Những mặt trận cuối cùng của Nhà Trắng

Thông tin về việc CHDCND Triều Tiên nộp báo cáo về tiến trình giải giáp hạt nhân và phá hủy tháp làm nguội tại cơ sở hạt nhân ở Yongbyong cũng như việc Mỹ tuyên bố sẽ nới lỏng cấm vận nước này và cam kết đưa CHDCND Triều Tiên ra khỏi danh sách các nước “bảo trợ khủng bố” đã cho thấy một tín hiệu lạc quan sau nhiều năm căng thẳng giữa hai nước.

Bằng bước đi mang tính bước ngoặt này, Tổng thống Mỹ George W. Bush muốn trước khi rời Nhà Trắng đem theo một thắng lợi về ngoại giao. Trên nguyên tắc, Nhà Trắng có thể hủy bỏ  tất cả tuyên bố tích cực họ đã đưa ra với CHDCND Triều Tiên nếu không xác minh được thực chất bản báo cáo hạt nhân của CHDCND Triều Tiên trong vòng 45 ngày tới. Thế nhưng, theo các nhà phân tích, nếu chưa có cơ sở nào đáng tin cậy, Tổng thống Bush đã không đưa ra các tuyên bố như vậy.

CHDCND Triều Tiên có thể được xem là một trong 3 mặt trận ngoại giao mà ông Bush đang tập trung vào để phần nào lấy lại uy tín cho đảng Cộng hòa trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11. Mặt trận thứ hai là tiến trình hòa bình Trung Đông. Hiện nay ngoài yếu tố tích cực là hiệp định ngừng bắn giữa Israel với Hamas, tiến trình đàm phán về một nhà nước

Palestine độc lập vẫn đang bế tắc. Mặt trận còn lại là sức ép với Iran. Nếu như ở hai mặt trận kia, yếu tố đàm phán áp đảo yếu tố dùng vũ lực thì mặt trận Iran ở chiều hướng ngược lại. Từ nhiều tuần qua, báo chí Mỹ cho biết Israel đang diễn tập quân sự như thể chuẩn bị tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran. Có thể Mỹ không trực tiếp tấn công Iran nhưng sẽ bật đèn xanh để Israel tấn công Iran. Các chuyến đi gần đây của các tướng lĩnh Mỹ tới Israel là một tín hiệu lạ.

Mỹ hy vọng chỉ cần một cuộc không kích ngắn của Israel vào các địa điểm hạt nhân của Iran là đủ tạo ra một chiến thắng cho Israel và có thể giúp thêm điểm cho đảng Cộng hòa, cụ thể là ứng viên Tổng thống John McCain. Ai cũng biết rằng chính trường Mỹ chịu sự chi phối lớn như thế nào từ các nhà tư bản gốc Do Thái. Tuy nhiên, trong lúc vấn đề Iraq và Afghanistan còn đang rất phức tạp, thêm một cuộc tấn công (dù là gián tiếp) vào Iran cũng sẽ đẩy nước Mỹ vào thế kẹt. Ngoài ra, mặt trận Iran mang yếu tố rủi ro nhiều nhất ở chỗ nó có thể đẩy giá dầu thế giới tăng cao và khó lường trước hậu quả nếu Iran trả đũa. Do đó, mặt trận Iran có thể là sự lựa chọn cuối cùng.

Như vậy, có thể thấy mặt trận CHDCND Triều Tiên là có nhiều triển vọng nhất, ít nhất là trong giai đoạn hiện tại. Cũng cần nhấn mạnh là CHDCND Triều Tiên đang trong giai đoạn cần đón nhận tài trợ hơn bao giờ hết khi mà giá thực phẩm thế giới đang ngày càng tăng cao trong bối cảnh nước này gánh chịu thiên tai triền miên.

Vũ Minh

Tin cùng chuyên mục