Quốc lộ (QL) 1A qua miền Trung chiếm gần một nửa chiều dài toàn tuyến, bị chia cắt nhiều do hệ thống sông suối dày đặc nên cứ mỗi mùa mưa lũ đi qua, đoạn đường này lại bị băm nát. Cùng với đó, nhiều cây cầu do tuổi thọ quá lâu đã và đang xuống cấp, đe dọa hàng ngày đến tính mạng con người và các phương tiện lưu thông.
Chạy mà run
Theo khảo sát của Ban ATGT tỉnh Quảng Ngãi, hiện trên QL1A đoạn qua tỉnh này còn tồn tại 13 điểm đen và 7 tụ điểm phức tạp về trật tự an toàn giao thông (bình quân cứ hơn 5km có một điểm “nóng” về giao thông). Anh Bùi Văn Sỹ, tài xế xe khách Hoàng Long chạy tuyến Bắc - Nam, phản ảnh: “Chúng tôi phải tập trung cao độ điều khiển xe mỗi khi vào địa phận Quảng Ngãi vì có quá nhiều cung đường vừa chạy vừa run”.
Thực trạng trên cũng được lãnh đạo ngành giao thông Quảng Ngãi ghi nhận: Trong số 20 điểm đen và tụ điểm phức tạp về trật tự giao thông, có 2 cung đường đang là hiểm họa rất lớn đối với người và phương tiện khi tham gia giao thông qua lại nơi đây. Đó là, đoạn từ chợ Nước Mặn đến Trường THPT Trần Kỳ Phong, xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn (Km 1031 - Km 1035) và đoạn đường từ Km 1110 - Km 1113 (huyện Đức Phổ).
Trong khi đó, QL1A đoạn qua Phú Yên dài 125km được xem là bị hư hỏng nặng nhất khu vực miền Trung, từng mảng lớn mặt đường bị tróc lớp nhựa, đơn vị sửa chữa đổ đá rồi phủ lớp đất lên trên cho xe qua lại tạm thời. Theo tài xế Nguyễn Ngọc Phương, chạy tuyến TPHCM - Đà Nẵng, trước đây qua đoạn Phú Yên thường tốn khoảng 3 triệu đồng tiền dầu nhưng gần đây, vì đường hư, anh phải tốn thêm 300.000 đồng nữa vì đường xấu phải vừa đi vừa... bò.
Theo Sở GTVT tỉnh Phú Yên, QL1A qua tỉnh này bị hư hỏng nặng vì lưu lượng xe hiện đã vượt quá 40% thiết kế; xe chở quá tải ngày càng nhiều làm cho đường mau xuống cấp, trong khi nguồn vốn bảo trì, sửa chữa đường hàng năm chỉ được bố trí khoảng 60% yêu cầu, không thể tu sửa lớn.
Mặt đường là vậy, những cây cầu trên tuyến QL1A qua miền Trung cũng đang là hiểm họa khôn lường đối với cánh tài xế, người tham gia giao thông. Cầu Châu Ổ bắc qua sông Trà Bồng (Quảng Ngãi) là minh chứng cho thực tế đó.
Theo hồ sơ được lưu tại Công ty cổ phần Quản lý và xây dựng đường bộ Quảng Ngãi, cây cầu này được xây dựng năm 1962, là một trong 3 cây cầu lớn trên địa bàn Quảng Ngãi. Hàng chục năm qua, cây cầu này phải oằn mình gánh tải trọng vượt hơn gấp đôi mức tải trọng cho phép.
Năm 2008, sau mùa mưa lũ, gần như toàn bộ mặt cầu, khe co giãn đều bị bong tróc; dầm cầu rung quá mức cho phép mỗi khi có xe tải trọng lớn đi qua. Các phương tiện vận tải qua cầu không dám chạy mà phải “bò”, gây nên tình trạng ùn tắc giao thông trong những giờ cao điểm.
Chắp vá
Công ty TNHH một thành viên Quản lý - sửa chữa đường bộ Phú Yên cho biết, QL1A đoạn qua tỉnh này hiện có đến 13 điểm bị hư hỏng nặng, có nguy cơ mất an toàn giao thông. Trong đó, 2 điểm nghiêm trọng đều ở đèo Cả.
Ông Lê Minh Hùng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý và xây dựng đường bộ Quảng Ngãi, cho biết: “Hàng năm, công ty đều tổ chức khảo sát, đánh giá chất lượng toàn bộ hệ thống cầu trên QL1A và báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam về những cầu đã và đang xuống cấp biết để có giải pháp xử lý. Tuy nhiên, số cầu được đầu tư sửa chữa, nâng cấp và xây mới trong những năm qua chưa nhiều so với số lượng cầu xuống cấp”.
Theo khảo sát của Khu Quản lý đường bộ V, cầu Phủ qua Quảng Ngãi bị nứt; bê tông trụ, tay vịn thành cầu bị bong; mố cầu phía Nam có hiện tượng nứt, lún. Mặc dù đã khắc phục tạm bằng cách dùng rọ sắt đựng đá để gia cố vào thành mố cầu nhưng vẫn chưa an toàn.
Cũng theo Khu Quản lý đường bộ V, hiện từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa có khoảng 102 cây cầu yếu. Mới chỉ có 3 cây cầu đang được sửa chữa tại Khánh Hòa, đang lập hồ sơ sửa chữa 4 cây cầu (cũng ở Khánh Hòa), đề nghị kiểm định lại 43 cây cầu khác.
Cuối tháng 5, đơn vị này đã có tờ trình Tổng cục Đường bộ Việt Nam về việc xin phép lập báo cáo kinh tế kỹ thuật 8 cầu để sửa chữa khẩn cấp giải quyết dứt điểm các cầu yếu giai đoạn 2012-2013, bao gồm: An Tân (Quảng Nam); Nước Mặn, Ô Sông (Quảng Ngãi); Gia Hựu (Bình Định) và Sông Ván, Suối Dừa, Ồ Ồ, Ninh Đa (Khánh Hòa) với kinh phí khoảng 23 tỷ đồng.
Về sửa chữa mặt đường, mới đây Bộ GTVT đã thông qua dự án cải tạo một phần QL1A đoạn qua miền Trung do Ngân hàng Thế giới tài trợ.
Hà Minh