Với khao khát thực hiện mơ ước hàng chục năm qua của người dân quê mình, cây cầu bạc tỷ bắc qua kênh Nguyễn Văn Tiếp A (tuyến kênh do Trung ương quản lý) vừa hoàn thành do một số nông dân ngụ ấp Mỹ Tây 1, xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười tỉnh Đồng Tháp đóng góp.
“Thời điểm chín muồi”
Từ tỉnh lộ 847 vào các ấp Mỹ Phước 1, Mỹ Phước 2, Mỹ Tây 3… thuộc xã Mỹ Quý lúc này giờ chỉ cần “túc tắc” mấy bước qua cây cầu dây bạc tỷ là đến. Cách nay không lâu, người dân ấp Mỹ Phước 1 và một số ấp trong xã muốn sang chợ Mỹ Quý, đến UBND xã Mỹ Quý hoặc đi Cao Lãnh… chỉ có cách duy nhất là qua đò. Dòng kênh Nguyễn Văn Tiếp A đã cho họ nguồn nước tưới tiêu sản xuất nông nghiệp, tháo chua rửa phèn, lưu thông hàng hóa nhưng cũng ngăn cách đôi bờ. Bà con Mỹ Phước 1 vẫn hay nói “gần nhà mà xa cửa ngõ” là vậy.
“Từ trước tới giờ, muốn đi từ bên đây (ấp Mỹ Phước 1) sang bên kia (ấp Mỹ Tây 1, xã Mỹ Quý) nếu không đi đò thì phải đi vòng qua thị trấn Mỹ An, rồi mới chạy ngược lên xã Mỹ Quý. Quãng đường xa hàng chục cây số”, bà Nguyễn Thị Rợ, (ấp Mỹ Phước 1) kể.
Con đò ngang tròng trành ấy những hôm gặp mưa to gió lớn luôn kèm theo nỗi lo sợ của người sang sông. Ý tưởng về một cây cầu được vài người nghĩ đến nhưng chưa ai dám làm.
Ông Võ Văn Đức, ngụ ấp Mỹ Phước 1, xã Mỹ Quý (Tháp Mười), cho biết: “Mỗi buổi sáng, người dân và học sinh lại chịu cảnh kẹt đò; rồi khi bệnh hoạn, ốm đau, bà con cũng phải “gọi đò”. Khó nhất là vào buổi tối, ngoài thời gian quy định hoạt động thì giá đò “vô giá”, có khi người dân phải trả hàng chục ngàn đồng để qua được bên kia sông”. Đã bao đời, người dân nơi đây khao khát có một cây cầu. Chờ đợi và chờ đợi… rồi thời điểm cũng “chín muồi”. Một ngày cuối năm 2012, nông dân Võ Văn Đức đã khởi xướng “dự án” xây cầu và mọi sự bắt đầu từ đó…
“Vạch xong kế hoạch, chúng tôi ai vào việc nấy. Ông Đức là người huy động vốn, là “chủ đầu tư” phụ trách về kinh tế; ông Bùi Minh Thành (cậu ruột ông Đức) “chỉ huy trưởng công trình”; còn tui phụ trách đi mua vật liệu xây dựng, mượn máy móc thiết bị; các thủ tục giấy tờ hành chính lo việc hợp pháp hóa xây cầu thì nhờ ở xã, huyện giúp đỡ…”, ông Phạm Vĩnh Cao Phong (ấp Mỹ Tây 1), cho hay.
Mất mấy tháng để những chú “Hai lúa” chuẩn bị các công việc đã đề ra, thuận lợi cũng nhiều nhưng khó khăn cũng không ít, người dân cả xã Mỹ Quý dõi theo từng việc làm của họ. Khổ nhất ở khâu đóng trụ cầu, bởi kênh vừa mới được nạo vét, đất lòng sông rất cứng. Trong khi phương tiện thi công cầu quá thô sơ, chủ yếu phải làm thủ công. Vuốt mồ hôi lã chã trên trán, ông Võ Văn Đức thú thật: “Dù có tìm hiểu nhưng bản chất của chúng tôi là nông dân. Trong lĩnh vực không chuyên sao có thể làm một lần suôn sẻ được, vấn đề là cuối cùng chiếc cầu cũng đã hoàn thành”.
Sức mạnh tập thể
Khi được hỏi là nông dân thứ thiệt thì tiền đâu để đi làm cái việc “bao đồng” này?, ông Đức cười xòa: “Tiền ấy à, của bản thân và vận động một số anh em giúp sức”. Ông Đức góp 300 triệu đồng; gia đình ông, bà Sáu Lệnh (bà ngoại ông Đức) ủng hộ 500 triệu đồng; bà Võ Thị Mỹ Dung (bà con bên nội ông Đức) ủng hộ 200 triệu đồng. Tổng số tiền ông Đức huy động được trên 1 tỷ đồng.
Hưởng ứng việc làm của ông Đức, người dân trong và ngoài địa phương cũng tự nguyện ủng hộ thêm, nâng tổng số tiền lên gần 1,2 tỷ đồng. Nhân lực, vật lực chuẩn bị sẵn sàng, đúng ngày Giỗ tổ Hùng Vương, mùng 10-3-2013 (âm lịch), cây cầu dây văng được khởi công xây dựng.
“Theo kế hoạch, chúng tôi cần sự hỗ trợ của 20 - 30 lao động/ngày. Bắt tay vào xây cầu, bà con rỉ tai truyền nhau, có hàng trăm người tự nguyện đến tham gia làm cầu. Tôi thật sự rất vui vì sự ủng hộ nhiệt tình của bà con”, ông Đức chia sẻ.
Cây cầu được xây dựng từ sự huy động tổng lực nhiều nguồn, đóng góp bằng nhiều hình thức của nhân dân. Từ người giàu đến người nghèo, từ người trẻ đến người già đều muốn góp sức làm cầu. Chị Phấn, chị Vân (ấp Mỹ Tây 1); ông Tư Lợi chủ lò bánh mì, chị Nhung bán bánh mì (chợ Mỹ Quý)… nhiều lần hỗ trợ bữa ăn sáng cho đội quân xây cầu hơn 100 người. Rồi bà Nguyễn Thị Hồng Lạc (ấp Mỹ Tây 1) là “bếp trưởng” phục vụ cơm nước cho anh em lao động.
Còn ông Bùi Minh Thành “hy sinh” 6 phòng nhà trọ mình để có chỗ ở cho những người từ xa đến hỗ trợ làm cầu. Đặc biệt có ông Năm Trí ở tận xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang nhưng suốt thời gian làm cầu, ông chưa một ngày vắng mặt… Nhờ vậy nên chỉ trong 22 ngày, cây cầu đã nối liền đôi bờ cho dân cư qua lại.
“Nếu đến đây vào ngày chúng tôi thông cầu và tận mắt nhìn thấy cảnh già trẻ, gái trai ôm nhau nhảy múa, hạnh phúc ứa cả nước mắt thì các anh mới hiểu hết được việc chúng tôi làm”, ông Phạm Vĩnh Cao Phong thổ lộ. Sống cả đời người, ước mơ của bà Chín Long (85 tuổi), ở ấp Mỹ Phước 1, giờ mới được thực hiện. Bà chia sẻ: “Có cầu bắc qua sông, tôi mừng quá! Cho tôi đi qua cây cầu rồi tôi chết cũng chịu”. Còn ông Đỗ Phi Hùng đã 70 tuổi nhưng vẫn cần mẫn tham gia bắc cầu mỗi ngày. “Ban ngày phụ làm cầu, ban đêm nằm nghĩ đến cây cầu mà thấy vui thấy mừng đến không ngủ được”, ông Hùng bộc bạch.
Bà Hồ Thị Thắm, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Quý, tấm tắc khen: “Ngay từ đầu nghe ý tưởng, xã đã hết sức tán thành, ủng hộ và tạo điều kiện để các chú nông dân có thể tiếp xúc, xin ý kiến các cấp, các ngành liên quan hỗ trợ về một số mặt kỹ thuật vì công trình bắc qua tuyến kênh do Trung ương quản lý và cuối cùng cây cầu hoàn thành đã giải quyết được nhu cầu đi lại vốn hết sức bức xúc của người dân trong nhiều năm qua”. Cầu đã có và người đã sang, từ nay chấm dứt cảnh ngăn sông cách đò, đáp ứng được ước vọng bao đời của người dân nơi đây.
“Khi bắc chiếc cầu này, chúng tôi không đặt nặng vấn đề kinh tế mà chỉ mong giúp được bà con phần nào trong việc đi lại. Nhìn người dân phấn khởi, trẻ em đến trường an toàn là chúng tôi vui rồi”, ông Võ Văn Đức bày tỏ.
| |
HỒNG NGỰ