Tại hội nghị trực tuyến tuyên truyền phổ biến pháp luật phòng, chống khủng bố trong ngành ngân hàng diễn ra ngày 16-5, ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết trong lĩnh vực ngân hàng, dù chưa xảy ra các vụ khủng bố nhưng theo thống kê của Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố ngành ngân hàng, từ năm 2017 đến nay đã xảy ra hơn 20 vụ cướp tại các phòng giao dịch, cây ATM trên toàn quốc; gây tác động tâm lý không nhỏ trong nhân dân.
Thời gian qua, Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố ngành ngân hàng đã phối hợp với Cục An ninh nội địa (Bộ Công an) kiểm tra, khảo sát về công tác phòng, chống khủng bố tại một số đơn vị trong NHNN, ngân hàng thương mại. Kết quả cho thấy, nhiều đơn vị thiếu thông tin về hoạt động phòng, chống khủng bố, chưa tổ chức diễn tập tình huống khủng bố xảy ra (như: phần tử khủng bố tấn công mạng, hệ thống công nghệ thông tin của ngân hàng, bắt giữ con tin…), chưa nhận thức được trách nhiệm khi khủng bố xảy ra.
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của Việt Nam, sự chuyển dịch của các tổ chức khủng bố từ Trung Đông sang Đông Nam Á, NHNN yêu cầu hệ thống ngân hàng thực hiện biện pháp nhận biết khách hàng; rà soát, kiểm tra kỹ các giao dịch thanh toán chuyển tiền quốc tế; đặc biệt là thanh toán mua bán hàng hóa, dịch vụ và chuyển tiền cho các tổ chức phi lợi nhuận…
* Tại báo cáo đánh giá tóm tắt rủi ro quốc gia về rửa tiền và chống khủng bố, NHNN cho biết, ở Việt Nam, nguy cơ rửa tiền trong nền kinh tế ở mức “trung bình”, mức độ dễ tổn thương về rửa tiền và rủi ro rửa tiền quốc gia là “trung bình cao”. Đáng lưu ý trong đó, lĩnh vực ngân hàng tương ứng ở mức cao - trung bình cao - cao; ở lĩnh vực bất động sản là cao - trung bình - trung bình cao; ở hệ thống chuyển tiền ngầm là cao - cao - cao... Trong khi đó, nguy cơ về tài trợ khủng bố của Việt Nam và mức độ tổn thương về tài trợ khủng bố của Việt Nam được đánh giá ở mức “thấp”.