Nhiều tỉnh, TP phía Bắc thiệt hại do nước biển dâng

Các nhà khoa học khẳng định, trong vòng 50 năm tới, Việt Nam sẽ nằm trong nhóm các nước chịu ảnh hưởng nặng của nước biển dâng cũng như biến đổi khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên, ở nhiều tỉnh TP thuộc miền Bắc hiện nay như Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định… ảnh hưởng của nước biển dâng, biến đổi khí hậu đã hiển hiện rõ.
Nhiều tỉnh, TP phía Bắc thiệt hại do nước biển dâng

Các nhà khoa học khẳng định, trong vòng 50 năm tới, Việt Nam sẽ nằm trong nhóm các nước chịu ảnh hưởng nặng của nước biển dâng cũng như biến đổi khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên, ở nhiều tỉnh TP thuộc miền Bắc hiện nay như Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định… ảnh hưởng của nước biển dâng, biến đổi khí hậu đã hiển hiện rõ.

  • Ngập lụt và sạt lở

Ở miền Bắc, nơi đang chịu ảnh hưởng rõ nét nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng là TP Hải Phòng. Hiện nay, mỗi khi có mưa lớn, nơi đây xuất hiện hàng trăm điểm ngập, có nơi kéo dài cả ngày. Nguyên nhân không phải do hệ thống thoát nước quá kém, mà do nước biển dâng, đặc biệt gặp khi triều cường, nước trong nội thành không thoát ra sông, ra biển được. Nhiều hồ chứa nước không còn thực hiện được chức năng điều hòa nữa. Tình trạng ngập lụt của Hải Phòng còn nặng hơn Hà Nội và TPHCM.

Đắp đê ngăn nước biển dâng tại Thanh Hóa trong cơn bão vào tháng 7-2010.

Đắp đê ngăn nước biển dâng tại Thanh Hóa trong cơn bão vào tháng 7-2010.

Ông Vũ Trọng Quang, Giám đốc Công ty Thoát nước Hải Phòng, cho biết hiện nay trách nhiệm nặng nề của công ty là lo thoát nước cho toàn khu vực Hải Phòng. Mặc dù dự án 1B thoát nước đã hoàn thành song chỉ có thể đảm bảo với các trận mưa cường độ nhỏ hơn 120mm. Đặc biệt, vẫn còn những điểm ngập lụt nặng do thủy triều cao hơn cốt nền, như đường Bến Bính, Thất Khê, Nguyễn Bình, Tô Hiệu, ngã ba Cấm, Lê Lợi… Trong trường hợp nước biển dâng, sẽ có thêm nhiều khu vực ngập nặng, khả năng thoát nước ngày càng nan giải.

Viện Khoa học khí tượng thủy văn và môi trường cũng khẳng định, trong 50 năm qua (1960-2010), mực nước biển đo được tại Trạm Khí tượng thủy văn Hòn Dáu (Hải Phòng) đã dâng lên khoảng 20cm và riêng trong thập kỷ qua đã dâng 2,5-3cm. Đồng thời, Hải Phòng và TPHCM là 2 trong 10 khu vực của thế giới đang chịu ảnh hưởng rõ rệt của nước biển dâng, sẽ ngập lụt nặng khi nước biển dâng lên 1m. Hiện nay, nhiều khu vùng ven biển Hải Phòng như xã Phù Long, đảo Cát Hải, bãi bồi ven đê biển 1, đê biển 2 đã xuất hiện tình trạng nước biển xâm thực vào bờ, biển lở.

Tại tỉnh Nam Định, ảnh hưởng của nước biển dâng cũng thể hiện rõ ở nhiều vùng biển. Trong đó, người dân ở 2 xã Hải Triều và Hải Chính (Hải Hậu) đã có 3 lần di chuyển vì sạt lở. Trên bờ biển vẫn còn “dấu tích” làng mạc bị biển san phủi. Cách đó không xa, tại hai bãi biển Thịnh Long (huyện Hải Hậu) và Quất Lâm (huyện Giao Thủy) liên tục những năm gần đây xảy ra tình trạng nước biển lấn sâu vào khu du lịch.

Ông Lê Công Sản, Chủ tịch UBND thị trấn Thịnh Long, cho biết, cách đây 10 năm, bãi biển này còn ở tít tận ngoài xa 1km, nhưng sau đó cả rừng phi lao xanh ngắt cũng bị biển chôn vùi và nước mặn cứ lấn sâu vào đất liền. Sau đó, UBND tỉnh Nam Định đầu tư một dự án xây kè để ngăn biển lở, bảo vệ khu du lịch.

  • Chủ động ngừa biến đổi khí hậu

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều Hải Phòng, ông Nguyễn Bá Tiến cho biết hiện nay Hải Phòng gần dẫn đầu cả nước về phong trào trồng rừng ngập mặn để chắn sóng. Trồng cây chắn sóng là phương án rẻ và hiệu quả cao để chống biến đổi khí hậu, bên cạnh đầu tư xây dựng hệ thống đê biển. Do đó, UBND TP Hải Phòng đã đầu tư khá lớn cho việc trồng rừng ngập mặn và hệ thống đê bảo vệ vùng đất ven sông, ven biển trước nguy cơ nước biển dâng cao.

Tới nay, Hải Phòng đã trồng được gần 6.000ha cây ngập mặn, bắt đầu thể hiện tác dụng. Chẳng hạn, rừng ngập mặn ở Đại Hợp, Đoàn Xá (Kiến Thụy), Bàng La (Đồ Sơn), Vinh Quang (Tiên Lãng) có thể làm giảm 50% chiều cao cũng như năng lượng sóng biển.

Liên quan mục tiêu đầu tư kiên cố hệ thống đê biển cả nước, tại cuộc họp của Bộ NN-PTNT tổ chức vào đầu năm 2011, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã yêu cầu các bộ rà soát lại hệ thống đê biển hiện nay, bởi những năm qua, mặc dù đã có nhiều dự án có liên quan đến đầu tư nâng cấp, gia cố hệ thống đê sông, đê biển, đặc biệt đoạn từ Quảng Ninh tới Quảng Nam và Quảng Nam tới Cà Mau, song chúng ta vẫn chưa tính tới tình huống biến đổi khí hậu.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Đầu tư hệ thống đê biển trong giai đoạn mới cần phải tính toán thật kỹ tới cả yếu tố biến đổi khí hậu, có thể đảm bảo an toàn trước nguy cơ nước biển dâng”. 

VĂN PHÚC

Tin cùng chuyên mục