Ngay từ lúc bị khởi tố, nhiều vụ án đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân bởi tính chất, mức độ hành vi phạm tội và hậu quả gây ra đối với xã hội. Thế nhưng, qua thời gian, vụ án dần “teo tóp” và mức án mà các bị cáo nhận lãnh cũng quá nhẹ nhàng. Ngược lại, có những vụ án, chứng cứ phạm tội chưa đầy đủ, rõ ràng, nhưng các đối tượng liên quan vẫn bị kết án nặng dẫn đến oan sai. Những vụ việc như thế đã phần nào làm giảm lòng tin của người dân vào sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật. Mời bạn đọc cùng chúng tôi nhìn lại những vụ án lạ lùng như thế trong thời gian gần đây.
Tội một đằng, án một nẻo
Phiên tòa xét xử phúc thẩm “tập đoàn” massage kích dục Tân Hoàng Phát vừa kết thúc. Tuy nhiên, mức án tòa tuyên là một sự bất ngờ đối với dư luận, khi hội đồng xét xử giảm án cho tất cả các bị cáo từ phân nửa mức án trở lên so với tòa sơ thẩm. Theo đó, “ông trùm” Phan Cao Trí được giảm từ 12 năm tù, xuống còn 5 năm tù về hai tội “Bắt, giữ người trái pháp luật” và “Cưỡng đoạt tài sản”. Vợ, em vợ và ba đồng phạm giúp sức cho Trí cũng được giảm án mạnh - từ 2 năm tù đến 10 năm tù, còn 1 năm đến 4 năm 6 tháng tù (trong đó vợ Trí từ 6 năm tù giam, giảm còn 3 năm tù treo). Mức án này không tương xứng với tính chất nghiêm trọng của vụ án. Bởi lẽ hành vi phạm tội của các bị cáo không chỉ khống chế quyền tự do đi lại, tự do thân thể của các nữ nhân viên mà còn dùng vũ lực buộc người khác phải nộp tiền; gây bức xúc trong dư luận, bị xã hội lên án.
Ngay sau phiên tòa, bên ngoài phòng xử, một số cô gái từng làm việc trong “tập đoàn” massage Tân Hoàng Phát bức xúc cho rằng, bản án do Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM tuyên phạt không nghiêm minh, chưa thỏa đáng khi giảm án quá nhiều cho các bị cáo. Thật ra, với những “chuyện lạ” diễn ra như hội đồng xét xử thẩm vấn nhân chứng theo hướng “gỡ tội” cho các bị cáo, tự đóng vai trò luật sư “truy” công tố viên về một số chi tiết trong cáo trạng và bản luận tội thì kết quả này không quá khó hiểu!
Chính vì lẽ đó, ngày 19-12-2011 Viện trưởng Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại TPHCM (Viện Phúc thẩm 3) đã báo cáo, đề xuất Viện trưởng Viện KSND tối cao xem xét kháng nghị xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án phúc thẩm để xét xử lại.
Quan điểm tòa - viện “vênh” nhau
Thật ra, đây không phải vụ án duy nhất có sự không thống nhất về quan điểm giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Theo Bộ luật Tố tụng hình sự, khi xét xử, căn cứ vào chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa và trên cơ sở xem xét ý kiến của các bên, hội đồng xét xử có thể tuyên bị cáo không phạm tội hoặc một tội danh khác nhẹ hơn. Quy định này nhằm đảm bảo sự thật của vụ án được xác định một cách khách quan, toàn diện, không để xảy ra oan sai. Thế nhưng, trên thực tế, không ít bản án tuyên “ân giảm” cho bị cáo một cách khó hiểu.
Điển hình như trong vụ chuyển nhượng đất đai trái phép xảy ra tại Công ty Xây dựng Gò Vấp, dù Viện KSND TPHCM truy tố Trần Kim Long (nguyên Chủ tịch UBND quận Gò Vấp) ba tội danh “Nhận hối lộ”, “Đưa hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, nhưng tại phiên xử sơ thẩm lần hai vào tháng 6-2010, TAND TPHCM loại bớt tội “Nhận hối lộ”, chỉ xét xử bị cáo Long hai tội còn lại.
Không đồng tình với phán quyết này, Viện trưởng Viện KSND TPHCM có văn bản kháng nghị, đề nghị tòa án cấp phúc thẩm xét xử theo hướng thêm tội danh “Nhận hối lộ” đối với bị cáo Long. Chấp thuận kháng nghị, trong phiên xử phúc thẩm sau đó, Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm về tội danh, hình phạt đối với bị cáo Long, giao TAND TPHCM xét xử lại. Và tại phiên xử sơ thẩm lần ba vào tháng 7-2011, TAND TPHCM đã tuyên phạt bị cáo Long mức án tổng hợp 30 năm tù cho cả ba tội danh.
Một vụ tòa – viện “vênh” nhau khác là vụ Rusalka. Với tư cách Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư và Phát triển dịch vụ du lịch Rus-Inves-Tur, ông Nguyễn Đức Chi đã có thủ đoạn gian dối trong việc khuếch trương tài sản để tạo lòng tin đối với Công ty Xuất nhập khẩu và Lương thực Trà Vinh. Nhờ vậy, ông Chi được mua hơn 31.000 tấn gạo theo hình thức trả chậm để rồi chiếm đoạt luôn số gạo trị giá gần 5,3 triệu USD. Với hành vi này, ông Chi bị VKSND Tối cao truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Tại phiên xử sơ thẩm vào tháng 10-2008, công tố viên cũng đề nghị mức án từ 12 đến 15 năm tù đối với Chi về tội danh này. Thế nhưng, TAND tỉnh Trà Vinh chỉ tuyên ông Chi phạm tội “Sử dụng trái phép tài sản” và xử phạt 4 năm tù giam. Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM cũng tuyên y án sơ thẩm. Đến lúc này, mọi người tự hỏi phải chăng ông Chi thật sự oan uổng khi bị gán biệt danh “siêu lừa” sau những bài viết phân tích tỉ mỉ những thủ đoạn lừa đảo bậc thầy của ông Chi trên các phương tiện thông tin đại chúng, hay sự thật vụ án vẫn còn những góc khuất chưa được đưa ra ánh sáng?
Nhóm PV