Những “đại sứ" mang thương hiệu Việt Nam

Những “đại sứ" mang thương hiệu Việt Nam

xuan-12-13-nhung-dai-su-mang-thuong-hieu-viet-1-7562.jpg
xuan-12-13-nhung-dai-su-mang-thuong-hieu-viet-2-le-duy-anh-3630.jpg

Ở tuổi 33, TS Lê Duy Anh (ảnh) hiện là Chủ nhiệm bộ môn Chính sách công, Khoa Kinh tế phát triển Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. Du học ở Anh suốt 12 năm, có bằng Cử nhân Kinh tế học từ Đại học Durham, bằng Thạc sĩ và Tiến sĩ ngành Khoa học phát triển từ Đại học Cambridge với tương lai đầy hứa hẹn, nhưng anh chọn trở về Việt Nam.

xuan-12-13-nhung-dai-su-mang-thuong-hieu-viet-2-le-duy-anh-1-5576.jpg

Về nước năm 2020, anh góp mặt trong Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam do Trung ương Đoàn tổ chức, nơi hội tụ những người trẻ cùng chung khát vọng phát triển đất nước Việt Nam hùng cường vào năm 2045. Đó như một cú hích củng cố niềm tin cho sự trở về là đúng hướng. Ở trong nước, anh say mê nghiên cứu, giảng dạy, định hướng tập trung vào phát triển bền vững, kinh tế hành vi. Anh sớm có 3 bài báo khoa học đăng trên Tạp chí Q1 - nhóm tạp chí rất khó để được đăng bài.

xuan-12-13-nhung-dai-su-mang-thuong-hieu-viet-2-le-duy-anh-2-758.jpg
xuan-12-13-nhung-dai-su-mang-thuong-hieu-viet-2-le-duy-anh-3-9872.jpg

Anh cùng cộng sự thực hiện một số đề tài cấp cơ sở, cấp bộ nghiên cứu về tác động của hành vi con người lên môi trường. Như dự án nghiên cứu yếu tố quyết định lên hành vi sử dụng túi nhựa để phòng tránh ô nhiễm, giảm rủi ro rác thải nhựa cho đại dương tại TP Đà Nẵng. Hay nghiên cứu phòng trừ tác hại của thuốc lá điện tử nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi kiến thức của nhà trường, phụ huynh mà anh đang thực hiện. Theo anh, đây là những vấn đề mới, mang tính ứng dụng cao, khi có kết quả nghiên cứu, có thể can thiệp để con người tự thay đổi hành vi theo hướng tích cực.

xuan-12-13-nhung-dai-su-mang-thuong-hieu-viet-2-le-duy-anh-4-2531.jpg
xuan-12-13-nhung-dai-su-mang-thuong-hieu-viet-2-le-duy-anh-5-8630.jpg

Bén duyên với Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam, giờ đây TS Lê Duy Anh là Phó Chủ tịch Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu - một chương trình của Trung ương Đoàn, nhằm tập hợp những trí thức trẻ Việt Nam đang học tập, làm việc ở khắp các trường trên thế giới để đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Trong mạng lưới này, anh đóng góp về mặt chuyên môn, hỗ trợ ý tưởng khoa học của thanh niên. Cùng với cộng sự, TS Lê Duy Anh cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ và mở rộng mạng lưới, kết nối, hỗ trợ nhau để đội ngũ trí thức trẻ Việt Nam trên toàn thế giới có thể đóng góp nhiều hơn cho quê hương.

xuan-12-13-nhung-dai-su-mang-thuong-hieu-viet-3-luong-xuan-hoa-9065.jpg

Đầu tháng 12-2023, Khu phố Việt Nam (Vietnam Town) trang trọng khánh thành ở tỉnh Udon Thani, Thái Lan - nơi có hơn 60.000 người Việt sinh sống, được coi là thủ phủ của người Việt Nam tại xứ sở Chùa Vàng. Khu phố dài hơn 300m, với tầm 100 gian nhà, trong đó 99% số cư dân là người gốc Việt. Là người sinh sống ở khu vực này từ nhỏ, giờ là Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại tỉnh Udon Thani, ông Lương Xuân Hòa đã cố gắng kết nối với chính quyền, cơ quan ngoại giao Việt Nam và nhà tài trợ để xây dựng nên Khu phố Việt Nam. Đây cũng là lần đầu trên thế giới, có một khu phố Việt Nam được chính quyền sở tại ủng hộ và công nhận chính thức.

xuan-12-13-nhung-dai-su-mang-thuong-hieu-viet-3-luong-xuan-hoa-1-7251.jpg
Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại tỉnh Udon Thani Lương Xuân Hòa (hàng đầu, thứ hai từ trái sang) cùng các Việt kiều Thái Lan

Tất bật với công việc chuẩn bị gần cả năm, nên khi khu phố được khánh thành, ông Lương Xuân Hòa mừng lắm. Ngày nào cũng có đoàn tham quan, chụp hình, hỏi mua hàng hóa Việt làm quà. Có hôm khu phố đón cả chục đoàn, mỗi đoàn 50-60 khách, trong đó có rất nhiều người Thái và du khách nước ngoài. Ai nấy vui vẻ chụp hình, nhâm nhi cà phê, thưởng thức các món ăn mang đậm chất Việt ba miền, như nem, bánh cuốn, cà pháo, bánh mì… Khu phố càng lung linh hơn trong cái Tết Giáp Thìn này.

Ông Lương Xuân Hòa năm nay 66 tuổi, có cha là người Quảng Bình, mẹ là người Hà Tĩnh, sang Thái Lan từ những ngày còn chiến tranh loạn lạc gần một thế kỷ trước. Ông được sinh ra và lớn lên trên đất Thái, nỗ lực mưu sinh lập nghiệp. Hãng tôn của gia đình ông hiện có 40 nhà máy khắp Thái Lan, với 600 công nhân. Trong lòng ông vẫn luôn hướng về Việt Nam - nơi quê cha đất Tổ. Xúc cảm thiêng liêng trào dâng trong ông mỗi khi chữ Việt Nam hay một hình ảnh gợi nhắc Việt Nam bất chợt hiện lên trước mắt hay lướt qua trong tâm trí. Là một doanh nhân, ông đau đáu khi những lần đi về giữa hai quê hương, thấy hàng Thái trên đất Việt thì nhiều, mà hàng Việt trên đất Thái sao quá ít. Có một sự khao khát, có một thôi thúc hành động. Ông lui về, để con cháu kế thừa gia nghiệp kinh doanh, phần ông dành trọn sức cho công việc duy trì, phát huy mạch nguồn văn hóa Việt. Và Khu phố Việt Nam là giấc mơ của ông, để hàng Việt Nam chất lượng cao có thêm một con đường sang Thái.

xuan-12-13-nhung-dai-su-mang-thuong-hieu-viet-3-luong-xuan-hoa-2-888.jpg

Năm qua, Hội Người Việt Nam tại tỉnh Udon Thani cũng được chính quyền tỉnh xếp hạng nhất trong số hơn 100 hội ở đây. Ông còn chia sẻ những “việc lớn” mình đang làm. Đó là bảo tồn các ngôi chùa Việt ở Thái; là ghi lại gia phả các dòng họ kiều bào ở Thái Lan tính từ đầu thế kỷ XX đến nay. Ông cũng trăn trở về việc dạy và học tiếng Việt cho đồng bào gốc Việt ở Thái, vì “Nói được tiếng Việt thì mình sẽ nhớ mãi về cội nguồn máu mủ của mình”. Udon Thani hiện có 8 lớp học tiếng Việt. Ông bày tỏ mong muốn kiều bào ta ở Thái Lan có được quốc tịch Việt Nam để thuận lợi trong giao thương, cũng là cách để gìn giữ gốc tích người Việt cho dù có sinh sống lập nghiệp ở đâu.

xuan-12-13-nhung-dai-su-mang-thuong-hieu-viet-4-nguyen-ngoc-luan-1769.jpg

Năm 2017, anh Nguyễn Ngọc Luận (TPHCM) bắt đầu nghiên cứu và đưa ra thị trường sản phẩm cà phê trái cây, đặt tên là Meet More. Đó là cuộc “hôn phối” giữa cà phê và trái cây, tạo ra rất nhiều hương vị thơm ngon mới lạ. Mục đích của anh khi đó là nâng cao giá trị cho nông sản Việt, nâng cao hàng Việt trong mắt bạn bè quốc tế.

xuan-12-13-nhung-dai-su-mang-thuong-hieu-viet-4-nguyen-ngoc-luan-1-5706.jpg
Anh Nguyễn Ngọc Luận (trái) giới thiệu cà phê trái cây cho khách hàng

Anh bắt đầu tạo “lối đi riêng”, hướng đến đối tượng là người Việt Nam đang sống ở nước ngoài. Ngày nối ngày, tháng nối tháng, anh lang thang “bán dạo” cà phê ở nhiều nước. Anh mang sản phẩm cho bà con dùng thử ở các hội chợ, lễ hội.Vậy rồi từ một vài người ít ỏi dùng thử, mua về, dần dần mọi người truyền tai nhau về loại cà phê Việt Nam thơm ngon, chất lượng. Có người gặp ngoài đường, nhận ra liền gọi “Chú Meet More!”, rồi nói “vợ tôi uống khen cà phê ngon lắm”. Anh vui quá, còn tranh thủ quảng bá thêm, rằng Việt Nam giờ khác trước nhiều rồi, có rất nhiều sản phẩm tốt.

Con đường đi với nông sản Việt của anh Luận cứ đi từng bước, từng bước nhỏ như vậy. Đến khoảng năm 2020, sản phẩm bắt đầu được đón nhận. Chưa kịp vui mừng thì Covid-19 ập đến. Trong khó khăn, cà phê trái cây Meet More vẫn cố gắng bước tới. Anh nhớ những ngày mang hàng đi Nga, giữa mùa đông tuyết trắng xứ người, ly cà phê nóng thơm lừng mang từ quê nhà sang được bà con người Việt xếp hàng vào dùng thử và mua sản phẩm. Hình ảnh quá đỗi ấm áp, thân thương đã xóa tan bao mệt nhọc…

Cuộc trò chuyện của chúng tôi vào ngày cuối năm bị gián đoạn mấy lần, vì anh Luận thường có những đối tác, khách hàng mới tìm đến đặt vấn đề hợp tác. Sáu năm chưa phải chặng đường quá dài, nhưng nỗ lực của anh Luận và cộng sự đang dần mang lại kết quả. Đến nay, cà phê Meet More đã có mặt ở hơn 10 nước có đông người Việt sinh sống, như Australia, Mỹ, Nga, Hàn Quốc... Vừa mới đây thôi, khi anh trên đường từ Australia trở lại Việt Nam, một đại lý đã gọi điện báo tin vui. Họ đã mang Meet More phục vụ cho hơn 400 khách trong một sự kiện và nhận được nhiều phản hồi tích cực về chất lượng, muốn đặt hàng lâu dài.

xuan-12-13-nhung-dai-su-mang-thuong-hieu-viet-4-nguyen-ngoc-luan-2-3247.jpg
xuan-12-13-nhung-dai-su-mang-thuong-hieu-viet-4-nguyen-ngoc-luan-3-1798.jpg

Hành trình còn không ít gian nan nhưng sự nhiệt thành, tâm huyết và tấm lòng với nông sản Việt đã giúp doanh nhân này thêm sức mạnh vì niềm tin vào nông sản Việt ở nước ngoài. Tới đây, anh Luận tiếp tục đưa thêm các sản phẩm khác như gạo ST25, gạo tím, dừa… sang các nước. Các sản phẩm rồi sẽ tiếp bước như cà phê Meet More - là nông sản được chế biến sâu, mang hương vị đặc trưng Việt Nam.

xuan-12-13-nhung-dai-su-mang-thuong-hieu-viet-5-cao-thi-huyen-7278.jpg

Hơn 9 năm gắn bó với bộ môn nghệ thuật cắm hoa là khoảng thời gian đầy ý nghĩa của chị Cao Thị Huyền (Rose Cao). Giải thưởng quốc tế và những dự án nghệ thuật mới đã chắp cánh cho niềm say mê bắt đầu từ một sở thích tình cờ.

Trước đó, năm 2004, chị Huyền sang Singapore du học, rồi làm việc trong một tập đoàn dầu khí. Trải qua nhiều căng thẳng, đến năm 2014, chị tìm đến lớp học cắm hoa như một liệu pháp xoa dịu tinh thần, cũng là để biết cách làm đẹp hơn cho những bông hoa được tặng. Bước đi tình cờ trở thành ngả rẽ cuộc đời chị. Năm 2016, chị Rose Cao ôm theo chiếc bụng bầu 7,5 tháng đã vượt qua nhiều vòng tại triển lãm hoa Singapore Garden Festival 2016 và giành được giải bạc. Giải thưởng mở ra cho chị cơ hội bước chân vào bộ môn cắm hoa nghệ thuật chuyên nghiệp. Thương hiệu Rose Cao bắt đầu có những dấu ấn đầu tiên trong cộng đồng yêu hoa nghệ thuật Singapore và quốc tế. Chị mở một thương hiệu hoa online và tổ chức những workshop cắm hoa đầu tiên một cách thuận lợi.

xuan-12-13-nhung-dai-su-mang-thuong-hieu-viet-5-cao-thi-huyen-1-6075.jpg

Cuối năm 2016 khi trở về Việt Nam, chị thử sức kết nối với các không gian nghệ thuật để mở các chuỗi sự kiện cắm hoa. Được học viên yêu thích và muốn học lâu dài theo khóa, chị quyết định mở studio riêng để dạy cắm hoa và nhận các thiết kế ở sảnh lễ tân cho khách sạn, khu căn hộ cao cấp. Hai năm sau, một cơ hội mới tiếp tục mở ra khi chị chuyển sang định cư tại Serbia - Đông Nam châu Âu, cùng gia đình. Chị dự Triển lãm Hoa Chelsea và đoạt giải bạc với sự động viên, hỗ trợ nhiệt tình của cộng đồng người Việt.

xuan-12-13-nhung-dai-su-mang-thuong-hieu-viet-5-cao-thi-huyen-2-7093.jpg
Chị Cao Thị Huyền (Rose Cao) tại Triển lãm Hoa Chelsea

Với chuyên môn của mình, từ năm 2021, chị Rose Cao sáng lập Cộng đồng Mê cắm hoa, thu hút hơn 15.000 thành viên là những người yêu hoa nghệ thuật từ khắp nơi nói tiếng Việt. Chị xây dựng thành công nền tảng dạy học trực tuyến theo hình thức 2 chiều chỉ dành riêng cho bộ môn cắm hoa nghệ thuật trường phái châu Âu. Hiện nền tảng đang giảng dạy cho hơn 1.300 học viên ở 42 quốc gia. Chị Rose Cao cũng hoàn thành một cuốn sách song ngữ Anh - Việt hướng dẫn cắm hoa nghệ thuật - Bộ sưu tập Hoa Dâm Bụt phát hành năm 2022 trên Amazon toàn cầu; tiếp tục viết cuốn sách thứ 2 với mong muốn lan tỏa nhiều hơn tình yêu hoa đến với cộng đồng những người yêu hoa Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục