Những giải pháp xanh vì môi trường

Đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng chất thải, biến chất thải thành những nguyên liệu, sản phẩm có ích đang là xu hướng phát triển tất yếu hiện nay. Các giải pháp này góp phần tiết kiệm tài nguyên và giảm rất nhiều rác thải ra môi trường. Đã đến lúc, Việt Nam tận dụng lợi ích của chất thải để giảm gánh nặng xử lý. 

Đốt rác phát điện

Gia tăng dân số nhanh chóng cùng với sự tăng trưởng các ngành kinh tế công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, nông nghiệp và làng nghề... đã làm phát sinh chất thải ngày càng lớn với thành phần ngày càng phức tạp.

Theo thống kê của Tổng cục Môi trường, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên cả nước khoảng 61.000 tấn/ngày, trong đó khối lượng phát sinh tại khu vực nông thôn là 24.000 tấn/ngày. Lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh hàng năm khoảng 25 triệu tấn. Chất thải rắn công nghiệp phát sinh từ các ngành như sản xuất giấy, nhiệt điện than, hóa chất, phân bón.... Đối với chất thải nguy hại, lượng phát sinh trên toàn quốc ước tính khoảng 800.000 tấn/năm.

Vì lượng chất thải rắn gia tăng như vậy, chúng ta cần có biện pháp quản lý đồng bộ từ quá trình phát sinh, giảm thiểu, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý, tiêu hủy. Trong đó, việc xây dựng chính sách biến chất thải thành tài nguyên là rất cần thiết.

Những giải pháp xanh vì môi trường ảnh 1 Một hệ thống chuyển hóa rác thành khí để chạy máy phát điện tại quận Bình Tân, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Xu hướng đốt rác phát điện đang là giải pháp tối ưu của thế giới trong việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay. Công nghệ này vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa giúp thu hồi năng lượng đã và đang được sử dụng rộng rãi tại các nước châu Âu, Nhật Bản... 

Để xử lý khoảng 12.000 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày, TPHCM đã khởi công 4 dự án: Nhà máy Xử chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt rác phát điện 2.000 tấn/ngày của Công ty CP Vietstar; Nhà máy Công nghệ đốt rác phát điện 2.000 tấn/ngày của Công ty CP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa; Nhà máy Xử lý và tái chế chất thải công nghiệp - chất thải nguy hại công suất 500 tấn/ngày của Công ty CP Kho vận giao nhận ngoại thương Mộc An Châu; Cụm nhà máy Xử lý chất thải rắn sinh hoạt 500 tấn/ngày, chất thải công nghiệp 500 tấn/ngày, chất thải nguy hại 120 tấn/ngày của Công ty CP Môi trường Tasco Củ Chi. Các nhà máy này đều dự kiến sẽ vận hành vào cuối năm 2020. 

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết, hiện trung bình mỗi ngày TPHCM phát sinh khoảng 9.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Cao điểm có thể đến 11.000 - 12.000 tấn/ngày. Thành phố còn phải tiếp nhận thêm 4.000 tấn chất thải công nghiệp, 350 - 400 tấn chất thải nguy hại. Do đó, việc triển khai các nhà máy xử lý chất thải đồng bộ theo hướng áp dụng các công nghệ xử lý tiên tiến, sẽ góp phần giảm nguy cơ ô nhiễm thứ phát từ nước rỉ rác của các bãi chôn lấp rác thải, khi quỹ đất đang thiếu.

Tái sinh vòng đời cho rác thải

Cũng theo ông Nguyễn Toàn Thắng, chính phủ đã và đang kêu gọi các doanh nghiệp đẩy mạnh tái chế rác thải vừa tiết kiệm tài nguyên, chi phí sản xuất, vừa giảm lượng rác thải ra môi trường. Do đó, không dừng lại ở công nghệ đốt rác phát điện mà nhiều doanh nghiệp còn đang đẩy mạnh tái chế chất thải thành những sản phẩm, nguyên liệu phục vụ đời sống con người. 

Đại diện Công ty Dow Việt Nam cho biết, công ty đã và đang đẩy mạnh nghiên cứu tái chế rác thải nhựa để làm đường giao thông. Hiện công ty đã thí nghiệm thực hiện được khoảng 1,4km đường ở Khu công nghiệp Hải Phòng. Theo đó, rác thải nhựa được làm sạch, phơi khô và nghiền nhỏ, làm nóng ở 150 - 180°C để nóng chảy. Sau đó, hòa với nhựa đường, trộn với vật liệu cốt.

Theo kết quả nghiên cứu, các thông số kỹ thuật của mẫu bê tông có trộn phế thải nhựa đạt tiêu chuẩn Việt Nam TCVN: 8860 với một số tiêu chí có phần tốt hơn. Để hoàn thành 1,4km đường, sẽ phải chuyển hóa tổng cộng 6,5 tấn rác thải phế thải (tương đương hơn 1,7 triệu bao bì nhựa dẻo).

Như vậy, thay vì thải ra môi trường, số lượng 6,5 tấn rác thải nhựa này đã trở thành nguồn tài nguyên mới. Trong thời gian tới, mô hình này sẽ được công ty nhân rộng ra các địa phương.  

Ông Jeffrey Fielkow, Giám đốc Điều hành Công ty Tetra Pak Việt Nam, cũng cho biết, nền kinh tế tuần hoàn là một khái niệm được hiểu thông qua một chu trình sản xuất khép kín. Các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người. Công ty đã đầu tư 17 triệu EUR vào cơ sở hạ tầng cho việc tái chế và tăng cường hợp tác từ 40 công ty tái chế lên đến 160 công ty tái chế.

Tetra Pak Việt Nam cũng đang sử dụng 50% năng lượng từ nguồn năng lượng tái tạo. Với tốc độ này, có thể hoàn thành mục tiêu sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2030. Công ty còn phối hợp nhiều đơn vị, tổ chức liên quan thực hiện quy trình thu gom và tái chế vỏ hộp sữa, nước giải khát các loại sau sử dụng. Ước tính công ty thu gom và tái chế khoảng 4/10 vỏ hộp sữa, nước giải khát các loại sau sử dụng.

Theo nghiên cứu cửa Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM, xu hướng áp dụng công nghệ tiên tiến để đẩy mạnh công tác tái chế rác đang được các nước đặc biệt quan tâm. Đây cũng là xu hướng phát triển chủ đạo trong thời gian tới. Tái chế rác thải không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn đem lại lợi ích về kinh tế. Chúng làm giảm sự phụ thuộc của con người vào việc khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt. Bên cạnh đó, việc tái chế rác còn giúp chúng ta thu hồi các loại nguyên liệu như nhựa, giấy, kim loại; tránh lãng phí tài nguyên, ngăn ngừa được sự ô nhiễm. PGS-TS Hồ Thị Thanh Vân khẳng định, khi tái chế chất thải, nghĩa là chúng ta đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm. Là nhân tố quan trọng của xã hội, chúng ta cần nhận thức vai trò quan trọng của mình trong việc bảo vệ môi trường. Hãy để rác thải có cơ hội đóng góp cho cuộc sống thêm xanh. 

Tin cùng chuyên mục