Thu phí sử dụng xe cá nhân

Như thế nào cho hợp lý?

Như thế nào cho hợp lý?

Sau khi ông Lê Quang Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đồng tình với  chủ trương thu phí sử dụng xe cá nhân như một giải pháp để chống ùn tắc giao thông, UBND TPHCM đã giao Sở Giao thông Công chính nhanh chóng hoàn thiện đề án này. Thu như thế nào cho hợp lý? Vừa không ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống người dân vừa hạn chế được xe cá nhân là một thách thức lớn đối với Sở Giao thông Công chính. 

Như thế nào cho hợp lý? ảnh 1

Ùn tắc giao thông - vấn đề nhức nhối ở TP hiện nay. Liệu thu phí sử dụng xe cá nhân có làm giảm ùn tắc giao thông? Ảnh: ĐỨC TRÍ

Ngay cả cái tên của đề án, chúng tôi cũng cân nhắc”. Phó Giám đốc Sở Giao thông Công chính, ông Dương Hồng Thanh, cho biết. Đề án thu phí sử dụng xe cá nhân hay đề án thu phí lưu thông…? Nếu là đề án thu phí lưu thông nói chung thì tất cả các loại xe sẽ phải đóng phí. Thế nhưng, thành phố chỉ muốn hạn chế xe cá nhân và tạo điều kiện cho xe công cộng phát triển? Vậy thì, đề án thu phí sử dụng xe cá nhân có vẻ hợp lý hơn cả.

Mục đích thu? Thoạt đầu một số chuyên viên đề nghị chỉ nhắm đến 2 mục tiêu: hạn chế sử dụng xe cá nhân để góp phần kéo giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; tạo nguồn thu, hình thành quỹ phát triển vận tải hành khách công cộng của thành phố. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng đây chỉ là giải pháp tình thế để điều tiết hành vi đi lại cho phù hợp với hệ thống đường sá còn ít, chất lượng chưa cao mà lượng xe lại quá nhiều, nếu không hạn chế bớt thì rất khó sắp xếp cho trật tự, thông thoáng, nên một mục tiêu nữa được thêm vào, đó là điều chỉnh hành vi đi lại của tất cả các phương tiện.

Tranh cãi sôi nổi nhất là mức thu phí. Khi báo cáo chủ trương thu phí xe cá nhân với Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Sở Giao thông Công chính đề nghị mức thu không chênh lệch nhiều giữa các loại xe. Tuy nhiên, sau những phản hồi ban đầu của dư luận, sở đã điều chỉnh lại theo hướng tăng thêm đối với xe ô tô và giảm bớt cho xe gắn máy 2 bánh. Hiện mức thu được tạm tính là: xe ô tô dưới 10 chỗ ngồi nộp 10 triệu đồng/năm lưu hành, 15 triệu đồng/đăng ký mới; xe gắn máy 2 bánh dưới 50 phân khối: 200.000 đồng/năm lưu hành, 400.000 đồng/đăng ký mới; xe gắn máy 2 bánh từ 50 phân khối đến dưới 175 phân khối: 500.000 đồng/năm lưu hành, 1 triệu đồng/đăng ký mới; xe gắn máy 2 bánh từ 175 phân khối trở lên: 3 triệu đồng/năm lưu hành, 6 triệu đồng/đăng ký mới.

Như vậy, đối với loại xe thông dụng nhất (từ 50 phân khối đến dười 175 phân khối) được nhiều người, đặc biệt là người nghèo sử dụng chỉ phải đóng phí lưu hành chưa tới 2.000 đồng/ngày. “Chúng tôi hy vọng với mức thu thấp hơn chi phí một lần gửi xe (trung bình 2.000 đồng/lần) sẽ được người dân chấp thuận”, ông Thanh nói. Tuy nhiên, vẫn không phải đã hết những băn khoăn ở Sở Giao thông Công chính: Mức thu quá thấp liệu có tác dụng hạn chế xe cá nhân? Xem ra cân đối 2 mục tiêu này là bài toán không dễ giải.

Thu như thế nào?

UBND TPHCM kiến nghị, thí điểm thu phí hạ tầng kỹ thuật

Ngày 4-10-2007 vừa qua, UBND TPHCM đã có tờ trình số 6606/TTr-UBND gửi Thủ tướng Chính phủ nêu một số kiến nghị về cơ chế và chính sách. Tại tờ trình này, UBND TPHCM đã kiến nghị Thủ tướng cho phép thành phố thí điểm thu phí hạ tầng kỹ thuật đô thị đối với đô thị mới, chỉnh trang đô thị cũ…

Đồng thời cho phép thành phố chủ động thí điểm ban hành thêm hoặc tăng ngoài khung giá quy định các loại phí, lệ phí phù hợp với yêu cầu thực tiễn quản lý Nhà nước ở địa phương như phí giữ xe 2-4 bánh, phí lưu hành xe gắn máy 2-4 bánh khu vực trung tâm thành phố, phí vệ sinh môi trường.

Chúng tôi dự kiến giao việc thu phí cho chính quyền các địa phương bên cạnh việc tổ chức mạng lưới đại lý thu, ông Thanh nói. Người dân có hộ khẩu ở thành phố hoặc người tạm trú thường xuyên ở thành phố có thể đến chính quyền địa phương nộp phí, bởi chính quyền địa phương sẽ nắm rất rõ phương tiện đi lại của từng gia đình.  Người dân ở các tỉnh thành khác đến thành phố cũng phải trả phí cho việc lưu thông ở thành phố nên cũng phải mua phí, và họ có thể mua qua các đại lý.

Như vậy, bất cứ người nào đi lại ở TPHCM đều phải nộp phí? Đúng nhưng chỉ những người sử dụng xe cá nhân dưới 10 chỗ ngồi, ông Thanh giải thích. Những đối tượng nào không phải nộp loại phí này? Xe của các cơ quan hành chính sự nghiệp, công an, quân đội và xe cơ quan ngoại giao. Những xe ô tô trên 10 chỗ ngồi thường là xe dùng để kinh doanh vận tải, phục vụ lợi ích chung nên dù sở hữu cá nhân cũng không phải nộp thuế, ông Lê Trung Tính, Phó phòng Quản lý vận tải Sở Giao thông Công chính nói thêm.

Giải pháp này tạm thời nhận được nhiều ý kiến đồng thuận từ phía các chuyên viên giao thông. Tuy nhiên, họ cũng băn khoăn đến tính khả thi của việc thu qua đại lý. Ai sẽ được làm đại lý? Cơ quan nào quản lý các đại lý? Các vấn đề tài chính cần được xem xét thật cụ thể, bởi không khéo sẽ thất thoát khó lường. Tạm thời, ông Thanh cho rằng, nên để việc này cho Sở Tài chính tính toán bởi họ am hiểu các vấn đề quản lý tài chính hơn Sở Giao thông Công chính. Việc chống ùn tắc giao thông là việc chung của cả thành phố, các sở ngành liên quan đều phải có trách nhiệm, ông Thanh nói.

Việc xử phạt hành vi không nộp phí, theo Sở Giao thông Công chính: “Tất nhiên sẽ giao cho cảnh sát giao thông”. Ông Thanh giải thích, cảnh sát giao thông có thể kết hợp kiểm tra việc nộp phí khi tiến hành kiểm tra trật tự an toàn giao thông trên đường. Người nào không trình được biên lai nộp phí sẽ bị phạt nộp gấp đôi mức phí đáng lẽ đã phải đóng trước đó. Phương án này khá hợp lý. Tuy nhiên, câu trả lời cuối cùng phải là của cảnh sát giao thông. Ông Thanh cho biết, sau khi hoàn tất đề án, Sở Giao thông Công chính sẽ đưa ra lấy ý kiến phản hồi của các sở ngành, trước khi trình UBND TPHCM báo cáo Chính phủ và HĐND TPHCM.

NGUYỄN KHOA – NGUYÊN THẢO

Như thế nào cho hợp lý? ảnh 3
Như thế nào cho hợp lý? ảnh 4

Thông tin liên quan:

- Lòng dân không hẹp

Tin cùng chuyên mục