Thị trường hoa kiểng tết tại nhiều địa phương trên cả nước đang diễn ra sôi động. Năm nay, các làng hoa bị thiệt hại nặng nề vì ảnh hưởng triều cường, mưa lũ, thời tiết… làm cho sản lượng hoa kiểng tết bị giảm đáng kể, ước khoảng 20%-30%. Càng gần đến tết, thương lái càng ráo riết tỏa xuống các làng hoa nổi tiếng tìm nguồn hàng với giá cao cung ứng cho thị trường TPHCM, Đông Nam bộ, Hà Nội, ĐBSCL...
ĐBSCL: Hàng “độc” lên ngôi
Còn 1 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán năm 2012, tại làng hoa kiểng thị xã Sa Đéc (Đồng Tháp) không khí hoạt động diễn ra nhộn nhịp, xe cộ, ghe xuồng tấp nập vận chuyển hoa kiểng tỏa đi các nơi tiêu thụ. Nhà vườn đang ráo riết hoàn thiện các công đoạn cuối cùng, o bế các giỏ hoa kiểng thật đẹp để đưa ra chợ tết.
Ông Trần Trung Chánh, ở làng hoa kiểng thị xã Sa Đéc, phấn khởi nói: “Năm nay, 90% trong số 3.000 giỏ hoa của tôi đã có thương lái đặt hàng. Ngày 20 Tết họ đến lấy hàng chở lên TPHCM và Bình Dương tiêu thụ. Số ít còn lại, sẽ bán cho các chợ trong tỉnh. Giá bán sỉ các loại hoa ở đây cũng cao hơn năm trước 20%-30%. Cúc mâm xôi 80.000 - 100.000 đồng/cặp; cúc tiger 60.000 đồng/cặp; vạn thọ, mai dạ thảo, màu gà… 50.000 - 80.000 đồng/cặp”.
Chủ nhà vườn Phạm Hữu Cường hớn hở: “Toàn bộ 2.000 giỏ bông bụp Thái và cúc Đài Loan đã bán ra Hà Nội và Đà Nẵng với giá 80.000 - 100.000 đồng/cặp”. Bà Hoàng Thị Đằng cho biết: “Gần 10 ngày qua, thương lái ở TPHCM, Hà Nội, miền Trung… đổ về mua hoa kiểng rất nhiều. Vườn hoa nhà tôi đã nhận đặt cọc hơn 70%. Tôi phải mướn thêm 5 người làm để kịp giao hàng vào ngày 18 tháng chạp”…
Tại làng hoa kiểng Chợ Lách (Bến Tre), ngoài các loại cúc mâm xôi, hoa hồng gần như đã được bao tiêu hết, mai vàng và kiểng tắc cũng rất được chú ý. Ông Phạm Văn Một, ở ấp Tân An, xã Long Thới, cho biết: “Toàn bộ 3.000 cây kiểng tắc của gia đình tôi đã có mối lái ở Bình Dương xuống mua hết, trả tiền ngay. Mỗi ngày họ cho xe xuống chở 1.000 cây, tôi huy động cả chục người phụ làm mới kịp giao hàng”.
Trong khi đó, mai vàng có giá rất cao. Lão nông Lê Ngọc Thanh, ở xã Long Thới, cho biết: “Năm nay, tôi trồng 1.000 gốc mai vàng nhưng bị triều cường dâng cao và thời tiết thất thường làm nở sớm gần 500 gốc. Số còn lại, nhờ o bế kỹ lưỡng nên nở ngay dịp tết. Hai mối quen ở Bình Dương xuống xem và đồng ý mua toàn bộ vườn mai với giá 500.000 - 800.000 đồng/gốc”.
Thạc sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách, cho biết: “Năm nay, dân ở làng hoa kiểng sản xuất khoảng 6 triệu sản phẩm các loại trong dịp tết 2012. Trong số này, mai vàng và kiểng tắc chiếm 60%. Đến thời điểm này, có khoảng 70% sản phẩm được đặt hàng, giá cũng tăng dần lên theo tết. Đặc biệt, các nghệ nhân còn cho ra lò hơn 1.000 sản phẩm kiểng lá hình 12 con giáp. Nhiều nhất là kiểng hình con rồng tượng trưng cho năm Nhâm Thìn đang hút hàng. Đây cũng là sản phẩm rất lợi thế của Chợ Lách”.
Đang hoàn thiện các khâu cuối cùng để chuẩn bị giao cặp rồng cho khách hàng trong vài ngày tới, nghệ nhân Nguyễn Minh Thanh, xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách, cho biết: “Mặt hàng này năm nay bán chạy lắm. Nhiều người ở Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… lặn lội vào đặt mua liên tục. Để kịp giao hàng, tôi chỉ dám nhận làm 10 cặp với giá 5 - 10 triệu đồng/cặp”.
Nhộn nhịp nhất là khu vườn của nghệ nhân Năm Công, xã Hưng Khánh Trung B, đang làm cả ngày lẫn đêm với nhiều cặp rồng, đủ kích cỡ… để kịp giao hàng cho khách. Trong đó, cặp kiểng rồng lớn nhất, dài 54m giá hơn 100 triệu đồng; nhỏ nhất, dài 2,5m có giá 3 triệu đồng; các loại khác dao động 10 - 50 triệu đồng/cặp...
Tết năm nay, ngoài làm các chậu kiểng tắc thông thường, nhiều nghệ nhân còn sáng tạo ra loại kiểng tắc uốn hình con rồng trông rất ấn tượng. Do số lượng “hàng độc” này ít nên bán rất chạy, dù giá khá cao, bình quân 3 - 10 triệu đồng/cặp (tùy theo kích cỡ).
Tây Nguyên: Làng hoa vào vụ
Đến làng hoa An Phú, TP Pleiku (tỉnh Gia Lai) trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh những ruộng hoa xanh ngắt, đóng cọc thẳng tắp.
Anh Lê Văn Sang, ở thôn 9, xã An Phú (TP Pleiku) cho biết: “Nhà tôi có 4 sào đất thì có 3 sào đã trồng hoa đồng tiền, cúc, lay ơn và hoa ly để bán vào dịp tết. Vào đầu tháng 10 âm lịch, chúng tôi xuống giống. Từ đây, người trồng hoa chúng tôi bắt đầu đối diện với hàng trăm nỗi lo: lo thời tiết không thuận lợi, lo hoa nở không đúng dịp tết, lo hoa rớt giá... Cũng may năm nay thời tiết không đỏng đảnh, hoa phát triển tốt, nếu thị trường tiêu thụ ổn định như vụ hoa tết năm 2011, hy vọng người trồng hoa chúng tôi sẽ thắng lớn”.
Những năm gần đây, nhận thấy trồng hoa mang lại lợi nhuận cao nên không chỉ vùng có truyền thống như An Phú mà trên các đồng đất vùng ven hai thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa và huyện Đắc Pơ (tỉnh Gia Lai), diện tích trồng hoa ngày một tăng. Nếu như trước đây, các hộ dân trồng hoa thương phẩm chỉ với quy mô nhỏ, mang tính manh mún, lợi nhuận kinh tế không cao, thì nay nhờ biết áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật phục vụ sản xuất hoa theo hướng công nghệ cao, nên các làng hoa ở tỉnh Gia Lai đã phong phú về chủng loại như: cẩm chướng, cúc đại đóa, hồng, ly ly... mang lại thu nhập ổn định cho bà con nông dân.
Ông Hồ Văn Khương, Phó Chủ tịch UBND xã An Phú (TP Pleiku), cho biết: So với năm rồi, số lượng hoa năm nay được duy trì ổn định. Ngay những ngày đầu vụ, chúng tôi đã cử cán bộ xuống tập huấn cho bà con về cách trồng và chăm sóc hoa tết. Đến thời điểm này, hầu hết hoa trên các vườn đã bắt đầu đóng trụ, chắn chắn nở đúng dịp Tết Nhâm Thìn. Theo dự đoán của những người trồng hoa có thâm niên, vụ hoa tết năm nay, giá sẽ cao gấp 2 - 3 lần so với năm ngoái. Bởi ở một số vùng trong nước, thời tiết năm nay diễn biến phức tạp, các làng hoa bị tổn thất không nhỏ, nên thị trường sẽ rất “khát” hoa. Chính vì thế, người dân An Phú đang tất bật với việc chăm sóc vườn hoa. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ đầu, hy vọng bà con trồng hoa tết sẽ có một mùa hoa đẹp.
BÌNH ĐẠI – ĐỨC TRUNG