Nhọc nhằn... học hè, học kỹ năng

Học sinh chỉ mới bắt đầu nghỉ hè, và cũng như mọi năm, cuộc đua… học hè đã khởi động sớm từ trước đó. Có một điều khác, thông tin đầu tháng 8 sẽ tựu trường, khiến cho cuộc đua học hè càng tăng tốc. Bây giờ phụ huynh không còn thời gian để ca cẩm “ai chở mùa hè của con đi đâu” mà phải nhọc lòng tìm chỗ cho con học chữ, học kỹ năng… trong 2 tháng hè ngắn ngủi.

  • Nhọc nhằn học chữ

Hôm họp phụ huynh cuối năm, nhiều phụ huynh ở một trường THCS ở quận 3 bàn chuyện tổng kết, liên hoan cho các cháu thì ít mà chỉ nháo nhào hỏi nhau “thầy cô nào dạy hè tốt”… Lần theo một địa chỉ mà các phụ huynh chuyền tay nhau, chúng tôi đến một căn nhà 4 tầng trong một con hẻm khang trang trên đường Lê Văn Sỹ (quận 3). Cổng khép kín, chỉ chừa một ô cửa nhỏ đủ nhìn vào bên trong để xem tới lượt mình được vào “tham vấn” chưa. Cô nhân viên hỏi tôi: “Con anh muốn học môn gì, lớp mấy?”.

Môn Toán thì học tại cơ sở này, còn Lý và Hóa thì phải đi bộ đến một cơ sở khác trong một con hẻm ngoằn ngoèo cách đó khoảng 500m. Học phí thu 3 tháng một lần, tròm trèm gần 3 triệu đồng. “Đăng ký liền đi để giữ chỗ, trễ quá không nhận đâu”, cô nhân viên “khuyến cáo”. Vờ không mang đủ tiền, tôi xin khất đến chiều và…. rút. Đi về, trong đầu nhẩm tính số tiền học phí mà… giật mình thay cho những bậc phụ huynh diện công nhân hay lao động nghèo.

Một trung tâm văn hóa ngoài giờ khác được nhiều bậc phụ huynh đồn đãi nằm trên đường Mạc Đĩnh Chi (quận 1) và có nhiều cơ sở phụ khác, có khả năng tiếp nhận hàng ngàn học sinh vào học. Thật vậy, cứ đi ngang trung tâm này vào những ngày cuối tháng 5 vừa qua, nhiều người phải đội mưa đứng chờ người thân chen vào đăng ký. Giá học phí 2-3 môn cũng từ 6 con số trở lên nhưng có tiền chưa hẳn đã được học vì điều kiện “đầu vào” phải là học sinh khá trở lên.

Nhọc nhằn, tốn kém là vậy nhưng nhiều phụ huynh vẫn quyết liệt trong cuộc đua kiếm chỗ cho con học chữ mùa hè. Anh Vĩ, nhà ở đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3) cho biết “năm ngoái mời thầy tới nhà dạy cho thằng bé đàng hoàng, vậy mà kết quả cuối năm nó vẫn… trung bình”. Mấy hôm nay, điện thoại của anh nóng liên tục vì nhiều cuộc gọi cho người quen nhờ chỉ chỗ cho con học hè. Còn anh Thanh, nhà ở đường Cống Quỳnh (quận 1) cười toe toét cho biết “đã tìm đến nhà thầy và thầy đã đồng ý nhận dạy kèm cho thằng nhóc”. Học kém hay trung bình, phải đi học thêm để lấy lại căn bản cũng là điều chính đáng. Nhiều cháu học giỏi vẫn bị cha mẹ buộc học thêm để… “giỏi như Ngô Bảo Châu (!?)”.

  • Lận đận học kỹ năng...

Mấy năm gần đây, học kỳ quân đội đã trở thành cụm từ quen thuộc đối với đông đảo học sinh và phụ huynh. Nhiều phụ huynh cho con em tham gia học kỳ quân đội với mong muốn trang bị cho con những kỹ năng, kiến thức cần thiết để hội nhập cuộc sống, thế nhưng… Anh Hoàng, nhà ở quận 8, năm nay định đăng ký cho con trai đang học lớp 8 tham gia học kỳ quân đội nhưng… dội ngược khi phí tham gia lên đến 3-4 triệu đồng. Phí tham gia như rào cản, nhất là đối với gia đình công nhân viên chức, lao động nghèo và ước mơ “trang bị kỹ năng” trở thành xa xỉ.

Giá thấp trong chuyện học kỹ năng là cho con tham gia trại hè Thanh Đa. Chị Dung, làm việc tại một công ty nhựa ở quận 6 phấn khởi cho biết năm nay công ty sẽ cho con em công nhân đi dự trại hè này và chi phí sẽ do công ty đài thọ 100%. Giờ chót, chị tiu nghỉu nói: “Chỉ mấy cháu học sinh giỏi mới được thôi, con em là học sinh trung bình…”. Còn chị Mỹ, làm việc tại một công ty thuộc ngành viễn thông, năm nay nhất định cho thằng con tham gia trại hè, dù phải đóng thêm tiền vì công đoàn công ty chỉ “bao” 50% chi phí cho mỗi trại sinh. Mới ngày đầu dự trại, phòng ở bị cúp nước, vài cháu do được gia đình “úm” bấy lâu nay, không quen nên… xin về. Con chị ở được 3 ngày thì bị viêm họng do la hét, đùa giỡn quá mức, cũng đành xin về. Cháu này về, cháu khác ở lại buồn quá, cũng điện thoại gọi cha mẹ đón về.

Ít tiền, không tiêu chuẩn, không có thời gian đưa đón, cách anh Hồng, công nhân ngành in, trang bị kỹ năng kiểu nhà nghèo cho con là “đưa về ngoại ở Bến Tre để đi câu, tắm sông, chơi một tháng cho đã, lên rồi tính…”.

Hè, dường như không còn là khái niệm “sân chơi” cho các cháu. Hè đã ngắn lại, ít đi, và cũng không kém phần nhọc nhằn như trong năm học!

CÁT TƯỜNG

Tin cùng chuyên mục