Đồng chí Hồ Xuân Long, Bí thư Huyện ủy Đức Cơ trăn trở: UBND huyện đã xây dựng đề án thu hút cán bộ có trình độ bác sĩ về huyện công tác giai đoạn tới năm 2015 với nhiều chính sách ưu đãi nhưng số bác sĩ, cán bộ y tế có chuyên môn đến với Đức Cơ vẫn rất khiêm tốn. Trong khi đó số người xin đi thì không ít vì nhiều người xem đây là nơi “rừng thiêng nước độc” dù chỉ cách TP Pleiku chừng 50km.
Thầy thuốc cơ sở
Trạm y tế xã biên giới Iadom, huyện Đức Cơ, Gia Lai chỉ là một khu nhà cấp 4 nằm lọt thỏm giữa những rẫy cao su, hồ tiêu bạt ngàn. Đã quá trưa, nắng như đổ lửa, nhưng y sĩ Rơmah Hiếu, phụ trách trạm Iadom cùng với 2 cán bộ vẫn đang tất bật chuẩn bị “đồ nghề” để xuống thôn tuyên truyền chống dịch và vận động bà con cho trẻ nhỏ đi tiêm chủng.
Đây là vùng “rốn dịch” sốt rét, bà con chủ yếu là người dân tộc, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn nên việc chăm sóc sức khỏe và phòng chống dịch bệnh chưa được người dân coi trọng. Cả xã Iadom rộng tới 15.000ha, với 8 thôn nhưng chỉ có hơn 5.800 dân, chủ yếu là người dân tộc. Nơi đây lại có nhiều hủ tục, nhất là mùa làm nương, người dân thường ăn ở luôn trên nương rẫy dài ngày. Do vậy, cán bộ y tế cơ sở không chỉ tới từng thôn bản mà còn thường xuyên lên nương rẫy “cùng ăn cùng ở” với bà con để tuyên truyền người dân giữ gìn vệ sinh, vận động bà con khi ốm đau đến trạm xá chữa bệnh và tiêm chủng trẻ em. Nhiều đêm mưa to gió lớn, có sản phụ trở dạ, cán bộ y tế lại “khăn gói” xuống tận nhà đỡ đẻ vì tập tục bà con muốn đẻ tại nhà hơn là tới trạm xá.
Chính những nỗ lực và việc làm cụ thể của những cán bộ y tế cơ sở ở Iadom đã dần làm thay đổi những hủ tục của người dân trong việc chăm sóc sức khỏe. Anh Nguyễn Hữu Thân, Bí thư Đảng ủy xã Iadom cho biết, bây giờ dù dịch bệnh vẫn còn, nhưng đã ít hơn trước rất nhiều. Mỗi khi có bệnh bà con cũng đã chịu tới trạm xá để khám bệnh. Trong năm qua, số trẻ nhỏ của xã được tiêm chủng đã đạt tới 95%, mỗi tháng có vài trăm lượt người đến trạm xá để khám bệnh.
Vẫn nặng hủ tục
BS Nguyễn Văn Đang, Giám đốc Bệnh viện huyện Đức Cơ, người đã gần 20 năm gắn bó nơi đây cho biết: Toàn huyện có 10 xã, khoảng 59.000 dân, trong đó gần 50% là người dân tộc thiểu số nhưng cả huyện chỉ có được 13 bác sĩ. Dù vậy nhưng số người bệnh đến bệnh viện khám luôn tăng cao, công suất sử dụng giường bệnh lên tới 120%/năm. “Tiếng lành đồn xa”, không chỉ có người dân địa phương tới bệnh viện mà gần như tháng nào cũng có hàng chục người dân của Campuchia sang Bệnh viện Đức Cơ để khám chữa bệnh. “Điều này cho thấy, ý thức phòng chống bệnh tật của người dân nơi đây đã được cải thiện đáng kể, nhờ đội ngũ cán bộ y tế cơ sở đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động bà con…”, BS Đang tâm sự.
Nói vậy, nhưng giám đốc Đang cũng không giấu nổi sự lo lắng, khi còn không ít người dân vẫn sùng bái việc chữa bệnh bằng các loại lá rừng, đẻ tại nhà hay mời thầy cúng chữa bệnh, chứ nhất quyết không chịu đến cơ sở y tế mỗi khi ốm đau. Thậm chí, có nhiều trường hợp nằm điều trị tại bệnh viện rồi nhưng người nhà vẫn lén đưa về nhà để cúng Giàng, cúng ma cho nhanh khỏi bệnh.
Tại khoa Hồi sức của Bệnh viện Đức Cơ, chúng tôi gặp bệnh nhân Rơ Lan Lét, 72 tuổi, ở làng Bua xã IA Pnôn, huyện Đức Cơ đang nằm hồi sức sau ca mổ viêm ruột thừa. BS Hà Ngọc Hải, khoa Ngoại, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Rơ Lan Lét cho biết, trường hợp bệnh nhân này có thể xem là điển hình về sùng bài hủ tục chữa bệnh. Lẽ ra đối với bệnh nhân Rơ Lan Lét, không nhất thiết phải mổ nhưng do người thân để lại nhà, tổ chức cúng Giàng linh đình, kéo dài nhiều ngày nên khi bệnh quá nặng mới đưa tới bệnh viện thì bệnh nhân đã bị nhiễm trùng ruột, nhiễm độc nặng, dẫn tới hoại tử và suýt tử vong.
Khánh Nguyễn