Hiệp định Thương mại tự do EVFTA
Trao đổi với Báo Sài Gòn Giải Phóng xung quanh sự kiện Việt Nam và EU vừa ký Tuyên bố về việc chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA), Luật gia Nguyễn Việt Khoa - Hội Luật gia TPHCM nhận định: “Đây là một hiệp định mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng lắm thách thức cho Việt Nam”.
Ông Khoa cho biết thêm: Có thể nói, năm 2015 là mốc son của Việt Nam trong giai đoạn hội nhập quốc tế. Hàng loạt các hiệp định được ký kết với các đối tác chiến lược trong khối ASEAN, thành lập cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC), đặc biệt là Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, có một hiệp định rất quan trọng giữa Việt Nam và 28 nước trong khối EU thì không thể không nhắc tới. Bởi EU là một thị trường đầy tiềm năng cho Việt Nam nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro và thách thức. Nếu tận dụng được cơ hội này thì Việt Nam sẽ sớm hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước nâng tầm mới, vươn lên trở thành tốp 5 nước AEC một số chỉ số về sự phát triển. Mặc dù vậy, nội dung và những cam kết của hiệp định này xem ra còn rất xa lạ với người dân nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng. Ngoài đoàn đàm phán trực tiếp của hiệp định này, hay một số bộ, ngành có liên quan thì công tác tuyên truyền phổ biến cho các cơ quan nhà nước ở địa phương, người dân, doanh nghiệp xem ra còn quá chậm chạp. Chúng ta không thể để “nước đến chân mới chạy” giống như một số hiệp định mà trước đây Việt Nam đã tham gia. Vì vậy ngay từ bây giờ Bộ Công thương, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam cần phối hợp với UBND cấp tỉnh ở các địa phương tổ chức công tác tuyên truyền cho các doanh nghiệp những nội dung của hiệp định mà có tác động ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp từ thị trường EU.
* Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn một số cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam sau khi Hiệp định EVFTA được ký kết, thưa ông?
* Thị trường EU với 28 nước sẽ là tiềm năng rất lớn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các ngành dệt may, ngành nông nghiệp, thủy hải sản. Nhiều mặt hàng nông nghiệp như rau củ quả, mật ong, sản phẩm liên quan đến gốm, thủy tinh, nhựa được xóa bỏ thuế quan ngay. Đồng thời, những mặt hàng có thế mạnh lâu nay của Việt Nam như giày dép, dệt may, sản phẩm từ gạo sẽ được xóa bỏ thuế quan theo lộ trình 7 năm. Đây có thể nói là cơ hội tuyệt vời, nếu các doanh nghiệp Việt Nam biết tận dụng để xuất khẩu sang thị trường vốn được xem là khó tính này. Bên cạnh đó, việc tham gia hiệp định này cũng là cơ hội để các doanh nghiệp việt nhập khẩu những trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại, chất lượng tốt. Qua đó, giúp việc nâng cao nâng suất, chất lượng sản phẩm giảm dần việc phụ thuộc việc nhập các máy móc, thiết bị từ thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, việc tham gia Hiệp định này góp phần thu hút đầu tư FDI và cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp EU. Đây là mong muốn của Chính phủ, cũng như chính quyền địa phương trong việc xúc tiến thương mại đầu tư từ thị trường này. Việc tham gia Hiệp định EU nâng tầm Việt Nam lên một vị thế mới, qua đó chúng ta buộc phải cải cách về các thủ tục hành chính, thuế, hải quan để cải thiện môi trường kinh doanh cho phù hợp với những nội dung cam kết.
Nhiều mặt hàng nông nghiệp như rau củ quả sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định EVFTA có hiệu lực Ảnh: CAO THĂNG
* Vậy theo ông, cần có những giải pháp, cơ chế gì để tận dụng tốt cơ hội khi Việt Nam tham gia vào EVFTA?
* Chúng tôi cho rằng, nếu không có những chuẩn bị và giải pháp kịp thời thì Việt Nam không những không tận dụng được cơ hội mà tiềm ẩn không ít thách thức và rủi ro không nhỏ khi tham gia hiệp định này. Thứ nhất, nhiều sản phẩm của Việt Nam không đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn sẽ không vào được EU. Việc thay đổi này không hề đơn giản và có thể diễn ra nhanh chóng, lâu nay sản phẩm đặc biệt là từ nông sản của Việt Nam chỉ phù hợp với thị trường cấp thấp, nhiều sản phẩm không đáp ứng và bị trả về từ thị trường EU. Thứ hai, năng suất lao động của Việt Nam thuộc hàng thấp nhất so với các nước trong khu vực, vì vậy rất khó có thể cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại xuất khẩu sang thị trường này. Chưa tính đến một số tiêu chuẩn và điều kiện lao động của các doanh nghiệp Việt Nam không đủ để đáp ứng và là điều kiện quan trọng khi xuất khẩu sang thị trường EU. Thứ ba, một số vấn đề như việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, mua sắm của Chính phủ xem ra chúng ta khó đáp ứng, việc cải thiện hệ thống luật pháp gặp ít nhiều trở ngại, dù đã cố gắng có thể nói trong mấy năm qua việc cải thiện môi trường kinh doanh không đáng kể. Việc đấu tranh chống tham nhũng rất quyết liệt nhưng hiệu quả chưa cao và chúng ta luôn nằm trong những nước có chỉ số tham nhũng thuộc hàng cao của thế giới. Đây cũng là nguyên nhân chúng ta gặp không ít khó khăn khi thu hút đầu tư của các doanh nghiệp tự thị trường này trong nhiều năm qua. Thứ tư, việc thiết lập cơ chế giải quyết tranh chấp đặc thù cũng là thách thức không nhỏ cho Việt Nam, nếu không thay đổi tư duy quản lý thì một số cơ quan nhà nước sẽ đối diện với các vụ kiện tụng. Thứ năm, nhiều doanh nghiệp trong nước trong các lĩnh vực, máy móc, thiết bị, ô tô, dược phẩm sẽ không thể cạnh tranh khi dòng thuế quan được xóa bỏ trong thời gian nhất định từ 5 năm đến 10 năm sau khi Hiệp định được ký kết. Chưa tính đến một số sản phẩm của doanh nghiệp đang có ưu thế tại thị trường trong nước như thịt gà, thịt bò sẽ chịu sự cạnh tranh của các sản phẩm từ thị trường này.
Với những thách thức nêu trên và để tận dụng tốt cơ hội ở thị trường EU nói chung và các Hiệp định với các nước khác nói chung, sắp tới, khi Việt Nam tổ chức Đại hội Đảng lần thứ 12, một bộ máy mới hình thành. Vì vậy, cần phải có cam kết và đổi mới mạnh mẽ trong việc đấu tranh chống tham nhũng, loại ra khỏi bộ máy những cán bộ tiêu cực, nhũng nhiễu doanh nghiệp, đầu tư. Đồng thời, Chính phủ cần phải có bước đột phá mạnh mẽ về việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao thứ bậc, đặc biệt liên quan đến các vấn đề thủ tục đầu tư, thuế, hải quan. Bên cạnh đo, các doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi tư duy sản xuất củ, từng bước năng cao năng suất lao động, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, điều kiện lao động để đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường này. Các doanh nghiệp cũng cần một đội ngũ tư vấn vừa tìm hiểu thị trường này, vừa chuẩn bị các công cụ pháp lý để đối phó với các vụ kiện tụng khi cần thiết. Có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, các cơ quan đại diện của Việt Nam tại EU để hướng dẫn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt trong quá trình xuất nhập khẩu với các doanh nghiệp từ thị trường này.
* Trân trọng cảm ơn ông!
LẠC PHONG (thực hiện)
--------------------------------------------------------
| |