(SGGPO).- Sáng 8-6, Bộ Tư pháp phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao tổ chức tọa đàm nhằm thảo luận về các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật Phá sản 2014 và Nghị định số 22/2015/NĐ-CP về Quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, sau gần một năm rưỡi thực thi Luật Phá sản, đến nay bộ đã cấp chứng chỉ cho gần 700 quản tài viên và 10 doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. “Dù đã hình thành một ngành nghề mới là quản tài viên, nhưng số vụ việc có sự tham gia của quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý tài sản còn ít, năng lực của đội ngũ quản tài viên có sự chênh lệch, quản tài viên ít nhiều còn bỡ ngỡ. Đặc biệt, điều rất đáng bàn ở đây nhiều vướng mắc về pháp lý trong quá trình giải quyết vụ việc”, Thứ trưởng Ngọc nói.
Theo ông Nguyễn Đình Tiến, Phó Chánh toà, Tòa Kinh tế (Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội), do chế định quản tài viên và doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản là rất mới, nên các thẩm phán đã gặp không ít khó khăn, lúng túng trong áp dụng chế định này khi giải quyết vụ việc phá sản. “Khó khăn chủ yếu tập trung vào việc chỉ định, thay đổi quản tài viên, giám sát hoạt động, yêu cầu quản tài viên báo cáo; giám sát quản lý hồ sơ vụ việc”, ông nói.
Tuy có rất nhiều vướng mắc ngay từ khâu đầu tiên là lựa chọn quản tài viên thích hợp để xử lý vụ việc, song bất cập lớn nhất – ông Tiến nhận định – là ở khâu chi phí.
Ông Tiến phân tích: “Mỗi loại việc phá sản có những bước tiến hành và tính phức tạp khác nhau; người thẩm phán khó lường trước mức độ phức tạp của những loại việc sẽ làm khi mới chỉ tiếp xúc với đơn yêu cầu tuyên bố phá sản. Việc phải có hướng dẫn cụ thể về căn cứ để thẩm phán dễ dàng ước định khoản chi phí páh sản phải thu là một yêu cầu bức thiết”.
Đáng lưu ý, ông Nguyễn Đình Tiến đã nhắc đến vụ việc Giang Kim Đạt khi nêu câu hỏi về trình tự và cơ chế “bóc tách” tài sản thu hồi của các cá nhân quản lý doanh nghiệp do tham ô mà có để đưa vào xử lý phá sản.
Là một Luật sư, quản tài viên đã trực tiếp thực hiện công việc này, ông Nguyễn Thế Truyền (Công ty hợp danh quản lý và thanh lý tài sản Thiên Thanh, Hà Nội) chia sẻ quan điểm với ông Tiến: “Chi phí để thực hiện nhiệm vụ quản tài viên nhiều khi rất lớn và không dự liệu trước được”. Ông cho biết, có vụ việc phá sản của doanh nghiệp mà địa bàn hoạt động “phủ” tới trên 30 tỉnh thành, với 4 kho hàng cần quản lý ở 4 tỉnh thành khác nhau thì chỉ riêng chi phí đi lại của quản tài viên đã lên đến hàng trăm triệu. Đó là những lĩnh vực chuyên sâu mà quản tài viên buộc phải thuê chuyên gia hỗ trợ. Một thực tế nữa là nhiều khi đề xuất lựa chọn quản tài viên của doanh nghiệp lại không được thẩm phán chấp nhận.
ANH PHƯƠNG