Nhiều khả năng bão số 11 đổ bộ vào Trung Trung bộ

(SGGP).- Chiều 12-10, vị trí tâm bão số 11 ở vào khoảng 15,3 độ vĩ Bắc; 117,6 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 600km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (tức là từ 118 đến 133 km/giờ), giật cấp 13, cấp 14. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh thêm.

(SGGP).- Chiều 12-10, vị trí tâm bão số 11 ở vào khoảng 15,3 độ vĩ Bắc; 117,6 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 600km về phía Đông Đông Nam . Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (tức là từ 118 đến 133 km/giờ), giật cấp 13, cấp 14. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh thêm.

 

Đến 16 giờ ngày 13-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,6 độ vĩ Bắc; 112,7 độ kinh Đông, trên khu vực phía Đông Nam quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13, giật cấp 15, cấp 16. Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km. Đến 16 giờ ngày 14-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,1 độ vĩ Bắc; 109,5 độ kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 120km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13.

 

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Đông khu vực Bắc và giữa biển Đông có gió mạnh cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Biển động dữ dội. Vùng biển quần đảo Hoàng Sa từ sáng nay (13-10), có gió mạnh dần lên cấp 8, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, cấp 13, giật cấp 15, cấp 16. Biển động dữ dội.

Chiều tối 12-10, Ban chỉ đạo PCLB Trung ương đã có cuộc họp khẩn chỉ đạo các giải pháp ứng phó với bão số 11. Tại cuộc họp, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho hay, dựa vào các mô hình cho thấy, khoảng 50% - 60% bão số 11 đổ bộ vào khu vực Đà Nẵng. Thời gian bão đổ bộ sớm nhất từ tối đến đêm 14-10. Vì vậy, mọi công tác chuẩn bị phải hoàn thành trước 17 - 18 giờ ngày 14-10. Nếu bão đổ bộ vào sẽ kèm theo gió rất mạnh và gây mưa rộng ra vùng phía Bắc.

 

Rút kinh nghiệm từ cơn bão số 10 vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Trưởng BCĐ PCLB Trung ương Cao Đức Phát lưu ý đến vấn đề giao thông trên đường bộ, thông tin liên lạc trong vùng bão. “Trong cơn bão số 10, tôi với tư cách là Trưởng BCĐ PCLB Trung ương đã cho cấm xe lưu thông trên QL1 nhưng phần lớn chỉ xe tải chấp hành, xe khách vẫn chạy bất chấp lệnh cấm. Còn thông tin liên lạc thì chập chờn, tôi gọi điện cho Giám đốc Sở TT-TT Quảng Bình mà 3 tiếng sau mới có mặt. Tôi đã đề nghị UBND tỉnh kiểm điểm vị giám đốc sở này”, ông Phát nêu thực trạng.

 

Ủy ban Quốc gia TKCN cho biết đã huy động hơn 232.000 cán bộ chiến sĩ, dân quân tự vệ, cùng 1.700 phương tiện trong đó hơn 700 ô tô và 6 máy bay sẵn sàng tham gia ứng cứu, hỗ trợ phòng chống bão số 11.

 

* Ngày 12-10, Trung tâm PCLB miền Trung, cho biết: Theo dự báo nhiều khả năng bão số 11 sẽ đổ bộ vào các tỉnh, thành miền Trung nên hiện các địa phương triển khai các biện pháp để ứng phó với bão. Ngay trong ngày 12-10, Bộ đội biên phòng các địa phương cùng với gia đình các chủ tàu thuyền kêu gọi tàu thuyền còn hoạt động trên biển khân trương vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn.

 

Tính đến nay, đã thông báo cho 36.097 tàu/150.305 lao động biết vị trí và hướng di chuyển của bão số 11. Hiện vẫn còn 5.365 tàu/42.243 lao động còn trên biển.

Chiều cùng ngày, Văn phòng Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, hơn 30km bờ biển tại địa phương tiếp tục sạt lở, biển xâm thực mạnh. Nghiêm trọng nhất là khu vực bờ biển xã Phong Hải, huyện Phong Điền; xã Hải Dương, thị xã Hương Trà, các xã Phú Thuận, Phú Hải, huyện Phú Vang, ảnh hưởng trực tiếp đến 1.000 hộ dân sinh sống ở đây. Địa phương đã đầu tư 1,5 tỷ đồng và huy động sức dân tiến hành gia cố các điểm xung yếu.

VĂN PHÚC - NGUYỄN HÙNG - VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục