An Giang đang khẩn trương thi công công trình cáp treo trên núi Cấm. Đây là công trình “độc nhất vô nhị” ở châu thổ sông Cửu Long, cheo leo trên “nóc nhà Nam bộ”, ngọn núi đẹp nhất trong 7 ngọn núi của dãy Thất Sơn.
Chỉ có đá và triền dốc
“Đây là ga đi. Đã lắp xong bánh đà, chuẩn bị căng cáp và hoàn thiện phần thô cho nhà ga…”, quản lý đội thi công Đặng Ngọc Thịnh, 56 tuổi, vừa đi vừa nói. Nhà ga đi nằm ở khu Lâm Viên, ngổn ngang vật liệu. Chiếc cẩu lớn gầm gừ vươn dài hàng chục mét.
Ông Thịnh cho biết bắt đầu thi công từ cuối năm 2013, mưa lớn vẫn làm nhưng căng nhất là thi công trên nền đá. Con người và phương tiện đều đưa từ TPHCM xuống. Việc ráp, lắp đặt cáp treo đòi hỏi tay nghề công nhân rất cao, toàn đội có 70 người (Công ty EC), hầu hết đã từng có mặt ở các công trình cáp treo trên cả nước như Bà Nà, Yên Tử, chùa Hương, Sa Pa…
Thi công ga đến (ngang chùa Phật Lớn) cam go hơn rất nhiều. “Không có sẵn mặt bằng, chỉ có đá và triền dốc cheo leo thôi. Công vận chuyển chiếm tới 1/3 thời gian thi công. Sương giăng đầy núi, cẩu lớn, thiết bị nặng, phải kỳ công và tập trung cao độ lắm”, Nguyễn Văn Bốn, 49 tuổi, phụ trách thi công ga đến nói vậy. Để vận chuyển vật liệu, xe công nông 2 - 3 cầu “ôm hàng” leo núi đến điểm tập kết, từ đây lại phải dùng máy cày bám con đường mới mở ngoằn ngoèo ngược dần lên đỉnh.
Hố trụ cần đào sâu 6m nhưng đục, khoan đến 4 tháng vẫn không “xi nhê” gì, chỉ xuống được khoảng 2m vì đụng toàn đá khối, buộc phải dùng mìn rồi xẻ đá lớn, vét đá vụn chuyển lên. Đội của anh Bốn thi công nhà ga đến, trạm điện, bể nước 200m3, công trình phụ…“Trực chiến 100%. Hơn 60% khối lượng công việc đã hoàn thành”, anh Bốn nói.
Trụ T12 đã hoàn thành.
Toàn bộ tuyến cáp treo đi qua 16 trụ đỡ (từ T1 đến T16). T11 và T12 qua hồ Thanh Long sâu hun hút (trữ lượng 300.000 khối nước, gấp đôi hồ Thủy Liêm), xe không vô được nên thiết bị phải vận chuyển bằng đường cáp công vụ giăng ngang mặt hồ. “Công nhân thi công như treo mình trên vách đá, ghê quá. Dân đồng bằng mình đã có cáp treo rồi. Nhớ lên núi Cấm mà xem, tết này”, chị Thủy bán đồ lưu niệm sát hồ Thủy Liêm hớn hở chào mời.
Độc nhất và độc đáo
Khi cáp treo hoàn thành, thay vì mất hơn 2 giờ lội bộ, du khách chỉ cần 8 phút qua lại 2 đầu ga, ngắm nhìn tượng Phật Di Lặc được công nhận kỷ lục lớn nhất châu Á. Hệ thống cáp treo với chiều dài toàn tuyến gần 3,5km sẽ chạy dọc theo suối Thanh Long, đi từ khu Lâm Viên (diện tích sàn 410m2) đến vồ Ông Bướm (985m²) ở độ cao trên 550m.
Cáp treo đạt dung lượng 2.000 khách/giờ với 89 cabin cáp đơn tuần hoàn, có bộ phận kẹp mở cáp tự động... Đây là công nghệ tiên tiến của châu Âu, mới 100% do Tập đoàn Poma (Cộng hòa Pháp) cung cấp. “Lãnh đạo tập đoàn sang liên tục; ông Tim, chuyên gia hướng dẫn, giám sát chặt chẽ từng công đoạn”, ông Thịnh chia sẻ.
Cáp treo núi Cấm là công trình độc nhất vô nhị ở châu thổ Cửu Long, cheo leo trên “nóc nhà Nam bộ”, ngọn núi đẹp nhất trong 7 ngọn núi của dãy Thất Sơn. Những thôn nữ Khmer uyển chuyển mềm mại gánh ống nước thốt nốt bên triền dốc, suối Thanh Long, động Thủy Liêm, hang Bồ Vông, Thiền Viện Phật Lớn… sẽ lãng đãng sương giăng hơn khi cáp treo hoàn thành. “Đà Lạt phương Nam” càng sơn thủy hữu tình hơn trong mắt bạn bè gần xa. Đây còn là sản phẩm tạo ra sự khác biệt, không trùng lắp, điều mà ngành du lịch đồng bằng đang nỗ lực hướng đến.
Hệ thống cáp treo còn được đấu nối với nhiều hạng mục khác như đường giao thông, bãi để xe, khu dịch vụ nghỉ dưỡng, nhà hàng khách sạn, trung tâm mua sắm… “Khu vực buôn bán trước tượng Phật lớn sẽ được di dời vào các ki-ốt ven hồ Thủy Liêm; toàn bộ dàn xe cũ (Hàn Quốc) đã được thay mới bằng xe Toyota 16 chỗ…”, Giám đốc khu Lâm Viên núi Cấm Lý Thanh Sang nói. Ông còn cho biết công trình cáp treo đang đi vào nước rút, hầu hết các trụ đã hoàn thành; sau đó sẽ chạy thử 1 tháng rồi đưa vào phục vụ bà con trước Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.
“Dự án cáp treo sẽ làm thay đổi diện mạo núi Cấm theo hướng tích cực. Hàng trăm lao động địa phương sẽ được tuyển dụng, đào tạo chưa kể việc phát triển dịch vụ, tạo việc làm cho cộng đồng cư dân xã An Hảo (huyện Tịnh Biên), đóng góp đáng kể cho ngân sách của tỉnh”, ông Lê Minh Hưng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển du lịch An Giang, chủ đầu tư dự án khẳng định.
|
VŨ THỐNG NHẤT