Nhớ nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9

Nhớ nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9

Thật bất ngờ và thương tiếc khi được tin nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 (ảnh), một con người tài ba, khiêm tốn và thẳng thắn vừa ra đi về cõi vĩnh hằng. Trong con mắt của bạn bè đồng nghiệp, anh là một nhạc sĩ vừa có tài, vừa giản dị, khiêm tốn. Tuy là một nhạc sĩ có nhiều ca khúc nổi tiếng, nhưng anh vẫn cho mình là một tay sáng tác ca khúc chơi chơi mà thôi và việc sáng tác đối với anh cũng chỉ là nghề tay trái bên cạnh nghề diễn tấu piano.

Từ nghệ sĩ piano đến nhạc sĩ sáng tác

Nguyễn Ánh 9 sớm xa gia đình nên không có điều kiện học tập âm nhạc có hệ thống, bài bản. Nhưng với tinh thần vượt khó tự học, tranh thủ sự chỉ dẫn tận tình của những bậc đàn anh đi trước, tuy mới 17, 18 tuổi, anh đã có thể đảm nhiệm việc chơi đàn piano ở các nhà hàng, các chương trình ca nhạc phát thanh. Và từ đó anh vẫn cho rằng việc biểu diễn đàn piano là nghề nghiệp chính trong hoạt động âm nhạc trong và ngoài nước của mình.

Một bước ngoặt trên con đường nghệ thuật của Nguyễn Ánh 9 là khi anh bắt đầu sáng tác âm nhạc. Năm 1970, lúc đã 30 tuổi, trong một chuyến đi biểu diễn ở Nhật Bản, trong không khí nghệ thuật tràn đầy, anh chàng nhạc công Nguyễn Ánh 9 hứng chí buột miệng ứng tác mấy câu đùa nghịch: Không! Không! Tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa. Không! Không! Tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa… Em ơi!... Được bạn bè xung quanh tán thưởng, cổ vũ khi nghe mấy câu này, sau đó không lâu, Nguyễn Ánh 9 phấn khởi hoàn thành tác phẩm đầu tay với tựa đề chỉ một chữ Không.

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9

Và từ đó, Nguyễn Ánh 9 mạnh bước trên con đường sáng tác. Anh lần lượt cho ra đời các ca khúc: Xin như làn mây trắng; Buồn ơi, chào mi; Cho người tình xa; Mùa thu cánh nâu… và nhất là bài Tình khúc chiều mưa sáng tác vào năm 1971, ghi lại cảm xúc, tâm tình của Nguyễn Ánh 9 về mưa. Hình như đối với nhiều nhạc sĩ, cảnh mưa rơi thường gắn với những chuyện tình êm đẹp, nên thơ và cũng có thể là chuyện tình lỡ làng, dang dở… Đã có không biết bao nhiêu tình khúc về mưa ra đời như Giọt mưa thu, Em đến thăm anh một chiều mưa, Mưa chiều, Mưa hồng, Mưa ngâu…

Hồi ấy, trong một buổi chiều đến phòng thu băng nhạc, đang đi giữa đường bỗng một cơn mưa chợt ào tới, Nguyễn Ánh 9 vội tạt vào quán cà phê cạnh đường chờ mưa tạnh. Bên ngoài, một đôi trai gái đứng sát bên nhau trú mưa dưới gốc cây lớn. Hình ảnh thật đẹp, thật thơ mộng. Anh chợt nghĩ không biết rồi đây năm tháng trôi qua, cuộc tình ấy có còn mặn nồng, chung thủy như xưa hay lại tan vỡ như những giọt mưa rơi trên đường trong buổi chiều lạnh giá này. Thế rồi bản Tình khúc chiều mưa ra đời sau đó: Chiều mưa ngày nào sánh bước bên nhau/ Tình yêu rạt rào mộng ước mai sau/ Cho ân tình đầu mãi mãi dài lâu/ Cho duyên tình đầu đừng khóc thương đau… Giai điệu chậm rãi theo nhịp 3/4 của điệu boston trong thể ca khúc 3 đoạn ABA. Đoạn A giọng Sol thứ, nét nhạc ngập ngừng, day dứt, sang đoạn B giọng Sol trưởng nét nhạc vụt sáng lên gợi lại những kỷ niệm êm đẹp ngày xưa để rồi tái hiện đoạn A, dẫu rằng “lòng vẫn yêu trọn đời” nhưng niềm xót thương chuyện tình lúc chia xa đâu dễ quên đi.

Gắn bó với quê hương, đất nước

Năm 1975, khi các cánh quân giải phóng rầm rập tiến quân vào giải phóng Sài Gòn, trong số văn nghệ sĩ tại chỗ có người không khỏi băn khoăn, lo lắng về số phận của mình, thậm chí có người bỏ nước ra đi. Thế nhưng, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 vẫn ở lại với quê hương, đất nước và chỉ sau một thời gian ngắn anh tiếp tục dấn bước trên con đường hoạt động âm nhạc.

Tiếng đàn piano của Nguyễn Ánh 9 đã thực sự mê hoặc nhiều người nghe ở các nhà hàng hay phòng trà tại TPHCM. Nhiều ca sĩ nổi tiếng ở thành phố rất mong được anh đệm đàn khi biểu diễn một tác phẩm thanh nhạc. Trước khi đệm đàn bài gì, Nguyễn Ánh 9 đều dành nhiều công sức nghiên cứu tình cảm, tính cách của tác phẩm để thể hiện ngón đàn cho hay. Mặt khác, anh còn hướng dẫn cho các ca sĩ biểu diễn sao cho đúng với cảm xúc của tác giả ca khúc để được người nghe yêu thích.

Bên cạnh công việc biểu diễn piano, Nguyễn Ánh 9 lại tiếp tục gắn bó với duyên nợ sáng tác âm nhạc, trong số các sáng tác của anh sau năm 1975 đáng chú ý có ca khúc Lặng lẽ tiếng dương cầm. Một lĩnh vực vừa lý thú vừa mới mẻ đến với anh: Nhiều đạo diễn tìm đến anh, mời viết nhạc cho các phim Lệnh truy nã, Mối tình nghiệt ngã, Mênh mông tình buồn, Xóm nước đen, Ráng chiều… và đặc biệt là bộ phim Những đứa con thành phố.

Năm 1998, khi thực hiện bộ phim Những đứa con thành phố gồm 10 tập của Hãng phim TFS, đạo diễn Phú Hải đã mời nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 tham gia viết nhạc cho bộ phim. Đạo diễn Phú Hải kể lại: “Trước đây, tôi từng mời anh Nguyễn Ánh 9 cộng tác trong một số phim của mình và rất yêu thích tính cách nhẹ nhàng, tình cảm trong nhạc của anh. Lần này, tôi lại mời anh viết nhạc cho bộ phim Những đứa con thành phố vì có thêm lý do là bộ phim nói về cuộc đấu tranh của bà con thành phố Nha Trang trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp mà trong thời gian ấy anh Nguyễn Ánh 9 lại từng sinh sống ở đó...”.

Quả như vậy, thời thơ ấu của Nguyễn Ánh 9 trải qua ở Nha Trang với nhiều kỷ niệm vui buồn. Đến năm anh 10 tuổi, gia đình bị địch trục xuất khỏi Nha Trang vì đã hoạt động giúp đỡ kháng chiến. Rời Nha Trang nhưng tình cảm của anh luôn hướng về vùng đất thân thương này, nên khi được mời viết nhạc cho bộ phim nói về những người con anh hùng của Nha Trang, anh vui mừng nhận lời và để hết tình cảm, tâm trí khi sáng tác, nhất là khi viết ca khúc chủ đề cùng tên với bộ phim. Bởi lẽ, anh cảm thấy như bộ phim đang làm sống lại trong anh ký ức xa xưa trong những tháng ngày anh đã ở nơi đây... Điều đáng nói là bà con Nha Trang rất thích bộ phim này và bài hát Những đứa con thành phố trong phim: Về đây chung câu yêu thương ta vui cuộc đời/ Về đây bát ngát mênh mông biển xanh bầu trời/ Biển hát đêm đêm ru ta lời ru ngọt ngào thiết tha: Nha Trang quê ta…

Nhạc sĩ TRƯƠNG QUANG LỤC

Tin cùng chuyên mục