Đồng chí Lê Đức Thọ là nhà lãnh đạo tài năng thuộc lớp đảng viên đầu tiên của Đảng và là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong hơn 60 năm hoạt động cách mạng đầy sóng gió từ khi trở thành đảng viên cộng sản năm 18 tuổi (năm 1929), đến khi từ biệt thế giới này (năm 1990), đồng chí Lê Đức Thọ đã đem hết tâm sức, tài năng và trí tuệ của mình cống hiến cho sự nghiệp vẻ vang của Đảng và nhân dân. Tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí gắn liền với các giai đoạn của cách mạng Việt Nam, gắn liền với những thành quả cách mạng vĩ đại của dân tộc, trong đó có sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
1. Thời gian hoạt động tại Nam bộ từ năm 1948 đến 1955, đồng chí Lê Đức Thọ có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác xây dựng, phát triển Đảng. Một yếu tố thành công trong công tác xây dựng, phát triển Đảng tại Nam bộ chính là tình đoàn kết gắn bó keo sơn giữa đồng chí Lê Đức Thọ với các đồng chí trong Xứ ủy Nam bộ lúc đó, đứng đầu là đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy. Đồng chí Lê Duẩn và đồng chí Lê Đức Thọ đã cộng tác, hợp tác với nhau rất chặt chẽ, là gương sáng cho toàn thể Đảng bộ Nam bộ noi theo.
Tình hình Nam bộ lúc đó đặt ra nhiều vấn đề. Sau Nam kỳ khởi nghĩa, Đảng bộ Nam bộ bị tổn thất nặng nề. Nhiều cán bộ ưu tú của Đảng bị địch bắn giết, tù đày... Cách mạng Tháng Tám năm 1945 bùng nổ, nhân dân Nam bộ dưới sự lãnh đạo của Đảng, giành được chính quyền. Chưa đầy một tháng, thực dân Pháp đã gây hấn trở lại, buộc nhân dân Nam bộ phải tiến hành cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, đi trước, về sau.
Tất cả đều được xây dựng từ đầu, từ cơ sở tổ chức Đảng đến các đoàn thể quần chúng, chính quyền, lực lượng vũ trang cách mạng... Nhân dân Nam bộ vừa đánh giặc vừa xây dựng lực lượng cách mạng, vừa trưởng thành trong đấu tranh.
Căn cứ vào chủ trương và Điều lệ Đảng, chưa đầy 1 tháng sau Đại hội II, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương (khóa II), họp từ ngày 13 đến ngày 16-3-1951, ra Nghị quyết về việc bãi bỏ Xứ ủy Nam bộ và thành lập Trung ương Cục miền Nam. Nghị quyết hội nghị quy định cơ cấu nhân sự và phạm vi công tác của Trung ương Cục miền Nam. Theo đó, do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy đương nhiệm được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng và quyết định điều ra Trung ương công tác, nên Trung ương Cục gồm các ủy viên Trung ương ở Nam bộ là Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Ung Văn Khiêm, Hà Huy Giáp (ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương khóa II), Nguyễn Văn Kỉnh (ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương khóa II).
Thực hiện Nghị quyết của Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương (khóa II), ngày 27-3-1951, từ Nam bộ đồng chí Lê Đức Thọ điện gửi Trung ương về việc dự kiến bố trí, phân công trách nhiệm nhân sự của Phân cục Trung ương ở Nam bộ như sau: Đồng chí Lê Đức Thọ, Bí thư Phân cục kiêm Chính ủy Nam bộ, phụ trách Đảng vụ; đồng chí Phạm Hùng, Phó Bí thư, phụ trách chính quyền; đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh, phụ trách Văn phòng Thường vụ Phân cục; đồng chí Ung Văn Khiêm, phụ trách mặt trận; đồng chí Hà Huy Giáp, phụ trách tuyên huấn. Bức điện nêu rõ chủ trương của Đảng bộ Nam bộ chia Nam bộ thành 2 khu: Khu miền Đông, Khu miền Tây và Đặc khu Sài - Chợ Lớn.
2. Tháng 5-1951, Trung ương Cục miền Nam tiến hành Hội nghị quán triệt Nghị quyết Đại hội II của Đảng, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương (khóa II). Do yêu cầu chỉ đạo kháng chiến, đồng chí Lê Duẩn tiếp tục ở lại Nam bộ một thời gian nên thành phần Trung ương Cục gồm 6 đồng chí Ủy viên Trung ương: Đồng chí Lê Duẩn - bí thư; đồng chí Lê Đức Thọ - Phó Bí thư.
Sau một thời gian hoạt động, ngày 7-6-1951, Trung ương Cục miền Nam ra Thông cáo số 1 tuyên bố bãi bỏ Xứ ủy Nam bộ và thành lập Trung ương Cục miền Nam; đảm đương nhiệm vụ chính là thực hiện mọi đường lối, chủ trương của Trung ương Đảng tại Nam bộ và Cao Miên, phát triển sâu rộng thực lực cách mạng, đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi cuối cùng.
Đồng chí Lê Đức Thọ và Thường vụ Xứ ủy đã từng bước xây dựng, kiện toàn bộ máy lãnh đạo, chỉ đạo của Xứ ủy, lề lối làm việc ngày càng có nề nếp, quy củ hơn. Văn phòng Xứ ủy được tăng cường cán bộ theo dõi, nghiên cứu các mặt hoạt động của phong trào cách mạng Nam bộ, của các chiến trường khu, tỉnh.
Dưới dự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Lê Đức Thọ, Thường vụ Xứ ủy rất quan tâm đến việc củng cố, tăng cường Văn phòng Xứ ủy và Ban Tổ chức Xứ ủy. Riêng Ban Tuyên huấn của Xứ ủy đã có từ lâu và là một ban mạnh của Xứ ủy. Thường vụ Xứ ủy thường mời đồng chí phụ trách các khu ủy, tỉnh ủy về làm việc với Thường vụ Xứ ủy và phái cán bộ xuống nắm tình hình ở các khu, tỉnh. Nhờ vậy mà sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thường vụ Xứ ủy đối với các khu, tỉnh, Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định được chặt chẽ thường xuyên hơn.
Đồng chí Lê Đức Thọ và Thường vụ Xứ ủy rất quan tâm báo cáo tình hình Nam bộ với Thường vụ Trung ương Đảng và Bác, đồng thời xin chỉ thị của Bác và thường vụ Trung ương về những vấn đề cần thiết. Sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Thường vụ Trung ương, của Bác đối với chiến trường miền Nam được thực hiện thông suốt và chặt chẽ.
Sau khi ta rời căn cứ của Xứ ủy Nam bộ, từ Đồng Tháp Mười xuống miền Tây Nam bộ và khi bộ máy làm việc của Xứ ủy đã bước đầu ổn định, đồng chí Lê Đức Thọ đã chủ động đặt vấn đề với Thường vụ Xứ ủy mở lớp huấn luyện bồi dưỡng, nâng cao trình độ của cán bộ tỉnh, khu, lấy tên là Trường Trường Chinh, biệt danh của đồng chí Tổng Bí thư Trung ương Đảng ta lúc đó. Đồng chí Lê Đức Thọ căn dặn những cán bộ ở lại hoạt động trong lòng địch: Phải tuyệt đối trung thành với lợi ích của nhân dân, của Đảng.
Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, đồng chí được Bộ Chính trị cử vào miền Nam làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Đến tháng 5-1968, được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ phụ trách công tác đấu tranh ngoại giao, làm cố vấn đặc biệt của Đoàn đại biểu Chính phủ ta tại Hội nghị Paris bàn về lập lại hòa bình ở Việt Nam và trực tiếp đàm phán với chính phủ Mỹ trong các cuộc nói chuyện riêng giải quyết hòa bình các vấn đề về Việt Nam.
Những đóng góp của đồng chí Lê Đức Thọ trong lãnh đạo công tác xây dựng, phát triển Đảng thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ ở Xứ ủy Nam bộ - Trung ương Cục miền Nam được Ban Chấp hành Trung ương Đảng đánh giá “... là một trong những đồng chí lãnh đạo có công lớn trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.
PGS - TS VŨ QUANG VINH
(Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh)