Những đêm cuối năm, nếu không bận việc, tôi thường lê la các quán cóc bên đường để ngắm... xe đò. Chính xác hơn là xe đò cuối năm. Và dĩ nhiên, để ngắm được những chuyến xe đò cuối năm, cái quán cóc ấy phải thuộc loại “lữ hành tửu (hay trà hoặc... cà phê) quán”, nghĩa là nằm trên trục đường quốc lộ và chuyên phục vụ khách lữ hành xuôi ngược Bắc-Nam...
Tôi ung dung chờ cà phê nhỏ giọt mà trông, mà ngắm từng đoàn xe nối đuôi lũ lượt, giương mắt đỏ ngầu lao hút vào đêm... Mà xe đò cuối năm làm gì có đêm; hay nói cách khác, với xe đò cuối năm, đêm cũng như ngày, ngày cũng như đêm. Những chuyến xe cứ hùng hục lao, vội vàng lao, xuôi và ngược, ngược và xuôi - như không hề biết mệt hoặc không có điểm dừng...
Năm nào cũng như năm nào, cuộc hành trình của những chuyến xe đò cuối năm chính thức khởi động khoảng rằm tháng chạp Âm lịch, nghĩa là nửa tháng trước Tết cổ truyền. Xe đò cuối năm có cái đặc điểm độc nhất vô nhị chỉ xảy-ra-một-lần-duy-nhất-trong-năm: bao giờ những chuyến xe từ quê ngược phố cũng trống trơn và những chuyến xe từ phố xuôi quê đầy ứ, lặc lè. Cuối năm, cái thời khắc chuyển động một chiều - hệ quả tất nhiên của dòng chảy về nguồn - bao giờ cũng dâng cao, ứ dồn, cấp tập.
Tết mà lại! Phải, đã là con dân đất Việt, cái Tết luôn luôn gắn liền với từ về. Về quê! Có thể đoan chắc không sai rằng: ngoài lực lượng ngụ cư, ít nhất phân nửa số thị dân hộ khẩu thành phố là người gốc quê. Gốc quê thì đến Tết phải về quê. Về mà nhìn lại mảnh đất chôn nhau, thăm người ruột thịt, hàng xóm, bà con - và đốt nén hương thành kính thưa với ông bà tổ tiên rằng: đứa con tha hương nhưng chưa vong bản, chưa quên mảnh đất sinh ta, nuôi ta khôn lớn thành người.
Và muốn về quê tất nhiên phải nhờ tàu, nhờ xe là chính yếu - chứ dân ta mấy ai nhiều tiền mà tính chuyện máy bay! Vậy nên, cứ rằm tháng chạp trở đi, cái dòng chảy phố xuôi quê lại ùn ùn theo những chuyến xe đò cuối năm. Mệt phờ, thức trắng là xe đò cuối năm. Mệt phờ, thức trắng là tài xế xe đò cuối năm nhưng có vẻ như cả xe lẫn các bác tài chẳng lấy chi làm buồn bực. Trái lại còn vui, còn phấn chấn. Dễ hiểu, ấy là một trạng thái vui lây.
Lây cái vui của người xa xứ, Tết về tay xách nách mang, hớn hở hồi hương. Lây cái vui của đất trời bừng tỉnh sau giấc ngủ dài mùa đông, hứa hẹn những ngày đầu xuân ấm áp, yên bình. Còn tiền bạc ư? Làm nhiều thu nhiều, đương nhiên cánh lái xe đò cuối năm luôn cầm chắc trăm phần trăm về đón giao thừa cùng vợ con với hầu bao rủng rỉnh!
Cuốc xe phố xuôi quê đầy ắp, tiền thu theo giá Tết, khiến chuyến khứ hồi trống trơn cũng chẳng hề hấn chi tới... hòa bình! Cái đặc thù ấy của xe đò cuối năm khiến ai có nhu cầu lên phố những ngày giáp Tết sẽ được đi xe đò bằng cái giá ngang ngang với... cho không, biếu không! Có khi dọc đường còn được các bác tài mời nước, mời cơm. Sướng thế! Chuyện thật trăm phần trăm mà kể nghe cứ như... đùa!
...Ngày còn đi học xa, mỗi bận Tết về, tôi khổ không ít vì chuyện xe đò cuối năm. Khổ vì lấn, vì chen. Mà đã xong đâu, lơ mơ chậm lụt là hết xe hoặc phải đi xe dù với giá “chợ đen”! Ấy thế mà bây giờ sướng rồi thì lại... sinh nhớ, sinh thương cái thời khổ ngày xưa để cứ mỗi độ cuối năm phải lò dò ra quán cóc mà ngóng theo những chuyến xe đò...
Y NGUYÊN