Những điểm đen về rác - Bài 2: Biển cấm ở đâu, rác vây tại đó

Thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU của Thành ủy TPHCM về thực hiện cuộc vận động người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, các địa phương đã ra quân rầm rộ, căng băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền hoặc gắn bảng cảnh báo “phạt nghiêm” người xả rác bậy. Tuy nhiên, số vụ xử phạt rất ít và rác thải vẫn đầy rẫy ở các khu dân cư, khu đất trống, công trình xây dựng, trên đường phố…
Bên hông chùa Huê Nghiêm xuất hiện bãi rác tự phát, dù nơi đây có bảng cấm đổ rác, chốt bảo vệ dân phố và 3 camera. Ảnh: KIỀU PHONG
Bên hông chùa Huê Nghiêm xuất hiện bãi rác tự phát, dù nơi đây có bảng cấm đổ rác, chốt bảo vệ dân phố và 3 camera. Ảnh: KIỀU PHONG

Cấm cứ cấm, rác cứ ngập

Đang đổ dốc cầu Bình Triệu (theo hướng từ quận Bình Thạnh về quận Thủ Đức), chúng tôi bị khựng lại bởi đống rác khá to tại chân cầu. Tại khu vực này, tấm bảng “Cấm đổ rác” do UBND phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức) dựng lên đã cũ rách, bị dây leo che chắn. Quanh đó là đủ loại rác thải, từ những hộp nhựa, bịch ni lông, đến những rác thải từ hoạt động kinh doanh, buôn bán cùng các loại xà bần, gạch đá.
Đi thêm một đoạn trên quốc lộ 13 rồi rẽ vào đường số 6 (khu phố 2) của phường này, lại gặp nhiều đống rác nằm hai bên đường (quanh khu vực chợ tự phát). Sâu vào bên trong, tại các đường số 8, số 12… cũng đầy rẫy những đống rác thải từ việc đổ rác bừa bãi.

Cũng trên địa bàn quận Thủ Đức, rác thải ở khắp nơi ven quốc lộ 1 (đoạn qua phường Tam Bình), ở khu vực tiếp giáp với chợ đầu mối Thủ Đức. Trong đó, tại đường số 2, khu phố 5, các loại rác thải từ hoạt động của chợ đầu mối ngày càng nhiều. Có “bãi rác” lâu ngày, cộng với nước tù đọng làm rác phân hủy, bốc mùi hôi thối nồng nặc và ruồi nhặng đầy rẫy, trông rất nhếch nhác, mất mỹ quan.

Ông TRẦN MINH TÚ, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức: Thưởng người dân phát hiện đổ trộm rác
Trên địa bàn phường vẫn còn nhiều tụ điểm “đen” về rác thải. Người dân xả rác đủ kiểu, tại nhiều nơi nhưng phường không đủ lực lượng phục kích để bắt quả tang và xử lý. Trong khi đó, một số khu vực được gắn camera nhưng người đến đổ rác là từ địa phương khác. Họ chạy xe ba gác, xe không biển số nên không xác minh, xử phạt được. Đặc biệt, nhiều trường hợp, khi bắt quả tang xả rác nhưng người vi phạm chống chế: “Tôi làm rớt, để tôi quét dọn mang đi”. Bắt quả tang còn vậy, nên phạt nguội với cơ chế chưa rõ ràng thì hiệu quả còn rất thấp.
Tuy nhiên, bên cạnh việc tuyên truyền, phường cũng thưởng nóng những người dân phát hiện, hỗ trợ phường xử phạt người vứt rác bừa bãi (500.000 đồng/biên bản, từ nguồn kinh phí phường vận động). Từ đầu năm đến nay, phường đã phạt 9 trường hợp xả rác bừa bãi, trong đó thưởng nóng cho 5 trường hợp.
Lệch về xa lộ Hà Nội, dọc theo công trình metro Bến Thành - Suối Tiên, UBND các phường Trường Thọ, Bình Thọ (quận Thủ Đức) và phường Thảo Điền, phường An Phú (quận 2), cứ khoảng 20m là có dựng bảng “Cấm đổ rác”. Trên mỗi bảng cấm đều ghi rõ mức phạt tiền đối với hành vi đổ rác bừa bãi, kèm dòng chữ cảnh báo “Khu vực có camera quan sát”. Vậy nhưng, dọc theo các bảng cấm này đầy… rác thải.

Tương tự, tại nhiều khu đất trống và trong khu dân cư tại các phường Bình An, Bình Khánh, Thạnh Mỹ Lợi (quận 2) cũng tồn tại hàng đống rác lưu nhiều ngày trộn lẫn rác thải mới. Trong đó, tại phường Bình An, rác đổ bậy tập trung trước chung cư Bình Minh, vị trí gần ngã tư Trần Não - Lương Định Của và các khu đất trống dọc hai bên đường Lương Định Của…

Trong khi đó, tại các khu đất gần Trường THCS Trần Đại Nghĩa, Trường TH An Khánh và xung quanh chợ Bình Khánh (phường Bình Khánh), rác được đổ đống ngay dưới chân bảng cấm của UBND phường. Cũng ở phường này, tại khu vực phía sau chùa Huê Nghiêm, chính quyền địa phương dựng một bảng “Cấm đổ rác”, lập chốt bảo vệ dân phố và gắn 3 camera, nhưng rác thải các loại vẫn cứ đổ đống như thách thức.

Trước thực trạng trên, phóng viên Báo SGGP đến UBND các phường để tìm hiểu về thông tin xử phạt đối với các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, đến UBND phường Bình Khánh, chúng tôi không gặp được lãnh đạo phường và được thông báo tất cả lãnh đạo phường đi họp trên quận. Liên hệ qua điện thoại với ông Đỗ Duy Thụy, Chủ tịch UBND phường Bình Khánh, nhưng không được phản hồi. Trong khi đó, tại UBND phường Bình An, ông Ngô Nhất Vũ, Phó Chủ tịch UBND phường đề nghị gửi câu hỏi và sẽ có phản hồi cụ thể. Theo lời, chúng tôi ghi lại câu hỏi, nêu rõ một số vị trí tồn đọng rác thải trên địa bàn phường và đề nghị cung cấp thông tin xử phạt, giải pháp chấn chỉnh, nhưng nhiều ngày sau vẫn chưa nhận được trả lời.

Muốn bắt quả tang phải… lập tổ công tác

Lãnh đạo nhiều địa phương khẳng định, việc đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử phạt các cá nhân đổ rác không đúng nơi quy định là rất quan trọng trong việc vận động người dân không xả rác bừa bãi, theo Chỉ thị 19-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM. Tuy nhiên, qua 8 tháng thực hiện cuộc vận động, kết quả xử phạt rất hạn chế, như quận Gò Vấp phạt 60 trường hợp; huyện Bình Chánh chỉ phạt 36 trường hợp vi phạm về vệ sinh nơi công cộng...

Thực hiện cuộc vận động người dân không xả rác ra đường và kênh rạch, UBND quận 2 đã yêu cầu cấp cơ sở tăng cường xử phạt, nhưng sau gần 8 tháng, toàn quận chỉ xử phạt được vài trường hợp. Lý do là hành vi đổ rác diễn ra nhanh chóng, lực lượng xử phạt mỏng, trong khi ở quận còn nhiều khu vực dân cư thưa thớt. Tuy vậy, cũng có nguyên nhân là cấp cơ sở vẫn còn buông lỏng, chưa duy trì, đeo bám và còn làm theo phong trào, chưa mang lại hiệu quả cao.

Là địa phương hiếm hoi ở quận 2 vừa “mật phục”, bắt quả tang một trường hợp người dân đổ bậy rác thải, ông Đoàn Phước Lượng, Phó Chủ tịch UBND phường Thạnh Mỹ Lợi, nhận xét công việc này quả không đơn giản. Theo ông Lượng, trước phản ánh của người dân về việc đổ trộm trứng thối, UBND phường lập kế hoạch phân công tổ tuần tra chốt chặn tại khu vực. Tuy nhiên, nếu phường “dàn quân” trước, người đổ rác trộm chắc chắn sẽ không thực hiện hành vi vi phạm. Do đó, trước khi “ra trận”, phường cho thông tin các cơ sở mua bán trứng ở phường, khu vực lân cận và phối hợp rà soát hợp đồng thu gom rác của các cơ sở này với đường dây rác… Sau khi xác định điểm nghi ngờ, phường cho người canh tại cơ sở này và khi thấy có người chở rác từ cơ sở này đi ra là “mật phục” để bắt quả tang. Thế nhưng, trong 3 trường hợp chở trứng thối đi đổ bậy, phường chỉ bắt quả tang 1 trường hợp, 2 trường hợp kia đã bỏ chạy khi thấy lực lượng chức năng.

Với trường hợp bắt quả tang, người này khai nhận đã đổ trộm vỏ và lòng trắng trứng gà, vịt tổng cộng 21 lần. Theo ông Đoàn Phước Lượng, tại các khu dân cư, người dân tự bảo vệ, giữ gìn và ngăn chặn hiệu quả nạn đổ rác trộm. Tuy nhiên, việc ngăn chặn, xử lý nạn đổ rác trộm như trên tại các khu đất trống thuộc phường rất khó khăn.

Đây cũng là vấn đề nan giải của chính quyền quận 2. Theo ông Nguyễn Minh Thọ, Phó Trưởng phòng TN-MT quận 2, nhiều khu đất trống ở quận trở thành bãi chứa đủ loại rác, không chỉ rác từ các công trình xây dựng (xà bần, thạch cao…) mà còn phế phẩm của hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, rác thải từ cơ sở kinh doanh thực phẩm gây ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng.

Về việc ngăn chặn, ông Thọ kể, trước đây tình trạng xe ben chở bùn thải từ các công trình xây dựng đổ trộm trên đất trống ở phường An Phú khá phổ biến. Các xe này xuống dốc cầu Thủ Thiêm (từ quận Bình Thạnh sang) và đổ ào rồi bỏ chạy. Để xử lý, quận lập tổ công tác, có cả CSGT và chốt chặn nhiều ngày nhưng không bắt được trường hợp nào. Tuy nhiên, chỉ trong tích tắc khi tổ công tác rời địa bàn để bàn giao ca thì xảy ra đổ trộm.

Vì vậy, bên cạnh việc tuyên truyền, nhắc nhở người dân trên địa bàn không xả rác bừa bãi, quận cũng đề nghị các chủ dự án phát quang, cắt cỏ, gắn đèn và tổ chức canh gác ở khu vực dự án. Ngoài ra, quận cũng thường xuyên tuyên truyền, dọn dẹp những điểm rác tồn lưu tại khu vực tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, dưới chân cầu Rạch Chiếc… đặt biển cấm tại các điểm nóng về vệ sinh môi trường.

Tin cùng chuyên mục