Khoáng sản: Khai thác tràn lan - Hiểm họa lâu dài

Nhìn quặng... đi, lòng quặn đau!

Nhìn quặng... đi, lòng quặn đau!

Thật xót xa khi những mỏ quặng khổng lồ, nguồn tài nguyên quý giá của quốc gia, không thể tái tạo, đang bị khai thác trái phép vô tội vạ ở nhiều địa phương miền Bắc và còn được xuất lậu ồ ạt sang Trung Quốc bằng nhiều ngả đường khác nhau.

Xuất lậu

Đi một vòng qua nhiều tỉnh ở miền núi phía Bắc, ở đâu cũng bắt gặp tình trạng người dân đua nhau khai thác quặng lậu rồi tuồn hàng sang Trung Quốc. Nếu các tỉnh thuộc vùng Đông Bắc như Quảng Ninh, Lạng Sơn những năm qua nổi lên tình trạng khai thác, buôn bán than lậu thì ở hàng loạt tỉnh như Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Hà Giang… đang nóng bỏng nạn xuất lậu quặng sắt. Chẳng hạn, ở tỉnh Lào Cai, khu vực nóng bỏng về xuất lậu quặng hiện nay là hai địa bàn huyện Văn Bàn và Bảo Thắng. Theo một lái xe chở quặng tiết lộ, nguồn quặng khổng lồ mỗi ngày tập trung chuyển về huyện Bảo Thắng được khai thác ở 2 xã Văn Sơn và Võ Lao.

Đầu nậu thu gom quặng để xuất lậu sang Trung Quốc.

Đầu nậu thu gom quặng để xuất lậu sang Trung Quốc.

Mỏ quặng Võ Lao chỉ nằm cách Phố Lu 30km. Từ đây, quặng chở lên biên giới rất thuận tiện thông qua những xe tải phủ bạt, bên trong mới trông tưởng như đá hộc nhưng đó là một thứ quặng kim loại giá trị. Đi sâu vào xã Võ Lao, dễ dàng nhận ra những hầm quặng. Nhiều nhà dân phát hiện trên đồi có quặng liền điều động các “bưởng” đưa máy xúc, máy ủi vào khai thác. Thậm chí, nhiều “bưởng” còn cho nổ mìn để khoét sâu hầm quặng vào lòng núi. Quặng khai thác lên, chất thành đống bên đường, chờ xe chở sang Trung Quốc. Một người dân ở xã Võ Lao, cho biết, mỗi đêm thường có tới 30 - 40 xe chở quặng lậu vào ra. UBND xã Võ Lao đã bắt giữ nhiều xe, lập biên bản nhưng do xe chở quặng thường hoạt động vào đêm khuya, lực lượng lại mỏng nên nhiều khi nhìn quặng đi mà lòng quặn đau”.

Nguồn quặng lậu đưa lên Bảo Thắng không chỉ được khai thác ngay trên địa bàn tỉnh Lào Cai mà còn được thu gom ở nhiều tỉnh dưới xuôi lên, nên xe chở quặng lậu chạy rầm rập suốt ngày đêm. Theo Sở GTVT tỉnh Lào Cai, quốc lộ 70, huyết mạch nối Lào Cai với miền xuôi và quốc lộ 279, cánh cung nối các tỉnh ở Đông Bắc và Tây Bắc nhiều năm nay phải liên tục sửa chữa, nâng cấp vì xe chở quặng lên biên giới buôn lậu sang Trung Quốc quần thảo từ năm này sang năm khác. Tại tỉnh Bắc Kạn và Yên Bái, nhiều năm qua, cơ quan chức năng địa phương liên tục bắt giữ nhiều vụ chở quặng bán lậu sang Trung Quốc nhưng tình trạng vẫn không thuyên giảm.

Trăm ngả vượt biên

Từ đầu năm 2010 đến nay, do tình hình buôn bán quặng lậu ngày càng nóng bỏng nên chính quyền các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai… đã ra lệnh ngăn chặn các khu vực khai thác quặng lậu, bao vây các điểm buôn bán quặng nằm dọc biên giới, nhưng vì lợi nhuận của quặng, giá bán mỗi ngày một tăng cao, nhu cầu thị trường lại quá lớn… nên dân buôn lậu vẫn không lùi bước, các thủ đoạn, mánh lới ngày càng tinh vi hơn.

Ở Cao Bằng, nơi có tới 3 cửa khẩu thông thương với Trung Quốc, nhưng địa bàn xa xôi hẻo lánh, đường sá đi lại khó khăn nên trở thành nơi làm ăn lý tưởng của dân buôn lậu quặng. Thông thường, quặng được đầu nậu thu gom ở khắp các mỏ rồi vận chuyển lên Trà Lĩnh, Trùng Khánh bằng xe tải. Tới xã Tri Phương, nằm giữa huyện Trà Lĩnh và Trùng Khánh, các chủ quặng thuê “cửu vạn” đóng quặng vào bao tải, rồi thuê lồ (lừa) gùi dọc đường mòn sang Trung Quốc. Thời điểm cách đây 4 - 5 tháng, ở Tri Phương đêm nào cũng có hàng ngàn con lồ, con ngựa tham gia đoàn quân chở quặng lậu sang bên kia biên giới. Gần đây, UBND tỉnh Cao Bằng có lệnh phong tỏa toàn bộ các điểm xuất lậu quặng, tình hình có dịu đi chút ít, nhưng quặng vẫn được lén lút tìm đường xuất lậu sang Trung Quốc.

Ngoài ra, quặng lậu không chỉ theo xe ngược lên khu vực biên giới miền núi phía Bắc hoặc được tuồn sang bên kia biên giới bằng lừa, ngựa mà còn tìm đường xuôi về đồng bằng, sau đó vòng trở ra biển và lại đưa ngược lên Móng Cái (Quảng Ninh), sang Trung Quốc. Lần theo manh mối chuyên thu gom quặng, chúng tôi được biết, nơi có nhiều “đầu nậu” thu gom quặng để xuất lậu theo đường biển hiện nay là ở Bắc Giang.

Một đầu nậu ở huyện Yên Thế (Bắc Giang) tiết lộ: Phần lớn quặng lậu được thu mua của các hộ dân ở quanh mỏ sắt Trại Cau (Đồng Hỷ - Thái Nguyên). Mặc dù toàn bộ mỏ quặng đã được quy hoạch, giao cho Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên và Công ty cổ phần Luyện kim đen Thái Nguyên nhưng nhiều vỉa của 2 công ty chưa kịp khai thác thì người dân đã nhanh tay móc quặng lên bán trước. Sau đó, quặng lậu được các “đầu nậu” thu gom chở từng bao tải nhỏ bằng xe máy ra khỏi địa bàn để sang tập kết tại Yên Thế - Bắc Giang. Từ Bắc Giang, phần lớn lượng quặng lậu được vận chuyển về Kinh Môn (Hải Dương) bằng sà lan, tàu. Sau đó, các sà lan lại đổ quặng sang tàu biển trọng tải lớn để theo đường biển chở ngược sang tận Quảng Tây (Trung Quốc).

Tại sao tình trạng xuất quặng lậu sang Trung Quốc không thể ngăn chặn được? Ông Vũ Đình Dũng, Giám đốc mỏ sắt Ngườm Cháng, thuộc sự quản lý của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, hiện đóng tại huyện Hòa An (Cao Bằng) lý giải: “Nguyên nhân đơn giản do các tư thương Trung Quốc luôn đưa ra giá cao hơn hẳn giá các doanh nghiệp trong nước thu mua để mua bằng được quặng của Việt Nam, nên người dân và cả đầu nậu không muốn bán quặng cho các công ty nhà nước”. Mỗi khi các doanh nghiệp tăng giá thu mua quặng của người dân khai thác được thì tư thương Trung Quốc cũng đẩy giá của họ lên cao hơn gấp 1,5 - 2 lần. Nhiều loại quặng, giá thu mua của Trung Quốc tại các chợ ở biên giới còn đắt hơn trong nước gấp 3 - 4 lần. 

Theo tiết lộ của một “đầu nậu” chuyên thu gom quặng ở Cao Bằng, hiện giá thu mua quặng của nhà nước đối với măng gan loại đẹp (quặng to, cao độ) chỉ có 2.800 đồng/kg. Trong khi đó, tư thương Trung Quốc mua với giá 3.300 đồng/kg. Thậm chí, quặng sắt được các đầu nậu thu gom trong dân hiện đã tăng lên 50.000 đồng/tạ, mang lên biên giới bán sang tay đến 80.000 - 90.000 đồng/tạ. “Chúng tôi không thể mua được quặng với giá như vậy” - ông Dũng nói. Giá đắt và nhu cầu cao chính là lý do dân buôn lậu tìm mọi cách xuất lậu quặng sang biên giới.

PHÚC HẬU - KHÁNH NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục