu. Trong khi đó, nhóm hàng này chủ yếu do thành phần kinh tế trong nước xuất khẩu. Cụ thể, tỷ trọng xuất khẩu của thành phần kinh tế trong nước đối với mặt hàng gạo là 100%; thủy hải sản 94,2%; cà phê 75,2%; cao su 96,7%; hạt tiêu 96,2%; hạt điều 84,1%; hàng rau quả 95,1%...

Một nguyên nhân khác, việc thực hiện các chính sách ưu đãi thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao như miễn, giảm về thuế… đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp FDI, cộng với việc khối doanh nghiệp này có tiềm lực tài chính, nhiều kinh nghiệm hơn trong kinh doanh quốc tế và có sẵn thị trường đầu ra ổn định; khả năng vượt qua các biến động về khủng hoảng thị trường nhanh hơn doanh nghiệp trong nước (như tác động từ cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu). Do vậy, trong thời gian gần đây tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp FDI cao hơn doanh nghiệp trong nước, dẫn đến tỷ trọng xuất khẩu của nhóm này có xu hướng tăng lên.

- Nhiều chuyên gia cho rằng, kim ngạch xuất khẩu vẫn phần lớn thuộc về doanh nghiệp FDI. Thậm chí, doanh nghiệp FDI không thực sự chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước như cam kết khi đầu tư. Ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này? 

Chủ trương mở cửa thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài trong gần 30 năm qua của Việt Nam đã tạo ra nhiều cơ hội để tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy xuất khẩu, giải quyết việc làm cho người lao động. Hiện cả nước có hơn 23.000 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 300 tỷ USD. Riêng TPHCM thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước với 45,66 tỷ USD (chiếm 15,1%, tính đến tháng 3-2017)… Nhưng thực tế sự liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và FDI chưa được chặt chẽ như kỳ vọng. Hiệu ứng lan tỏa về công nghệ và năng suất lao động từ các doanh nghiệp FDI đến các doanh nghiệp trong nước còn nhiều hạn chế. 

Theo tôi, một trong các rào cản lớn doanh nghiệp trong nước chưa tận dụng, tiếp cận được các lợi thế mang lại từ việc thu hút doanh nghiệp FDI như tiếp cận công nghệ, tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu là chất lượng lao động của Việt Nam còn ở mức thấp, nếu xét trên bình diện khu vực và quốc tế. Cải thiện vấn đề này chắc chắn cần thêm nhiều thời gian.

- Để nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh của doanh nghiệp nội, giảm chênh lệch kim ngạch xuất nhập khẩu giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp FDI, trong thời gian tới, sở triển khai những biện pháp gì? 

Sở đang được UBND TPHCM giao chủ trì phối hợp với Viện Chính sách công - Trường Đại học Kinh tế TPHCM và các chuyên gia của chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright xây dựng đề án Phát triển xuất khẩu giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030.

Đề án này đang được xây dựng theo hướng ứng dụng các thành tựu nghiên cứu mới của thế giới, như sử dụng mô hình không gian sản phẩm (product space), chỉ số lợi thế so sánh bộc lộ (RCA)… để đánh giá, phân tích thực trạng và lợi thế tiềm năng sản phẩm xuất khẩu của thành phố. Trong đó, đặc biệt chú ý đến các sản phẩm có lợi thế tiềm năng mà doanh nghiệp trong nước đang có thế mạnh xuất khẩu. Từ đó, có chính sách, giải pháp cụ thể phù hợp nhằm thúc đẩy xuất khẩu của thành phần kinh tế trong nước. Theo tiến độ, đề án sẽ được báo cáo lãnh đạo UBND TPHCM vào tháng 2-2018. Sau khi đề án được phê duyệt, Sở Công thương sẽ tham mưu các giải pháp để đẩy mạnh xuất khẩu trên địa bàn thành phố. 

Riêng trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, sở đang đẩy mạnh triển khai đề án cơ sở dữ liệu công nghiệp hỗ trợ giúp các doanh nghiệp có nhu cầu tìm hiểu, nắm bắt thông tin về lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; tạo điều kiện để kết nối giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và với các doanh nghiệp lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh. Cùng với đó, chương trình kích cầu đầu tư nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thành phố đã được tích cực triển khai trong thời gian qua, giúp doanh nghiệp thành phố nói chung và doanh nghiệp công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ có cơ hội được đổi mới, hiện đại hóa máy móc, thiết bị, mở rộng sản xuất đã từng bước phát huy hiệu quả. Trong số các doanh nghiệp được phê duyệt tham gia chương trình, nhiều doanh nghiệp bước đầu tham gia được vào chuỗi sản xuất sản phẩm linh kiện cho Công ty Điện tử Samsung (Công ty TNHH sản xuất Hiệp Phước Thành, Công ty cổ phần Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên…).

Tin cùng chuyên mục