Những ngôi nhà của lòng nhân ái

Hạnh phúc đơn sơ
Những ngôi nhà của lòng nhân ái

Họ là những người mẹ, người dì, người chị, là quân y, là nữ thanh niên xung phong (TNXP) đã từng tham gia kháng chiến. Không ít đồng đội đã hy sinh và nhiều người trở về sau chiến tranh có cuộc sống không dễ dàng, đối mặt với đói nghèo, bệnh tật. Có người cả chục năm trời cứ mãi đau đáu ước mơ về một ngôi nhà đơn sơ. Thế nên, 102 căn nhà tình nghĩa (NTN) thông qua “chiếc cầu nối” Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, TPHCM đã đến với họ là một nỗ lực lớn và rất xúc động.

Vợ chồng cựu TNXP Lê Thị Hợi (thứ hai và ba, từ phải sang) ở Bình Giã, huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu cùng các đồng đội trong ngày mừng nhà mới.

Vợ chồng cựu TNXP Lê Thị Hợi (thứ hai và ba, từ phải sang) ở Bình Giã, huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu cùng các đồng đội trong ngày mừng nhà mới.

Hạnh phúc đơn sơ

Chiến tranh đã qua đi, nhưng những đau thương mất mát do chiến tranh để lại thì không gì bù đắp được. Trong ngày kỷ niệm 25 năm thành lập đơn vị, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ đã tiếp nhận hỗ trợ 5 tỷ đồng từ đại diện Công ty golf Long Thành. Ngay lập tức, bảo tàng phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh thành, các cựu TNXP trên tuyến đường 1C và Ban liên lạc Trung đoàn 2, Quân khu 9 để khởi động chương trình xây dựng 102 căn NTN.

Hay tin mình sẽ có căn nhà mới, chị Nguyễn Thị Tựu ở xã Phương Bình, Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) - người chiến sĩ TNXP đội Tây Đô trên tuyến đường 1C ác liệt năm xưa - xúc động đến nghẹn lời. Trước giờ chị vẫn sống một mình trong căn nhà tranh xiêu vẹo và mưu sinh bằng nghề bán sữa đậu nành.

Cùng tâm trạng với chị Tựu là cựu TNXP 1C Nguyễn Thị Nhỏ, ở Bình Thủy, TP Cần Thơ. Không thể nhớ hết bao nhiêu chuyến hàng đã tải trên đôi vai bé nhỏ của người phụ nữ này. Cái nghèo và di chứng bệnh tật đã khiến chị đối mặt với cuộc sống khó khăn, chật vật nên “nghe tin mình sẽ có nhà mới, nhiều ngày liền tôi cứ ngỡ là mình đang mơ”, chị Nhỏ tâm tình.

Cũng giống như vậy, câu chuyện của người nữ TNXP Nguyễn Thị Hạnh, ở Long Hải, huyện Long Điền (Bà Rịa - Vũng Tàu) lại khiến người nghe day dứt. Tham gia mở đường Thái Nguyên - Lạng Sơn - Cao Bằng rồi đi ngược về Nam Lào, tuổi xuân của chị trôi qua trong những cánh rừng âm u.

Cô gái mảnh mai năm ấy đã từng chất trên vai những kiện hàng vượt quá cân nặng của mình. Hai con của chị đều bị di chứng chất độc da cam, khó khăn lại càng chồng chất thêm trên đôi vai của chị khi người chồng bị tai nạn giao thông nằm liệt giường. Một hôm đang ngồi bán ở chợ, nghe tiếng loa phát thanh của đồng đội tìm mình, chị Hạnh sững sờ đến rơi nước mắt. Trên nền đất nhỏ bé chắt chiu từ nghề bán cá, ngôi nhà mới đã được dựng lên từ những bàn tay ấm áp nghĩa tình.

Ấm áp tình đồng đội

Cứ như thế, khắp các tỉnh thành Nam bộ từ TPHCM, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau đến Tây Ninh, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, 102 căn nhà tình nghĩa đã mọc lên trong niềm hân hoan và sự ấm áp tình đồng đội. Đây cũng là nghĩa cử đền ơn đáp nghĩa với các mẹ, các chị đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình cho đất nước.

“Thông qua Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, chúng tôi muốn góp một phần sức mình chăm lo và tri ân các mẹ, các chị từng tham gia kháng chiến để chia sẻ phần nào những khó khăn của các mẹ, các chị. Đây cũng là một phần trách nhiệm của chúng tôi, những người được sống ấm no, hạnh phúc hôm nay”, bà Trần Cẩm Nhung, Phó Tổng giám đốc golf Long Thành - bày tỏ.

Ngoài các hoạt động chuyên môn và hàng chục trưng bày chuyên đề phục vụ người dân ở các tỉnh thành, vùng sâu vùng xa, chương trình xây dựng NTN là hoạt động thật ý nghĩa và Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ cũng là đơn vị đầu tiên của khối bảo tàng TPHCM gầy dựng được chương trình thiết thực này.

Minh An

Tin cùng chuyên mục