
Thời gian qua, để chống ùn tắc giao thông nội thị, Sở Giao thông Công chính TPHCM đã nỗ lực thực hiện nhiều dự án xây dựng phân lại luồng tuyến giao thông. Tuy nhiên, khi đưa các công trình này vào hoạt động đã bộc lộ nhiều sai sót. Ngân sách thành phố tốn hàng tỷ đồng xây dựng phân luồng mà giao thông vẫn cứ ùn tắc và tai nạn vẫn xảy ra thường xuyên.
Phân luồng mà vẫn ùn tắc

Tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, đoạn từ vòng xoay Hàng Xanh đến Đài Liệt sĩ P.25 Q.Bình Thạnh, thường xuyên bị ùn tắc giao thông.
Từ khi cầu Bình Triệu 2 được đưa vào sử dụng, tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh) đã được phân luồng giao thông 1 chiều, hướng từ vòng xoay Hàng Xanh qua cầu Bình Triệu 1; hướng lưu thông ngược lại từ cầu Bình Triệu 2 qua đường Đinh Bộ Lĩnh về ngã tư Bạch Đằng. Cứ tưởng việc phân luồng giao thông này sẽ giải quyết triệt để nạn kẹt xe cho khu vực này nhưng trong thực tế, cả 2 tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (đoạn Đài liệt sĩ) và Đinh Bộ Lĩnh thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm cả sáng lẫn chiều.
Vụ ùn tắc giao thông xảy ra lúc 17 giờ 30 ngày 3-4-2007 kéo dài từ Đài liệt sĩ đến vòng xoay Hàng Xanh đã khiến cho giao thông từ TPHCM về tỉnh Bình Dương (qua cầu Bình Triệu) bị tê liệt hoàn toàn trong 2 giờ liền. Do kẹt xe kéo dài nên nhiều xe đi từ Hàng Xanh về cầu Bình Triệu phải xếp hàng chắn ngang vòng xoay Hàng Xanh làm cho các phương tiện lưu thông trên đường Điện Biên Phủ về cầu Sài Gòn và ngược lại bị ùn tắc. Chứng kiến tại hiện trường hôm đó, chúng tôi thấy nhiều xe buýt, xe du lịch và xe 2 bánh đã quay đầu xe chạy về hướng cầu Văn Thánh, mong qua đường D2 về đường Ung Văn Kiêm để ra quốc lộ 13 nhưng vô vọng. Tuyến đường D2 giao với đường Ung Văn Khiêm cũng kẹt cứng xe, các tuyến hẻm cũng bị nêm chặt bởi xe gắn máy.
Trái với khu vực ngã tư Đài liệt sĩ thường ùn tắc giao thông vào buổi chiều, trên tuyến đường Đinh Bộ Lĩnh, ùn tắc giao thông luôn xảy ra vào lúc sáng. Chị Bích Hồng, nhà ở lô 4 cư xá Thanh Đa cho biết, sáng nào cũng vậy, dòng xe từ Bình Dương, ngoại ô theo quốc lộ 13 ùn ùn kéo vào thành phố quá nhiều làm cho giao thông khu vực ngã tư Đinh Bộ Lĩnh - Bạch Đằng bị quá tải. Các xe thường xếp hàng dày đặc từ cầu Đinh Bộ Lĩnh đến ngã tư giao với đường Bạch Đằng. “Có hôm chờ đèn xanh rồi đến đỏ, đỏ lại đến xanh đến 5 - 6 lần mà vẫn chưa đến được ngã tư để thoát qua đường Bạch Đằng để đi làm” - chị Hồng than vãn.
Theo hiện trạng, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh hướng về cầu Kinh Thanh Đa bị thắt cổ chai một đoạn dài 100m ngay tại ngã tư Đài liệt sĩ đã làm dồn ứ các phương tiện tham gia giao thông. Nhiều năm qua, người dân đề nghị giải tỏa hàng quán lụp xụp lấn chiếm lòng đường để mở rộng nút cổ chai này nhưng đến nay tình hình vẫn không đổi. Tương tự, tuyến đường Nguyễn Xí, Ung Văn Khiêm bị lấn chiếm không còn vỉa hè, đường hẹp nên các xe trên tuyến đường này không thoát kịp mỗi khi có đèn xanh bật lên. Dòng xe trên đường Nguyễn Xí qua Ung Văn Khiêm thường chặn ngang tuyến đường một chiều Xô Viết Nghệ Tĩnh. Đây làø một trong những nguyên nhân chính góp phần làm tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên hơn. Tương tự, tuyến đường Đinh Bộ Lĩnh cũng thường xuyên bị kẹt xe do thời lượng mở đèn giao thông chưa hợp lý. Xe trên tuyến đường Bạch Đằng không nhiều nhưng thời lượng mở đèn xanh lại nhiều hơn phía đường Đinh Bộ Lĩnh. Vì vậy, tuyến đường Đinh Bộ Lĩnh luôn bị dồn ứ xe kéo dài.
Lắp đặt đèn đỏ trên cầu: tai nạn khôn lường!

Bị kẹt xe rất lâu trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, một số người phải khiêng xe qua dải phân cách để tìm lối thoát. Ảnh: SONG PHA
Dốc cầu là nơi nguy hiểm vì xe dễ bị tuột thắng nên đường giao cắt ngang dốc cầu cũng thường được bố trí nằm dưới dạ cầu. Tuy nhiên, công trình xây dựng cầu đường Nguyễn Tri Phương và cầu Chánh Hưng nối quận 5 và quận 8 đã không tuân thủ quy tắc này nên từ khi công trình đưa vào sử dụng (năm 2003), tình hình giao thông tại đây trở nên lộn xộn, tai nạn thường xuyên xảy ra. Để giải quyết tình trạng này, Sở GTCC có “sáng kiến” cho lắp đặt đèn tín hiệu giao thông trên cầu với mong muốn trật tự giao thông tại khu vực giao lộ này sẽ tốt hơn.
Tuy nhiên, thực tế diễn biến theo hướng tệ hơn. Vì xe từ trên cầu Chánh Hưng vừa đổ dốc thì gặp ngay ngã tư đường Phạm Hùng - Hưng Phú, do dốc cầu quá cao nên các phương tiện rất khó dừng lại khi gặp đèn đỏ. Anh Hoàng thợ sửa xe góc ngã tư này (nhà số 628 Hưng Phú P10 Q8) cho biết, từ khi lắp đặt đèn tín hiệu giao thông trên cầu đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông làm chết người và bị thương. Đáng nhớ nhất là vụ xe tải nặng chở nhựa đường đang đổ dốc cầu do gặp đèn đỏ thắng gấp bị lật ngửa, trôi dài xuống giao lộ. Nhiều vụ ô tô tuột thắng đè bẹp hàng loạt xe máy đang dừng đèn đỏ trên dốc cầu...
Trước khi xây dựng, nhiều nhà chuyên môn cùng có ý kiến thay vì xây hai nên làm hẳn một chiếc cầu nối liền quận 5 và quận 8, nhưng đề xuất này bị gạt bỏ. Có ý kiến nên làm vòng xoay khu vực giữa 2 cầu để điều hòa dòng giao thông mà không cần lắp đặt đèn đỏ nhưng chưa được Sở GTCC trả lời. Tương tự, các cây cầu vừa mới xây như Phạm Văn Chí (Q6), đèn tín hiệu giao thông đặt ngay 2 đầu cầu. Một bên đầu cầu giao với đường Nguyễn Văn Luông còn đầu bên kia giao với đường Lò Gốm tạo nên nút giao cắt giao thông nguy hiểm.
TRẦN THANH