Những bước chân không mỏi

Trong thời chiến, họ là những người lính dũng cảm. Thời bình, họ tiếp tục góp sức cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Dù tuổi cao, các thương binh, cựu chiến binh ấy vẫn ngược xuôi kêu gọi hỗ trợ để có kinh phí sửa nhà cho đồng đội; trao học bổng, xe đạp, tập sách cho học trò nghèo; xây cầu nông thôn, sân chơi cho thiếu nhi…

Ngược xuôi chăm lo người khó khăn

Vừa chạy xuống khu công viên nhỏ dưới chung cư Sơn Kỳ (quận Tân Phú, TPHCM), em Phạm Vũ Minh Thư (9 tuổi) đến ngay chiếc xích đu cạnh các cây xanh để chơi. Gần đấy, một nhóm bé trai đang tranh nhau quả bóng tại khu có đặt trụ bóng rổ. Minh Thư kể, chiếc xích đu này gắn liền với em vào mỗi buổi chiều khi được xuống sân chơi. “Ngày trước ở đây không có khu vui chơi. Thấy trẻ nhỏ thiếu sân chơi, Hội Cựu chiến binh phường Sơn Kỳ đã vận động kinh phí để xây dựng, lắp đặt các xích đu, sân bóng rổ để trẻ có điều kiện thư giãn”, anh Nguyễn Hồng Thái, một người dân ngụ tại phường Sơn Kỳ, đang tập thể dục ở công viên, cho biết.

Ông Trịnh Xuân Tâm cùng thiếu nhi vui chơi bên công trình do ông và các cựu chiến binh phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú thực hiện
Chia sẻ về công trình này, người thương binh hạng 3/4 Trịnh Xuân Tâm, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Sơn Kỳ, tâm sự, do thường lui tới khu chung cư Sơn Kỳ thăm các cựu chiến binh, ông thấy thiếu nhi nơi đây thiếu sân chơi. Thế là ông vận động kinh phí các nơi, từ người thân quen đến các đơn vị, doanh nghiệp. Từ nguồn hỗ trợ này, tháng 1-2022, ông Tâm và đồng đội bắt tay lắp đặt 2 công trình tặng thiếu nhi. Không chỉ vậy, chiếc cầu trượt cũ ở chung cư Sơn Kỳ 1 cũng được ông vận động kinh phí để thay bằng cầu trượt mới trong sự vui mừng của thiếu nhi và người dân.

Phát huy tinh thần người bộ đội Cụ Hồ, ông Tâm cùng đồng đội thường xuyên thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa, giúp nhau vượt khó, thoát nghèo, phát triển kinh tế, xây sửa nhà tình thương, tình nghĩa. Bất kể ngày hay đêm, khi đồng đội, người dân, khu phố cần là ông Tâm có mặt. Ông chia sẻ, nhìn trẻ nhỏ vui chơi trong tiếng cười vui vẻ, nhiều gia đình khó khăn nay dần ổn định, ông thấy vô cùng hạnh phúc. Chính điều đó càng thôi thúc ông góp sức để giúp người dân có cuộc sống tốt hơn. 

Cũng vì nhớ những ân tình sâu nặng của đồng bào, đồng đội đã chở che, cưu mang mình trong những ngày kháng chiến, nhiều năm qua, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Đức (81 tuổi, thường được gọi là ông Sáu Đức, Trưởng ban liên lạc truyền thống Đoàn tàu không số tại TPHCM) và đồng đội đã tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Dù tuổi cao nhưng nhiều năm qua, ông Sáu Đức vẫn miệt mài ngược xuôi vận động kinh phí và tổ chức các chuyến thăm, tặng quà các nơi, nhất là con em và người thân của các đồng chí, đồng đội ngày nào đã mãi nằm xuống.

Còn sức, còn cống hiến

Đầu năm 2022, ông Sáu Đức vận động được 4 tỷ đồng cho các hoạt động thiện nguyện, đền ơn đáp nghĩa. Ông chia sẻ, số tiền này rất có ý nghĩa với các đồng đội khó khăn, trẻ em nghèo. Hiểu những khó khăn của đồng đội, suốt 20 năm qua, người thủy thủ Đoàn tàu không số năm xưa ngược xuôi khắp mọi miền Tổ quốc với các hoạt động giúp đỡ đồng đội, bà con nghèo, hỗ trợ các cháu thiếu nhi vượt khó hiếu học… Theo ông Sáu Đức, còn đi được là ông vẫn tiếp tục lên đường.

Còn bà Trần Thị Quế Nga (ngụ quận Tân Phú) năm nay đã 76 tuổi nhưng ngày ngày vẫn “lo chuyện bao đồng”. Nhiều người gọi bà là mẹ của người nghèo và những mảnh đời bất hạnh ở khắp mọi miền đất nước. Bà Quế Nga là cựu tù chính trị Côn Đảo, con của liệt sĩ Nguyễn Thị Tú - người được Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập hạng nhất. Là người cộng sản kiên trung, sau hòa bình bà làm cô giáo, về hưu bà lại tất bật với các công việc thiện nguyện.  

Để từng phần quà đến với người đang cần, bà không ngại đi những vùng sâu, vùng xa như: Cà Mau, Kiên Giang, Lâm Đồng… để xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, tặng học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học. Và nơi bà đến nhiều nhất là các trại phong, giúp họ xoa dịu những đau đớn về thể xác. Trong những chuyến đi của bà luôn có gạo, đường, dầu ăn, mì tôm, xà phòng, thuốc…, bởi bà nghĩ đó là những món quà hỗ trợ ý nghĩa, thiết thực cho cuộc sống của họ. 

Những ngày không tham gia các chuyến thiện nguyện, bà Quế Nga lại trở về làm cô giáo, xuống lớp học thăm các bé lứa tuổi mầm non đang theo học tại Trường Mầm non Nguyễn Thị Tú. Ngôi trường này bà xây dựng, lấy tên mẹ mình để tưởng nhớ người mẹ anh hùng và để có thêm điều kiện chăm lo thế hệ mai sau. Bà Quế Nga chia sẻ, chăm lo đồng bào, nhất là người dân khó khăn là điều Bác Hồ luôn quan tâm. Do đó, trong khả năng nhỏ của mình, bà luôn trăn trở để có thể góp chút công sức giúp người dân, đồng đội khó khăn có cuộc sống tốt hơn.

Hơn 10 năm qua, Ban liên lạc truyền thống Đoàn tàu không số đã vận động được hơn 70 tỷ đồng để xây dựng gần 100 căn nhà tình nghĩa, tình thương; xây 38 cây cầu bê tông ở các vùng nông thôn. Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Đức, Trưởng ban Liên lạc truyền thống Đoàn tàu không số tại TPHCM, còn vận động tặng hơn 600 xe đạp và sách bút cho học sinh nghèo; tổ chức hàng chục đoàn y, bác sĩ đến nhiều tỉnh, thành để khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho gần 7.000 người dân, người thân của các cựu chiến binh Đoàn tàu không số…

Tin cùng chuyên mục