
Khi cử tri Mỹ chuẩn bị bầu người kế nhiệm Tổng thống George W.Bush, họ cũng nhìn lại 2 nhiệm kỳ của ông, vị tổng thống thứ 43 của cường quốc số một thế giới.

Theo một thăm dò dư luận của USA Today/Gallup thực hiện từ ngày 26 đến 27-9, tỷ lệ người Mỹ ủng hộ ông Bush giảm xuống 27%. Trong các cuộc thăm dò của Gallup suốt 70 năm qua, chỉ có 2 tổng thống Mỹ có tỷ lệ tín nhiệm giảm xuống tới 27% hoặc thấp hơn. Đó là Harry S. Truman và Richard Nixon.
Một trong những lý do chính khiến tỷ lệ ủng hộ ông Bush ở mức thấp như vậy là cuộc khủng hoảng tài chính. Nhưng một lý do khác làm ông Bush bị chỉ trích ở Mỹ và nhiều nơi trên thế giới là chính sách ngoại giao của ông.
Trong một lần trả lời phỏng vấn hồi tháng 5-2007, cựu Tổng thống Jimmy Carter đã mô tả ông Bush là tổng thống “tệ hại nhất trong lịch sử” về chính sách ngoại giao.
Đỉnh điểm của những sai lầm trong chính sách đối ngoại của ông Bush chính là cuộc chiến tranh Iraq do ông khởi xướng năm 2003. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William J. Perry cho rằng, có 2 lý do chính lý giải tại sao chính quyền Bush để lại một di sản rất tiêu cực liên quan đến cuộc chiến này. Đó là áp đặt dân chủ mà không tính đến những chi phí quá đắt cho chiến dịch đó và tiến hành một cuộc chiến mà không có sự chuẩn bị thích hợp.
Dư luận Mỹ và thế giới đều đánh giá khá tiêu cực về cuộc chiến Iraq. Cụ thể, có đến 63% cho rằng cuộc chiến này là “một sai lầm”, tỷ lệ được coi là cao nhất trong lịch sử Mỹ về một cuộc chiến. BBC cho biết, chi phí cho cuộc chiến Iraq ước tính có thể lên tới 3.000 tỷ USD. Ngoài chi phí tài chính khổng lồ, Mỹ cũng phải trả giá đắt về nhân mạng. Tính đến tháng 7-2008, đã có 4.113 lính Mỹ thiệt mạng tại Iraq.
Cũng vì kiên quyết theo đuổi cuộc chiến Iraq, Washington đã phớt lờ một số đồng minh thân cận như Đức và Pháp. Châu Âu không chỉ bất đồng với Mỹ về cuộc chiến tranh Iraq mà còn về cách thức Mỹ tiến hành cuộc chiến đó. Cuộc chiến Iraq không chỉ làm rạn nứt quan hệ giữa Mỹ và châu Âu mà còn gây chia rẽ giữa các thành viên EU. Ngoài việc phớt lờ châu Âu, chính quyền Bush cũng không quan tâm đến LHQ khi tiến hành chiến tranh.
Chiến dịch chống khủng bố nói chung cùng 2 cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq nói riêng hầu như chi phối các chính sách ngoại giao của Tổng thống Bush trong 2 nhiệm kỳ của ông. Cũng vì điều đó, ông Bush bị coi là “hiếu chiến”. Một trong những lý do chính khiến Mỹ tiến hành 2 cuộc chiến đó là để “quảng bá nền dân chủ kiểu Mỹ” tại Afghanistan và Iraq. Song người dân ở 2 nước này vẫn đang chịu cảnh “nồi da xáo thịt” với sự nơm nớp lo sợ thường trực khi hàng ngày đều có các vụ đánh bom liều chết hoặc bom đạn của liên quân dội xuống đầu.
Một nguyên nhân khác làm cho vị thế của Mỹ dưới thời Tổng thống Bush không được tôn trọng là thái độ chần chừ của Mỹ trong việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Việc Tổng thống Bush không ký Hiệp ước Kyoto là một thí dụ. Vấn đề này cũng là một điểm bất đồng lớn giữa Mỹ và châu Âu.
VIỆT LÊ (theo CNN, BBC, USA Today)