Những dòng chảy yêu thương, chữa lành

“Hồi trước mình bị mất ngủ triền miên. Nửa năm nay, khi biết đến nhạc của Tùng, từ đó các bản nhạc của anh, đặc biệt là bài Con chim trên cành hát về tình yêu đã giúp mình có được những giấc ngủ ngon. Âm nhạc thực sự là liều thuốc chữa lành, bình yên như thế!”. Nghe chùm nhạc Tree Talks của nghệ sĩ độc lập Nguyễn Bảo Tùng, khán giả Trần Thanh Tâm (TPHCM) chia sẻ.
Bảo Tùng trong dự án âm nhạc chữa lành Tree Talks
Bảo Tùng trong dự án âm nhạc chữa lành Tree Talks

Lan tỏa cảm xúc tích cực 

Tree Talks là những câu chuyện hoài niệm, sẻ chia được kể trong khung cảnh đậm chất thiên nhiên, khi giữa đồng cỏ, rừng cây, lúc bên dòng suối. Những ca khúc tỉ tê kể chuyện đời thường, chuyện tình yêu một cách nhẹ nhàng như Anh có bao nhiêu %, Ở đây lúc này, Mảng đồi trọc, Cuộc hành trình, Sức sống, Xa, Bản đồng ca, Này em ơi, Đủ sâu, Con dế mèn hát vào mùa hè… trong những ngày dịch bệnh ngột ngạt bủa vây đã đến với người nghe, khơi dậy những khoảng trời tự do, trong lành. Nhiều khán giả khẳng định đó là thứ âm nhạc của niềm an ủi, vỗ về. Riêng với Tùng, anh muốn làm dự án tích cực, trước hết cho mình và sau đó lan tỏa đến khán giả. 

Chuyện vào rừng, lên Đà Lạt hát và kể chuyện bằng âm nhạc không mới, nhiều nghệ sĩ vẫn chọn bởi lẽ âm nhạc hòa cùng không gian nơi này luôn mang đến người nghe nhiều xúc cảm tích cực. Mới đây, ca sĩ trẻ Hồng Phi thực hiện series âm nhạc Xin lỗi - Cảm ơn và những ca khúc tràn trề năng lượng chữa lành, như Em ơi, em à; Đời cho ta có mấy khi; Hẹn ước từ hư vô… Hồng Phi chia sẻ: “Giữa cuộc sống nhiều biến cố, liên tiếp những thông tin tồi tệ khiến tinh thần người ta đôi khi kiệt quệ. Nhưng dù mọi chuyện có thế nào thì ai cũng phải sống tiếp. Việc truyền tải năng lượng chữa lành không là những điều to lớn mà đến từ điều đơn giản đang hiện hữu. Âm nhạc là phương thức chữa lành hữu hiệu như thế, hát về những điều nhỏ bé nhưng có sức lay động”.

"Âm nhạc chữa lành không xa lạ với khán giả, nó rất cần thiết vì cuộc sống ngày càng áp lực. Đã có nhiều ca khúc đi đến được tận cùng cảm xúc nơi người nghe, như một người bạn tâm tình, vỗ về họ những lúc chông chênh", ca sĩ Nguyễn Phi Hùng

Từng nghe các ca khúc của Hồng Phi, khán giả Lê Nguyễn Quỳnh Anh (29 tuổi, quận Bình Thạnh, TPHCM) bày tỏ: “Nghe rồi nhớ lại cái ngày mình chia tay, tự nhiên thấy thương bản thân. Những bài hát có ca từ gần gũi và giai điệu ấm áp, làm người ta cứ rơi nước mắt. Nghe nhiều đủ để nhận ra mình cần chọn hướng đi tích cực. Giờ mình tập trung trở thành phiên bản hạnh phúc nhất của chính mình”.

Nhiều dự án tiếp nối

Việc dùng âm nhạc trị liệu, chữa lành từng phát huy tác dụng ở nhiều nước trên thế giới. Thời gian qua, lấy cảm hứng từ thiên nhiên, cuộc sống, một số nghệ sĩ trong nước tích cực thực hiện các dự án âm nhạc theo hướng này. Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh từng dành khá nhiều thời gian cho âm nhạc chữa lành với các album Rừng xưa đã khép, Hòa âm của đại ngàn, Listen or walk, Nụ hôn của biển; nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung có album On the way home (Trên đường về nhà), Heal me; Nguyễn Phi Hùng với Cả một trời yêu thương; Khánh Linh với Khánh Linh’s Journey

Tháng 5 tới đây, dự án Trạm ký gửi nỗi buồn sẽ được ra mắt tại Mây Lang Thang (Đà Lạt). Với các giọng ca Lân Nhã, Tăng Phúc, Ali Hoàng Dương… dự án hy vọng khán giả sẽ ký gửi hết nỗi buồn và ra về với tâm hồn an nhiên hơn. Mới đây, ca sĩ Đình Bảo (nhóm AC&M) giới thiệu dự án âm nhạc chữa lành, dự kiến ra mắt miễn phí từ tháng 6. Đình Bảo đã trải qua khoảng thời gian u tối khi gia đình có đến 60 người mắc Covid-19, bản thân anh cũng chịu những di chứng về sức khỏe, tâm lý. Đó là lý do Đình Bảo tìm đến âm nhạc chữa lành, sẻ chia với khán giả. Theo anh, thông thường với âm nhạc trị liệu, đàn ghi ta và một số nhạc cụ nhỏ được ưu tiên sử dụng vì dễ tiếp cận người bệnh, thậm chí đến tận giường bệnh. Vì tính đại chúng của sản phẩm lần này, nên anh muốn kết hợp hài hòa các loại nhạc cụ, giúp khán giả có thể nghe ở bất kỳ nơi nào.

Dòng nhạc chữa lành còn khá mới mẻ ở thị trường nhạc Việt, lượng khán giả chưa nhiều. Đây là dòng nhạc chủ yếu lấy chất liệu từ thiên nhiên, mô tả thiên nhiên, cuộc sống… mang lại lợi ích về tâm hồn, tinh thần cho người nghe. Ca khúc chữa lành khó để trở thành hit nhưng nói như nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung là có giá trị dài lâu. “Tôi từng kiệt quệ, bế tắc và tôi thực hiện album On the way home, Heal me tự chữa lành cho chính mình. Đó là cảm xúc trong những trải nghiệm tôi đã có, cảm nhận, nhìn thấy và đọc mỗi ngày. Có thể không trở thành hit như nhiều ca khúc khác, nhưng tôi luôn thấy ấm áp vì có nhiều khán giả đã bày tỏ rằng họ ngủ ngon hơn, bình tâm hơn sau khi nghe”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục