Nhiều làng nghề lụn bại

Phá sản vì bất động sản
Nhiều làng nghề lụn bại

Do kinh tế khó khăn, hàng loạt làng nghề vừa mới phục hồi có nguy cơ chết yểu vì sản phẩm không có đầu ra...

Sản xuất thép ở Đa Hội đang gặp khó khăn, người lao động thất nghiệp phải chờ việc.

Sản xuất thép ở Đa Hội đang gặp khó khăn, người lao động thất nghiệp phải chờ việc.

Phá sản vì bất động sản

Vừa thoát khỏi “cơn bão” khủng hoảng năm 2008, khi các doanh nghiệp làng nghề bắt đầu gượng dậy thì nhiều tháng qua, làng tôi luyện, cán kéo thép Đa Hội (Từ Sơn, Bắc Ninh) lại một lần nữa lâm vào cảnh đìu hiu, vắng lặng khác thường. Ông Đỗ Văn Hiền, Chủ tịch UBND xã Châu Khê cho biết, cả làng Đa Hội có tới 1.700 cơ sở sản xuất thép, nhưng bây giờ nhiều cơ sở phải đóng cửa. Những xưởng còn sản xuất cũng chỉ cố gắng cầm cự, giảm hẳn công suất.

Anh Trần Văn Bền, chủ cơ sở thép Thủy Bền ở xóm 4 Đa Hội, buồn rầu bảo: “Trước mỗi ngày tôi cán 400 tấn thép các loại, còn bây giờ chỉ dám cán 200 tấn vì khó có đầu ra”. Anh Bền cho biết thêm, do lượng thép làm ra giảm nên số lao động cũng phải cắt giảm một nửa. Còn anh Trần Văn Cường, chủ một cơ sở tôi luyện thép ở cụm công nghiệp Châu Khê 1 ở đầu làng Đa Hội, cho hay, năm trước trong xưởng lúc nào cũng có 50-60 công nhân, nhưng nay chỉ nhận 10 người vào làm.

Tính đến nay, đã có hàng chục doanh nghiệp ở Đa Hội tuyên bố phá sản, hàng trăm doanh nghiệp phải tạm đóng cửa. Có doanh nghiệp lỗ trắng 20 tỷ đồng. Còn số doanh nghiệp lỗ 7-8 tỷ đồng chiếm số đông.

Theo các chủ cơ sở, nguyên nhân chính là do bất động sản đang đóng băng, nhiều công trình xây dựng đều bị đình trệ, nên thép làm ra tồn đọng. Càng thêm khó khăn khi các ngân hàng đang thu hồi vốn để bảo đảm thanh khoản, nên các doanh nghiệp trở tay không kịp. Ông Đỗ Văn Việt, chủ cơ sở thép Việt Pha, nói: “Để có tiền trả ngân hàng, chúng tôi phải thanh lý nhà xưởng, máy móc, để trả nợ”. Nhiều doanh nghiệp không còn khả năng trả nợ đã tuyên bố “vỡ nợ”, hoặc gán trả bằng đất đai, nhà xưởng, thậm chí còn bị ngân hàng niêm phong. Đến nay, đã có chủ phải bỏ chạy khỏi làng.

Theo Chủ tịch UBND xã Đỗ Văn Hiền, năm trước, có thời điểm lượng lao động ở Đa Hội lên tới hơn 1.000 người, nhưng bây giờ chỉ còn lại khoảng 200-300 người. Không có việc, nên lao động đành kéo về quê tìm việc khác.

Tháo gỡ khó khăn

Cùng với Bắc Ninh và Nam Định, Hà Nội hiện có số làng nghề nhiều nhất cả nước, vậy nhưng hàng loạt làng nghề, doanh nghiệp cũng đang hoạt động cầm cự suốt nhiều tháng qua. Làng mây giang đan xuất khẩu Ninh Sở (Thường Tín, Hà Nội) từng có một thời vàng son, làm ăn nhộn nhịp. Vậy mà nay chỉ còn vài gia đình, doanh nghiệp giữ nghề.

Ở huyện Chương Mỹ, hàng loạt làng nghề như Trường Yên, Phú Nghĩa, Đông Phương Yên… cũng vậy. Hàng làm ra ứ đọng, không xuất khẩu được vì đối tác cũng gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải vay lãi suất ngân hàng cao nên thua lỗ nặng. Sở Công thương tỉnh Thái Bình cho biết, hiện có 14 làng nghề, chiếm 75% tổng số làng nghề trên địa bàn tỉnh chuẩn bị xóa sổ vì lao động chán bỏ nghề, sản phẩm làm ra không bán được, thu nhập sụt giảm không bảo đảm được đời sống người lao động.

Ông An Văn Khanh, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Thương mại nông lâm thủy sản (Bộ NN-PTNT), đơn vị được giao quản lý hoạt động làng nghề, thừa nhận do ảnh hưởng suy giảm kinh tế thế giới đã khiến nhiều làng nghề lao đao, hàng triệu lao động bị mất việc làm. Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực của các doanh nghiệp nên năm 2010, sản xuất ở các làng nghề dần hồi phục, nhưng chỉ được hơn một năm thì khó khăn đã quay trở lại. Hiện cả nước có 22.331 doanh nghiệp làng nghề hoạt động, cùng với 894.695 hộ và cơ sở nhỏ lẻ nhưng chỉ những cơ sở sản xuất, doanh nghiệp lớn mới tiếp cận được vốn ngân hàng. Do đó, giải pháp để gỡ khó khăn cho các làng nghề cũng như doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay là phải tháo gỡ khó khăn về vốn.

“Bộ NN-PTNT đang đề xuất các chính sách như hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, đề nghị các ngân hàng tạo điều kiện cho doanh nghiệp làng nghề được vay vốn dễ dàng với lãi suất ưu đãi, gia hạn đáo nợ cho những doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản và về lâu dài cần nhân rộng mô hình Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ ở mỗi địa phương” - ông Khanh cho biết.

Còn theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ LĐ-TB-XH đang tìm giải pháp để giúp những người lao động mất việc có việc làm ở nơi khác và hỗ trợ họ nếu chưa thể tìm việc làm. Bộ đã có văn bản đề nghị các địa phương ưu tiên cho những người thất nghiệp vay vốn từ Quỹ việc làm quốc gia, chỉ đạo các trung tâm giới thiệu việc làm cung cấp thông tin về thị trường lao động để họ có thể tìm được việc làm mới, thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp, hướng dẫn các doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ các quy định về chế độ chính sách đối với người lao động.

Văn Phúc Hậu

Tin cùng chuyên mục