Nhiều khó khăn, trở ngại đối với TPHCM trong công tác lập quy hoạch

Chiều 9-3, UBND TPHCM đã có báo cáo gửi đoàn giám sát của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch trên địa bàn TP kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.

 

Một góc TPHCM nhìn từ trên cao
Một góc TPHCM nhìn từ trên cao

Nhiệm vụ lập quy hoạch dự kiến được trình phê duyệt trong quý 2

Theo báo cáo, nhiệm vụ lập quy hoạch TPHCM đến nay đã được xây dựng hoàn chỉnh, bài bản và chất lượng. Ngày 8-3, hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh đã tổ chức phiên họp thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch TPHCM  thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sau khi nhiệm vụ lập quy hoạch được tiếp thu, hoàn thiện theo ý kiến thẩm định của hội đồng, dự kiến sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý 2.

Thẳng thắn thừa nhận công tác lập quy hoạch thành phố theo quy định của Luật Quy hoạch còn chậm so với các địa phương khác, báo cáo đã chỉ rõ các nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, đáng lưu ý là mặc dù Luật Quy hoạch đã được ban hành, nhưng nghị định và thông tư hướng dẫn đang trong quá trình được Bộ KH-ĐT xây dựng và hoàn thiện. Do đó, trong khoảng thời gian này, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nói chung và TPHCM  nói riêng có khó khăn, vướng mắc về trình tự, thủ tục, hồ sơ, định mức chi phí, yêu cầu về nội dung... cho công tác lập, thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch; lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch cũng như điều kiện về năng lực chuyên môn đối với tổ chức tư vấn lập quy hoạch.

Mặt khác, các quy hoạch cấp quốc gia - là một trong những căn cứ quan trọng để lập quy hoạch thành phố chưa được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 về giải thích một số điều của Luật quy hoạch. Theo đó, nghị quyết đã tháo gỡ, cho phép các địa phương có thể lập đồng thời các quy hoạch mà không phải đợi các quy hoạch cao hơn được quyết định hoặc phê duyệt.

Tuy nhiên, đối với một địa phương lớn như TPHCM, có đóng góp tỷ trọng lớn cho kinh tế cả nước thì định hướng phát triển của cả nước có tác động lớn đến định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và khi định hướng này chưa được xác định rõ thì thành phố gặp phải lúng túng nhất định trong việc lập quy hoạch địa phương mình.

Thêm nữa, tác động của dịch Covid-19, gần nhất là đợt dịch lần thứ 4 vào cuối tháng 4-2021 đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến nền kinh tế thành phố. Trong thời gian này, bên cạnh việc tập trung mọi nguồn lực cho công tác chống dịch và hỗ trợ người dân, thành phố cũng phải xem xét, rà soát thật kỹ các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội để điều chỉnh tầm nhìn, định hướng phát triển thành phố cũng như điều chỉnh lại định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực cho phù họp với điều kiện hiện tại và phù họp với với các kịch bản tăng trưởng có khả năng xảy ra trong tương lai để tránh bị động, làm ảnh hưởng đến công cuộc phát triển kinh tế và giữ vững an sinh xã hội…

Hiện nay TPHCM đang lập đồng thời 4 quy hoạch: Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch cấp nước thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Theo đó, thời kỳ và tầm nhìn lập các quy hoạch trên là khác nhau nên TPHCM có khó khăn đối với yêu cầu đồng bộ, tương thích về nội dung và thời điểm khớp nối giữa các loại quy hoạch nêu trên trong quá trình lập.

Hầu hết các địa phương đều mong muốn hồ sơ quy hoạch tỉnh ngoài bản cứng theo quy định tại Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7-5-2019 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch thì phải có thêm bản mềm là cơ sở dữ liệu GIS, trong khi đó cơ sở dữ liệu đầu vào chưa được cung cấp trên nền tảng GIS nên đơn vị tư vấn khó triển khai, nếu xây dựng từ đầu sẽ tốn nhiều thời gian và công sức.

Theo quy định của Nghị định 37/2019/NĐ-CP ngày 7-5-2019, bản đồ của quy hoạch tỉnh (đối với TPHCM là quy hoạch thành phố theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017) được thể hiện ở tỷ lệ 1/25.000 - 1/100.000. Tuy nhiên, rất khó thực hiện ở tỷ lệ bản vẽ này đối với việc xác định diện tích các loại đất cần chuyển mục đích sử dụng đất trong kỳ quy hoạch đến từng đơn vị hành chính cấp huyện.

Còn tình trạng quy hoạch chồng quy hoạch

Liên quan đến quá trình triển khai thực hiện công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt, cũng còn nhiều tồn tại, bất cập. Lãnh đạo TPHCM giải trình: TPHCM là một siêu đô thị, nhưng hệ thống hạ tầng lại chưa đồng bộ, chưa theo kịp để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Công tác lập, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch hạ tầng kỳ thuật đô thị và không gian xây dựng ngầm đô thị, công tác lập quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị và thiết kế đô thị (tại các khu vực trung tâm, các khu vực điểm nhấn, khu vực dọc các tuyến đường chính, các khu vực bảo tồn...) chưa đáp ứng kịp thời theo quản lý đô thị, do đây là công tác mới mẻ, chưa có các hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Thực tế, nếu có hướng dẫn chung cũng khó áp dụng, vì còn liên quan đến phải điều chỉnh lại hệ thống đồ án quy hoạch phân khu liên quan và bị chi phối rất nhiều bởi nguồn lực thực hiện theo quy hoạch, tránh tình trạng có quy hoạch mà không thực thi.

Đặc biệt, công tác quản lý quy hoạch còn xảy ra sai phạm; việc triển khai thực hiện các dự án đô thị chưa theo lộ trình và chưa đáp ứng yêu cầu. Ở một số khu vực còn xảy ra tình trạng xây dựng tự phát, xây dựng sai quy hoạch, hoặc đầu cơ, lấn chiếm đất đai, một số nơi buông lỏng công tác quản lý dẫn đến phá vỡ quy hoạch hoặc giảm tính khả thi của đồ án quy hoạch. Việc quản lý tại một số khu vực còn chồng chéo, do vừa có quy hoạch nông thôn mới, vừa có quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch phân khu; chức năng sử dụng đất trong đồ án quy hoạch nông thôn mới không đồng nhất với đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chung xây dựng và quy hoạch sử dụng đất.

Thực tế một số đồ án quy hoạch được duyệt tại khu vực nội thành trên địa bàn TPHCM không đảm bảo chỉ tiêu sử dụng đất công trình giáo dục và cây xanh theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành (giáo dục (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) 1,8m2/người (quy đổi từ chỉ tiêu m2/ học sinh); cây xanh 2m2/người). Nguyên nhân là do lịch sử khách quan để lại, các khu vực nội thành đa số đã lấp đầy dân cư hiện hữu từ những năm trước đây, khi lập quy hoạch không còn quỹ đất để bổ sung đất công trình giáo dục và công viên cây xanh cho đủ theo quy chuẩn. Trong trường hợp quy hoạch thêm quỹ đất để bổ sung các công trình này sẽ dẫn đến quy hoạch không khả thi do nhà nước không đủ nguồn lực để đền bù, thu hồi đất để triển khai thực hiện theo quy hoạch được duyệt.

Theo quy định, các đồ án quy hoạch được lập trên nền bản đồ địa hình. Tuy nhiên hiện nay hệ thống cơ sở dữ liệu của thành phố chưa có đầy đủ bản đồ địa hình để cung cấp cho các cơ quan khi lập quy hoạch.

Tin cùng chuyên mục