Nhịp sống số

Câu thần chú “Vừng ơi mở ra” ở truyện cổ tích Nghìn lẻ một đêm như đã hiện thực trong nhịp sống của chúng ta hôm nay, qua muôn vàn ứng dụng số trên tất cả các lĩnh vực: giải trí, giao thông, giáo dục, y tế, nông nghiệp, du lịch, thương mại, sản xuất, tài chính, hành chính...

Cánh cửa chuyển đổi số mở ra muôn điều kỳ diệu, từ việc tìm kiếm vị trí, mua sắm qua mạng, nghe nhạc, xem phim,... đến đậu ô tô tự động, cấp - đổi hộ chiếu, khám chữa bệnh, học hành từ xa... đều có thể thực hiện mọi lúc, mọi nơi qua chiếc máy tính, điện thoại với các thao tác đơn giản hoặc bằng giọng nói.

Trên thế giới, hành trình chuyển đổi số ở các quốc gia đều gắn liền với 3 trụ cột: kinh tế số, chính quyền số và xã hội số. Theo các chuyên gia, khả năng tác động của chuyển đổi số đối với tăng trưởng GDP rất lớn. Dự báo, vào năm 2025, mức độ tác động của chuyển đổi số tới GDP của nước Mỹ là khoảng 25% và ở các nước châu Âu là khoảng 36%.

Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta

Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình chuyển đổi số quốc gia. Theo đó, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp. Chương trình đề ra mục tiêu đến năm 2025 có 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp; 90% hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 100% cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử bao gồm các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc; kinh tế số chiếm 20% GDP; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%...

Tại TPHCM, năm 2022, công tác chuyển đổi số đã đạt được những kết quả rõ nét. Chỉ thị 17-CT/TU của Thành ủy về đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh tiếp tục yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố quán triệt, nâng cao nhận thức, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số. Chỉ thị đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 kinh tế số đóng góp khoảng 25% tổng sản phẩm nội địa (GRDP) trên địa bàn.

Năm mới Quý Mão 2023, công cuộc chuyển đổi số chắc chắn sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, làm thay đổi tổng thể và toàn diện cách thức làm việc, phương thức sản xuất và nhịp sống xã hội, mở ra những cánh cửa kỳ diệu để mọi người cùng bước vào làm chủ kho tàng trí tuệ, vật chất, tinh thần bất tận.

Mùa xuân mới đến với bao niềm tin và hy vọng!

Tin cùng chuyên mục