Những ngày trước tuần mã cam

Viện Khí tượng Hoàng gia của Bỉ công bố mã cam bắt đầu từ thứ hai tuần này ở hầu hết đất nước, nhiệt độ vào thứ ba dự báo 39°C và ngành đường sắt sẽ hủy 34 chuyến tàu.
Ảnh minh họa: Reuters
Ảnh minh họa: Reuters

Đọc những dòng tin tức này, tâm trạng thấy giống năm ngoái, muốn đi đâu phải kiểm tra bản đồ Covid-19 xem vùng nào đang mã cam để tránh.

Nhìn sang các nước lân cận, tình cảnh còn tệ hơn. Nam Âu đang xảy ra cháy rừng chưa kiểm soát được, Bồ Đào Nha hứng chịu nhiệt độ 47°C, đi bộ trên đường phố trung tâm ở Italy cứ phải nhún nhảy chân vì “đứng lâu không khéo cháy xèo xèo thành tóp mỡ”.

Trong đợt nắng nóng tuần qua, Bộ Y tế Bồ Đào Nha cho biết, 238 người đã tử vong liên quan đến nắng nóng, trong đó hầu hết là người cao tuổi với tình trạng sức khỏe yếu từ trước. Hiện hơn 1/3 cơ quan hành chính và tiểu khu của Pháp phải đối mặt với cảnh báo “màu cam”, người dân được yêu cầu cảnh giác trước đợt nắng nóng tại Pháp dự kiến sẽ đạt đỉnh trên 40°C vào ngày 18-7. 

Với tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu thế này, nói vui thì “có mà chạy trời không khỏi mã cam”. Dưới các bản tin cháy rừng ở Pháp, tôi thấy người đọc vẫn kiên trì để lại các bình luận, lời nhắn vừa tha thiết vừa hờn dỗi: “Bớt xây dựng chung cư, nhà máy đi, trồng thêm cây xanh. Không cho xe hơi chạy vào thành phố lớn nữa. Miễn phí sử dụng phương tiện công cộng thì sẽ chống được nóng thôi”; “Đánh thuế gấp đôi vào xe hơi và ngành chăn nuôi - chế biến gia súc, gia cầm. Giảm thuế cho những đầu tư thân thiện với môi trường. Nếu không, tới năm 2030, có khi nước Bỉ cũng 45°C vào mùa hè chứ chẳng riêng Nam Âu”.

Tuần trước, tôi đón vị khách từ Việt Nam sang chơi. Ba năm rồi mới có lại cảm giác trong nhà có khách ở quê như thế. Ăn uống đơn giản với rau luộc, mấy bìa đậu tươi mua của người Việt tự làm, thế mà khách khen: “Ăn ngon miệng, ngủ ngon giấc. Đêm trong rừng mát lạnh, ngủ thích thật đấy”. Thì cũng như ở quê mình, giữ được nhà trong vườn, thứ vốn dĩ là khung cảnh thân quen ngày xưa, giờ lại thành khó. Đưa khách thăm thành phố du lịch Bruges, ngắm phố xá công trình cổ kính, bắt gặp một người đàn ông đứng giữa quảng trường nắng chang chang ôm tấm biển: “Bạn có dám thay đổi khi khí hậu biến đổi?”, lòng chợt chùng xuống. 

Chán phố xá nóng nực đông đúc, khách bảo cho đi dạo loanh quanh gần nhà, muốn đi ngắm rừng để học cách xây nhà, đặt cống thoát nước đem về áp dụng cho khu đất đồi mới mua. Lang thang dưới những con đường rợp tán xanh, ngắm lũ ngựa, cừu, dê, gà nhởn nhơ trong khuôn viên rộng cả ngàn mét vuông không bóng người. Đây đó vẫn mọc lên những biển mới rao bán đất xen lẫn biển “đất tư nhân”, “đất đã bán”. “Cứ bán thế này thì hết rừng à?”, khách xót xa hỏi. 

Thực ra, người ta bán đất, mua đất cũng là để giữ rừng đấy, không phải chỉ có chặt và xây đâu. Chị khách chưa hiểu cách giữ đất giữ rừng kiểu này, tôi chỉ 2 con cừu đứng giữa đồng cỏ rộng: “Ông chủ miếng đất này không ở đây, họ mua để cho cây cối cỏ dại tự mọc, cho cừu có chỗ gặm cỏ chị ơi. Tóm lại là mua đất và để đó cho mát mắt thôi, chẳng cần làm gì cả”. Hiểu ra, khách gật gù: “Cứ thế này sẽ lại trồng cây gây rừng, không bê tông hóa mà nông trang hóa cho trẻ con đến vui chơi. Ý hay đây rồi!”.

Tin cùng chuyên mục