Trong ánh lửa bập bùng bên dòng thác A Nô hùng vĩ, đêm văn nghệ với những bài ca, điệu múa đặc sắc của người Pa Kô ở núi rừng Trường Sơn cất lên. Tất cả thành viên đội văn nghệ của xã Hồng Kim, huyện A Lưới (Thừa Thiên-Huế) đều là những người già, cựu chiến binh của làng. Họ đã tập hợp nhau lại nhằm lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của người Pa Kô cho con cháu đời sau.
Tiếng lòng giữa đại ngàn
Có thể nói đây là đội văn nghệ có một không hai ở huyện vùng cao A Lưới. Trời nhá nhem tối, cũng là lúc cả đội văn nghệ với trang phục truyền thống tập trung đông đủ tại nhà già làng Hồ Zúi cùng các nhạc cụ khèn, tù và, trống, thanh la, gùi, lá rừng... Đêm dần xuống, ở miền cao A Lưới gió núi se lạnh, vậy nhưng cả đội văn nghệ ai nấy đều háo hức vì đây là buổi biểu diễn phục vụ cho các o, các chú ở dưới xuôi lên xem.
Già làng Hồ Zúi ghé tai nói nhỏ: “Vừa từ nương, từ rẫy trở về... bà con tranh thủ đi ngay đấy!”. Đội gồm 14 người; 5 nam, 9 nữ, người lớn nhất 80 tuổi, người trẻ nhất cũng đã gần tuổi 60. Toàn đội văn nghệ tập trung giữa sàn nhà, người chơi khèn, người đánh khiên, đánh trống...
Trong ánh lửa bập bùng, đêm văn nghệ bắt đầu với những bài ca, điệu múa đặc sắc của người Pa Kô như: Nói với nhau, Ta ria, A dưa, A moi lư ti cui cách mạng, Chat ti rĩa, Kăn A Kết... Nhóm phụ nữ khi múa gùi, khi ngồi thành vòng tròn vừa vỗ tay vừa hát theo điệu nhạc... Già Quỳnh Liên bắt nhịp cho mọi người cùng hát bài A moi lư ti cui cách mạng. Già bảo rằng, đó là bài hát thương nhớ người cách mạng. Đội văn nghệ toàn cựu chiến binh, nên ai cũng thuộc bài này. Ngày xưa, mỗi lần đón bộ đội về nhà hay tiễn bộ đội lên rừng, đồng bào mình đều hát bài ấy.
Cứ bắt đầu mỗi tiết mục, già Kăn Nết giới thiệu nội dung bài hát, điệu múa. Tiếng trống, tiếng khèn rộn rã, thu hút cả đám trẻ con trong làng đến xem, chúng quây quần bên căn nhà sàn, sung sướng hát theo, múa theo.
Đêm càng về khuya trên dãy Trường Sơn trời càng lạnh. Nhưng với mọi người ở đây dường như cái lạnh đã bị xua tan bởi ánh lửa bập bùng, tiếng hát, lời ca, tiếng cười vang vọng giữa đất trời... Cả đội văn nghệ ai cũng đắm say trong các làn điệu nhạc truyền thống.
Buổi văn nghệ kết thúc, các già quây quần bên ché rượu cần đầm ấm. Những câu chuyện về nương rẫy, về cuộc sống của người Pa Kô được mang ra bàn tán thật rôm rả.
Giữ cho muôn đời sau
Đội văn nghệ của làng A Nô ra đời từ ý tưởng của già làng Quỳnh Liên. Già Quỳnh Liên cũng được các già tín nhiệm bầu làm đội trưởng. Mỗi tháng, một hội viên đóng góp 20.000 đồng làm chi phí sinh hoạt. Già Quỳnh Liên nhiều lần tham gia biểu diễn văn nghệ truyền thống của các dân tộc vùng cao ở thành phố Huế, Quảng Bình... nên những cái hay học hỏi được đem về bày cho anh em. Còn già Kăn Nết, ngày xưa là thành viên đội văn nghệ xã Hồng Kim, nay lại mang hết những kinh nghiệm của mình truyền lại cho đội văn nghệ già của làng A Nô. Bởi vậy, không ít đoàn du khách đi dọc đường Hồ Chí Minh đã dừng chân ghé lại làng A Nô và thưởng thức đêm văn nghệ của các già làng.
Những ngày lễ, ngày xuân hay những đêm có khách đến, các thành viên đội văn nghệ mặc trang phục truyền thống, phụ nữ mang theo nhiều đồ trang sức, vòng mã não... biểu diễn. Nhiều bài hát, điệu múa truyền thống từ xưa của bà con vùng cao A Lưới được các già “dàn dựng” và trình diễn cho lớp trẻ xem như: múa lễ hội đâm trâu, mừng lúa mới, múa thầy bói, hát cha chấp…
Già Quỳnh Liên tâm sự: “Phong trào ca hát của người già thôn mình đã gần ba năm nay rồi, vui lắm, ai cũng thích. Không chỉ sinh hoạt vào tối thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, vào ngày lễ truyền thống của đồng bào mình hoặc ngày lễ lớn của đất nước là đội văn nghệ già của làng A Nô lại tập hợp biểu diễn, những lúc đó có cả lớp trẻ tham gia. Đội cố giữ lại bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Chính vì vậy, lớp trẻ của làng A Nô này đã không quên những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Pa Kô mình...”.
Phan Lê