Trong nhiều ngôi làng của các miền quê Quảng Bình đã sinh ra những liệt sĩ bảo vệ Trường Sa. Trước khi hy sinh, họ để lại giọt máu cho người vợ tảo tần sớm hôm nuôi nấng, khi con các anh trưởng thành đã viết đơn tình nguyện ra bảo vệ Trường Sa.
Ba cha con cùng bảo vệ Trường Sa
Bên con sông Kiến Giang ở phía tả ngạn là làng Hiển Lộc (Duy Ninh, Quảng Ninh) nổi tiếng với những phong trào yêu nước, lập quốc từ hàng trăm năm nay. Mang trong mình dòng máu đó, làng có người lính hải quân Nguyễn Mậu Phong tình nguyện ra Trường Sa bảo vệ biển đảo Tổ quốc.
Trước khi lên đường, người lính đảo đã làm đám cưới với cô thôn nữ Trần Thị Liễu. Họ sinh hạ hai đứa con trai. Đứa lớn sinh năm 1986 được đặt tên Nguyễn Mậu Trường, đứa nhỏ ra đời cuối năm 1987 có tên là Nguyễn Tiến Xuân. Anh lên đường khi chúng còn đỏ hỏn.
Cuối tháng 3-1988, tàu nước ngoài đã nổ súng vào những con người tuổi ngoài hai mươi trên đảo Gạc-Ma, Colin. Đó là trận chiến không cân sức khi một bên dùng hỏa lực mạnh, một bên giữ đảo bằng tất cả ý chí. Trận chiến đó làm 64 người lính hy sinh, trong đó có liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong. Kỷ vật đồng đội chuyển về hậu phương là chiếc ba lô bạc màu cùng những phong thư người vợ viết và một số cuốn sổ chép tay úa vàng.
Ngày chị Liễu nhận tin báo tử, làng vắng ngắt, mọi người ra đồng. Chị nhìn hai đứa con nhỏ mà nghĩ về những tháng ngày trước mắt mù mịt như gió mùa đông khi nhà không có người đàn ông trụ cột. Đằng đẵng vọng phu nuôi hai đứa con, rau cháo qua ngày. Mỗi ngày, chị thường kể cho con về người cha anh hùng của chúng, kể từ nhà ra ngoài đồng và trong cả lời ru. Hai đứa con của anh lớn lên, nuôi dưỡng một ước ao cháy bỏng, làm sao ra Trường Sa bảo vệ bờ cõi như cha đã làm.
Hai anh em Trường, Xuân cùng viết đơn tình nguyện gửi vào đơn vị của bố họ từng phục vụ, chiến đấu. Lá đơn gửi đi từ tháng 1-2007. Trong đơn, hai anh em viết: “Chúng cháu muốn trở thành người lính như ba cháu, được xung phong nơi đầu sóng ngọn gió để bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc...”. Cuối năm đó, anh trai của Xuân được gọi nhập ngũ theo đúng nguyện vọng và làm nhiệm vụ tại đảo Nam Yết.
Riêng Nguyễn Tiến Xuân trở thành sinh viên Học viện Hải quân đóng tại tỉnh Khánh Hòa. Ngày hai con lên đường, chị Liễu đi bộ mấy cây số tiễn chúng. Chị ôm chúng, xoa đầu, dặn dò phải lễ phép, sống thuận hòa với anh em. Xe chuyển quân lăn bánh, chị quay mặt khóc không để hai đứa con biết.
Bên lũy tre làng ngã bóng, người đàn bà tảo tần ấy có ba người đàn ông là chồng con đều tình nguyện ra với Trường Sa bảo vệ biển đảo quê hương để lại căn nhà trống không, vò võ một mình như hòn vọng phu hóa đá. Khổ cực bao nhiêu chị cũng vượt qua để tỏ một ý chí không sờn lòng về cách yêu nước thương nòi bằng việc gạt nước mắt cho chồng con lên đường.
Sau nhiều năm học tập, Xuân đã lên đường ra Trường Sa thực tập. Em mang theo bó hoa huệ với tâm sự: “Con đã đến với Trường Sa, nơi mà ba đã hy sinh, con đã là đồng đội của ba. Ở nhà, mẹ vẫn nhớ ba”. Trước mênh mông bể cả, Xuân tự hứa, một ngày nào đó sẽ đưa mẹ ra Trường Sa để “đoàn tụ” với người cha của mình, để giới thiệu với những người đồng đội của cha mình đã hóa thân vào sóng nước biển Đông người mẹ nuôi con khôn lớn gửi chúng ra bảo vệ Trường Sa.
Đứa con của người anh hùng
Trong đợt hy sinh với liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong có liệt sĩ Trần Văn Phương ở làng cát Đơn Sa, Quảng Phúc, Quảng Trạch. Vợ anh là chị Mai Thị Hóa. Ngày anh mất, giấy báo tử đưa về, chị đang mang thai đứa con gái duy nhất của họ. Con gái được chị đặt tên Trần Thị Thủy.
Sống trên cát, cực nhọc sớm hôm, chị tần tảo nuôi con vào đại học. Thủy chỉ biết ba qua những bức thư mẹ nhận và hình ảnh úa vàng khi anh Phương chưa nhập ngũ. Càng lớn, Thủy càng thấy hai chữ Trường Sa thân thương lạ kỳ. Và ngày tốt nghiệp ra trường, Thủy nói với mẹ sẽ viết đơn xin vào đơn vị của bố. Chị không do dự, đồng ý trong ngấn lệ. Bởi chị biết Thủy đã trưởng thành.
Đơn tình nguyện Thủy viết: “Cháu muốn tiếp bước người cha của cháu đã bảo vệ Trường Sa đến hơi thở cuối cùng…”. Và thật vinh hạnh, tháng 10-2009, em được nhận vào làm việc tại UBND huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Thủy kể: “Lớn lên nghe mẹ kể ba hy sinh ở Trường Sa, em nung nấu một ngày nào đó ra nơi ba nằm xuống. Đó là điều mà em thường ước từ nhỏ”.
Và lá đơn em viết được hồi âm, Thủy được tiếp nhận công tác tại UBND huyện đảo Trường Sa. Được sống nơi ngày xưa cha em công tác, những lúc rỗi, Thủy lại sang đơn vị của bố, xem nhiều hình ảnh bố và đồng đội chiến đấu bảo vệ đảo.
Câu nói của cha Thủy: “Thà hy sinh chứ không thể mất đảo” vẫn còn đó. Rồi vẫn còn đó bức tranh thật lớn vẽ lại cảnh cha nắm chặt lá cờ Tổ quốc trong tay. Xem lại hình ảnh đó, trong Thủy lớn lên ước mong trở thành người lính hải quân. Và ước nguyện của em thành hiện thực, nay Thủy được công tác tại Lữ đoàn 146, trở thành đồng đội của cha. Đó là niềm tự hào to lớn.
Minh Phong