Nhóm nhạc Việt 2016 - Có tạo nên diện mạo mới?

Sự tan rã của nhóm nhạc nam 365 đã để lại một khoảng lặng nhất định. Nó cho thấy sự bấp bênh và thiếu bền vững của mô hình ban - nhóm nhạc trong showbiz Việt, nhưng điều đó vẫn không làm tắt đi tham vọng tạo ra những nhóm nhạc mang dấu ấn cho thị trường. Bởi dù thế nào, thị trường ca nhạc sẽ thiếu màu sắc nếu thiếu vắng những ban - nhóm nhạc.
Nhóm nhạc Việt 2016 - Có tạo nên diện mạo mới?

Sự tan rã của nhóm nhạc nam 365 đã để lại một khoảng lặng nhất định. Nó cho thấy sự bấp bênh và thiếu bền vững của mô hình ban - nhóm nhạc trong showbiz Việt, nhưng điều đó vẫn không làm tắt đi tham vọng tạo ra những nhóm nhạc mang dấu ấn cho thị trường. Bởi dù thế nào, thị trường ca nhạc sẽ thiếu màu sắc nếu thiếu vắng những ban - nhóm nhạc.

Ban nhóm = chết yểu?

Từ sự tan rã của 365, nhìn ngược lại có thể thấy hầu hết tuổi thọ của các ban nhóm nhạc Việt, dù được xem là thành công nhất vẫn có tuổi thọ khá ngắn ngủi. Có thể kể đến như Quả dưa hấu tồn tại khoảng 2 năm, nhóm 1088 và GMC cũng khoảng thời gian đó, V.Music hơn 4 năm, 365 khoảng 5 năm, AC&M khoảng 8 năm…

Có lẽ, tồn tại lâu nhất Vbiz cho đến thời điểm này thuộc về những cái tên như Mắt Ngọc, Mây Trắng và đặc biệt là MTV. Ra đời từ những năm 2000, đến nay, MTV đã trải qua nhiều thăng trầm và đôi lúc đã tạm dừng hoạt động, nhưng rồi đến nay nhóm vẫn gắn bó với hoạt động với 3 thành viên.

Hai nhóm nữ Mắt Ngọc và Mây Trắng, tuy vẫn tồn tại nhưng gần như chỉ còn “xác”, chứ “hồn” đã không giữ được vì liên tục thay thành viên, thậm chí trong 13 năm tồn tại của mình, Mây Trắng thay đổi thành viên đến 15 người, dù nhóm mỗi khi hoạt động chỉ có 3 thành viên.

Nhóm Mắt Ngọc hiện nay

Có thể nói, cho tới thời điểm hiện tại, đầu tư thành lập nhóm nhạc vẫn là hoạt động đầy rủi ro trong thị trường ca nhạc Việt. Có rất nhiều lý do để một nhóm nhạc tan rã như mâu thuẫn giữa các thành viên; sau thời gian hát chung, một thành viên nào đó trong nhóm nổi bật hơn nên xuất hiện xu hướng tách nhóm để hát solo; đầu tư cho nhóm nhạc tốn kém nhưng thu nhập lại không bằng ca sĩ đơn…

Tuy nhiên, cho đến nay, ngoài công ty của bà bầu Ngô Thanh Vân với mô hình quản lý khá chuyên nghiệp kiểu Kpop trong việc quản lý nhóm 365, còn lại gần như các nhóm nhạc khác đa phần đều hình thành và hoạt động dựa trên yếu tố gắn kết trên cơ sở cảm tính là chính. Chính vì vậy, sau thời gian hoạt động, những va chạm và mâu thuẫn phát sinh sẽ rất dễ ràng buộc họ cùng bỏ qua để chỉ nhìn vào tương lai phát triển của nhóm.

Một lý do không kém phần quan trọng, đó là ở thời điểm hiện tại, khi thị trường giải trí ngày càng bão hòa, các nhà tổ chức luôn tính toán, cân nhắc rất kỹ từng đồng tiền bỏ ra chi tiêu cho một show diễn. Nói một cách dễ hiểu, nếu một show ca nhạc diễn ra ở TPHCM, chuyện mời ca sĩ ngôi sao với nhóm nhạc đang hot về chi phí có thể không mấy chênh lệch để nhà tổ chức cân nhắc nhưng nếu tổ chức ở các tỉnh, thành khác sẽ trở thành vấn đề. Ví dụ, một nhóm 5 thành viên, khi đó tiền vé máy bay, tiền ăn ở đi lại cho nhóm sẽ đội lên rất nhiều, thậm chí đủ để mời một ca sĩ ngôi sao khác.

Sau liveshow cuối cùng The Impact - Những ngôi sao mới diễn ra ngày 30-7-2016, nhóm 365 chính thức ngừng hoạt động

Cứ thế, thị trường các nhóm nhạc ngày càng bị thu hẹp dần hoặc nhóm bắt buộc phải giảm cát sê, mà như thế sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của các thành viên, trong khi lao động, kỷ luật… luôn khắt khe. Thế là nảy sinh tâm lý tách nhóm, vì nếu ổn, một ca sĩ hát đơn hạng B, thậm chí là hạng C hiện nay thu nhập có khi vẫn hấp dẫn hơn các thành viên của một nhóm nhạc đình đám bậc nhất thị trường. Vòng lẩn quẩn đó cứ mãi tiếp diễn khiến showbiz Việt ngày càng vắng bóng các nhóm nhạc thần tượng dù thị trường lúc nào cũng có nhu cầu.

Kỳ vọng những nhân tố mới

Dù sự tan rã của nhóm 365 cho thấy, mô hình nhóm nhạc tại thị trường Việt Nam chưa bao giờ là miếng bánh ngọt thì vẫn có không ít nhóm nhạc mới tiếp nối ra đời với quyết tâm và sự đầu tư khá bài bản. Có thể kể đến những cái tên như Monstar, Uni5, OPlus, Lip B, LIME, S-Girls và X-Twins…

Trong đó, được đánh giá khá cao cũng như nhận được nhiều kỳ vọng nhất hiện nay có lẽ thuộc về Monstar và Uni5. Ra mắt gần như cùng thời điểm, hai nhóm nhạc nam này có những điểm tương đồng như hướng đến mô hình nhóm nhạc thần tượng kiểu Kpop. Monstar là nhóm nhạc 5 thành viên được St.319 xây dựng và đào tạo. Hiện tại nhóm chỉ mới ra mắt 3 thành viên gồm: Erik, Nicky và Key. Trong khi đó, Uni5 là “gà chiến” mới của nhà Đông Nhi và Ông Cao Thắng, gồm 2 thành viên K.O và Toki vừa ra mắt khán giả sản phẩm đầu tay có tên C’Mon.

Nhóm nhạc S-Girls

Có thể nói, Monstar và Uni5 đều cùng có lợi thế ở bệ phóng vững chắc khi đứng phía sau hậu thuẫn là những công ty giải trí khá tiếng tăm. Chưa kể, họ đều có những ê-kíp chuyên nghiệp và tài năng hỗ trợ. Đứng sau Monstar là nhạc sĩ Khắc Hưng, nhà sản xuất trẻ được đánh giá cao hiện nay, được mệnh danh là “cỗ máy tạo hit” của Vpop với sự nhạy bén với thị trường và thị hiếu khán giả. Anh có thể sáng tác nhiều thể loại, từ EDM đến R&B, pop, ballad. Những ca khúc như Tìm, Yêu (Min), Sau tất cả (Erik), Cuộc tình không may (Mỹ Tâm)... đều là sản phẩm của Khắc Hưng. Anh cũng là cái tên đứng đằng sau album Khởi hành của Nguyễn Trần Trung Quân từng đoạt giải Âm nhạc cống hiến trước đây. Trong khi đó, phía Uni5 với sự hỗ trợ của đàn chị Đông Nhi với lượng fan hâm mộ đông thuộc vào hàng nhất nhì thị trường hiện nay cũng là một yếu tố đáng gờm.

KHẮC THI

Tin cùng chuyên mục