Nhóm trò chuyện trên mạng: Phiền phức cho cả phụ huynh lẫn học sinh

Năm học 2023-2024, ngành giáo dục đẩy mạnh chuyển đổi số, khai thác tối đa tiện ích công nghệ thông tin. Tuy nhiên, do quy tắc ứng xử trong trường học còn nhiều kẽ hở, dẫn đến một bộ phận phụ huynh, học sinh sử dụng mạng xã hội chưa phù hợp, tạo nên nhiều hệ quả đáng buồn trong trường học.

Phụ huynh mệt mỏi

Chị Thu Tuyết, phụ huynh có 2 con đang học lớp 2 và lớp 11 ở quận 3 (TPHCM), cho biết, chị đang là thành viên của 4 nhóm chat (trò chuyện) chính thức qua Zalo (trong đó một nhóm do giáo viên chủ nhiệm (GVCN) lập ra để trao đổi thông tin với phụ huynh, một nhóm do ban đại diện cha mẹ học sinh lớp lập ra, không có sự tham gia của GVCN) và nhiều nhóm chat quy mô nhỏ do các phụ huynh lập ra.

Trung bình mỗi ngày, chị Thu Tuyết nhận hàng trăm tin nhắn từ các nhóm chat, khiến chị phải lựa chọn nhóm nào để chế độ thông báo, nhóm nào tắt thông báo khi có tin nhắn mới. Theo chị, đôi khi các phụ huynh từ bối rối đến hoang mang vì thông tin liên quan đến trường, lớp của con bị hiểu sai, dẫn đến thắc mắc, bị diễn giải sai lệch, gây ra hiểu lầm giữa nhà trường với phụ huynh và giữa phụ huynh với nhau. Có khi việc học của con, quan hệ thầy - trò lại bị các phụ huynh can thiệp không đáng có, gây bức xúc cho các thành viên trong nhóm chat.

“Tôi ưu tiên nhóm chat có GVCN vì cần kịp thời cập nhật các thông báo liên quan đến việc học của con. Đối với các nhóm chat do phụ huynh lập ra, tôi để chế độ tắt thông báo, chỉ thỉnh thoảng vào xem tin nhắn vì không có thời gian đọc hết tất cả tin nhắn”, chị Thu Tuyết bày tỏ.

Anh Trường Giang, phụ huynh có con học lớp 7, Trường THCS C.L. (TP Thủ Đức, TPHCM), kể, năm học trước, phụ huynh có thể tương tác trong nhóm chat với GVCN. Năm nay, GVCN chỉ thông tin một chiều trong nhóm chat chung của lớp, nếu phụ huynh cần thêm thông tin thì có thể trao đổi riêng với giáo viên để hạn chế việc “nói qua nói lại” trên nhóm chat chung của lớp.

Anh Giang nói: “Tôi đồng tình với cách làm của trường vì nhóm chat chung hơn 50 người, nếu việc gì mọi người cũng bàn luận thì sẽ trôi mất thông tin quan trọng, chưa kể nhiều trường hợp phụ huynh không tìm được tiếng nói chung dẫn đến công kích nhau, sử dụng ngôn ngữ không kiểm soát”.

Theo lời kể của chị Mỹ Quyên, phụ huynh có con đang học lớp 8, Trường THCS H.K.N. (quận 1, TPHCM), đầu năm học này, lớp có 2 học sinh mâu thuẫn với nhau. Sự việc chỉ xuất phát từ một số hiểu lầm, bản thân các cháu đã giao tiếp bình thường trở lại. Tuy nhiên, khi việc đến tai phụ huynh, sự việc trở nên căng thẳng.

Suốt 3 ngày, trên nhóm chat chung của lớp, các ý kiến tranh luận đúng - sai khiến mọi người đều mệt mỏi. Chuyện ngày càng đi xa khi có ý kiến công kích cả GVCN cùng nhiều nội dung không liên quan việc học. Bất đắc dĩ, chị Mỹ Quyên chọn chế độ ẩn đối với nhóm chat của lớp, chỉ thỉnh thoảng vào đọc tin nhắn để nắm tình hình lớp.

Học sinh lạm dụng mạng xã hội

Hiện nay, tỷ lệ học sinh trung học (từ 11-18 tuổi) sử dụng điện thoại di động ngày càng nhiều do yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học, các em cần công cụ để tìm kiếm thông tin, trao đổi nhóm, thực hiện dự án. Tuy nhiên, bên cạnh những mục đích tích cực, nhiều học sinh đang lạm dụng mạng xã hội (MXH) để công kích, nói xấu giáo viên hoặc học sinh khác, kêu gọi bạn bè tẩy chay một thành viên trong lớp, quay video đăng lên mạng xã hội…

Mới đây, trong quyết định xử lý kỷ luật các học sinh liên quan vụ việc đánh nhau tại Trường THCS Đ.Đ. (quận Bình Thạnh, TPHCM), hội đồng kỷ luật không chỉ đưa ra hình thức kỷ luật đối với hai học sinh trực tiếp xô xát mà còn đình chỉ học tập 1 tuần, hạ mức đánh giá kết quả rèn luyện học kỳ 1 xuống loại trung bình đối với học sinh quay clip. Lần đầu tiên, việc xử lý các vụ việc liên quan bạo lực học đường đưa ra hình thức kỷ luật đối với học sinh quay clip nhằm tăng cường giáo dục học sinh.

Ở cấp THPT, nhiều fanpage trường học không còn hoạt động với mục đích trao đổi thông tin việc học mà đã trở thành nơi để học sinh công kích lẫn nhau. Do các thành viên có thể đăng tải thông tin ở chế độ “Người tham gia ẩn danh” nên dưới các dòng trạng thái đều xuất hiện nhiều bình luận gay gắt, ngôn ngữ không chuẩn mực.

Không chỉ bàn luận qua các nhóm chat kín, hàng loạt chủ đề từ chất lượng bữa ăn bán trú, tranh luận về thời khóa biểu, lịch thi của nhà trường đến kế hoạch tham gia hoạt động ngoại khóa, phương pháp dạy học của giáo viên, thậm chí hình ảnh chụp lén một học sinh khác trong trường cũng được các bạn vô tư đưa lên fanpage để bàn luận và nhận về vô số bình luận.

Trước tình trạng báo động đó, cuối tháng 10 vừa qua, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1, TPHCM) tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề “Kỹ năng ứng xử trên MXH”, nhằm giúp học sinh nhận diện những hành vi không chuẩn mực khi sử dụng MXH, qua đó giáo dục các em cách hành xử phù hợp, tôn trọng quyền riêng tư của các thành viên khác.

Học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1, TPHCM) tham gia chuyên đề “Kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội” vào cuối tháng 10-2023

Học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1, TPHCM) tham gia chuyên đề “Kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội” vào cuối tháng 10-2023

Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng, để hướng đến mục tiêu xây dựng “Trường học hạnh phúc”, các nhà trường cần quan tâm xây dựng quy tắc ứng xử trong trường học, trong đó có việc định hướng học sinh sử dụng MXH phù hợp lứa tuổi. Thời gian tới, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thêm nhiều sân chơi kỹ năng cho học sinh, qua đó giúp các em nâng cao hiểu biết về pháp luật, nhận thức được các hành vi ứng xử phù hợp, góp phần phòng ngừa bạo lực học đường.

TS BÙI HỒNG QUÂN, Giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TPHCM:

Phụ huynh giám sát thời gian sử dụng mạng xã hội của học sinh

MXH ngày càng phổ biến nên việc học sinh sử dụng MXH là điều tất yếu. Nhà trường cần giáo dục học sinh kỹ năng sử dụng MXH thông qua các chuyên đề, lồng ghép trong các hoạt động giáo dục của nhà trường nhằm giúp học sinh hiểu được cái lợi, cái hại và cách sử dụng sao cho hiệu quả. Hiện nay, học sinh sử dụng MXH không chỉ ở trường học mà phần nhiều thời gian ở gia đình.

Vì vậy, cha mẹ hoặc những người thân trong gia đình cần đặt ra các quy định về thời gian sử dụng MXH thế nào cho phù hợp. Nếu cha mẹ không quan tâm, việc lạm dụng MXH có thể ảnh hưởng tiêu cực đến việc học và sự phát triển nhận thức của trẻ. Với học sinh ở độ tuổi lớn hơn, lạm dụng MXH sẽ ảnh hưởng quỹ thời gian học tập, tăng nguy cơ bị lừa đảo, lợi dụng, bắt nạt trực tuyến trên MXH.

Riêng đối với phụ huynh, hành vi thể hiện trên MXH cho thấy hình ảnh cá nhân của mỗi người với nhiều tác động trong đời thật. Để sử dụng MXH phù hợp, trước tiên mỗi người cần xác định mục đích sử dụng cụ thể (như giải trí, trao đổi thông tin, kết nối với bạn bè…), từ đó quản lý thời gian sử dụng phù hợp.

Trước khi dạy con điều gì, phụ huynh cần thực hiện điều đó trước với mục đích nêu gương. Mọi người cần chung sức giúp các hội, nhóm thực hiện đúng vai trò, chức năng của mình, từ đó có những tương tác phù hợp.

Thầy VÕ KIM BẢO, Tổ trưởng Ngữ văn, Trường THCS Nguyễn Du (quận 1):

Giáo viên chia sẻ những vấn đề học sinh đang gặp phải

Giáo viên chủ nhiệm đóng vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục học sinh về đạo đức, lối sống và kỹ năng sử dụng MXH văn minh. Tuy nhiên, thời gian học sinh ở nhà nhiều hơn ở trường, do vậy cần sự hợp tác của gia đình trong việc định hình nhân cách, lối sống cho học sinh.

Để nâng cao hiệu quả giáo dục học sinh, trước tiên, giáo viên phải làm bạn được với học sinh, giúp các em có thể mở lòng, chia sẻ với thầy, cô, từ đó tìm ra hướng giải quyết vấn đề các em đang gặp phải. Trong bối cảnh hiện nay, giáo viên cần học cách sử dụng MXH, chủ động tạo sự liên kết với học sinh trên MXH để định hướng cách dùng MXH cho học sinh cũng như can thiệp, xử lý kịp thời các tình huống ngoài ý muốn.

Bản thân giáo viên cần xử lý mềm mỏng, linh hoạt các tình huống học sinh vi phạm nội quy, đạo đức trên MXH, tránh việc “dán nhãn” nhân cách cho học sinh vì các em còn ở độ tuổi chưa chín chắn, đảm bảo nguyên tắc “giơ cao đánh khẽ”, tạo cơ hội cho học sinh sửa sai, đồng thời kết hợp chặt chẽ với gia đình trong quản lý học sinh sử dụng MXH.

Tin cùng chuyên mục