Không phải ngẫu nhiên, trong những ngày thực hiện cách ly, người dân châu Âu đã đồng loạt mở cửa sổ ban công khi màn đêm buông xuống để cùng vỗ tay theo nhịp cảm ơn y, bác sĩ. Tại Italy, nơi người dân chỉ có thể tiễn người thân bằng ánh mắt nhìn theo cỗ quan tài hay đọc cáo phó in giấy trắng, mực đen cứ dày cộp theo ngày, đội ngũ y tế đã chịu tổn thất nặng nề khi có tới 20% trong số họ nhiễm bệnh, hơn 100 bác sĩ tử vong. Nhưng dù vậy, họ vẫn đứng vững trên tuyến đầu, một ngày làm 12 giờ, tự sống, tự cách ly ngay trong bệnh viện vì con người. Có nữ y tá phải sống xa con nhỏ 2 tháng, hàng ngày xuống khoảng sân nhỏ bên trong bệnh viện để thở hít chút khí trời. Tay cô run run cởi bỏ găng tay, khẩu trang và người ta chỉ thấy mũi, còn toàn bộ khuôn mặt nhăn nhúm, biến dạng vì bận bộ đồ bảo hộ y tế suốt ngày, suốt tháng.
Tuy không lâm vào tình trạng bi đát như vậy, do chúng ta thực hiện sớm mô hình “chống dịch như chống giặc” với sự phân loại, rà soát đến F2…, huy động cả bộ máy chính trị vào cuộc, nhưng vẫn có những nhân viên y tế bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Như thế mới thấu hiểu niềm vui vỡ òa của 45 y, bác sĩ điều trị bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Bệnh viện Đà Nẵng khi bệnh nhân cuối cùng rời viện. Và xong việc, họ lại phải cách ly tập trung 14 ngày, chỉ kịp nhắn cho người thân rằng... ba/má sẽ về, con ráng ngoan, khỏe. Gần nơi ở của người viết có một nữ bác sĩ trẻ thuê nhà tá túc. Trước dịch còn thấy cô ra vào, nhưng từ hồi thực hiện giãn cách xã hội thì ít gặp hẳn vì có lệnh nhân viên y tế phải trực chiến đến 18 giờ hàng ngày. Có lần cô rời viện, mua ít bông hồng theo giá 1.000 đồng/bông (tội nghiệp mùa dịch giá bông giảm mạnh), ghé một quán ăn mua suất mì xào hải sản mang về. Sau đó, thật ngạc nhiên khi chủ quán nói cảm ơn bác sĩ và bác sĩ không phải trả tiền! Cô hỏi sao biết tôi là bác sĩ thì nghe được câu trả lời rằng vì cô thẫn thờ nói thu dọn dao kéo, khâu lại!
Những người hùng thứ hai là đội ngũ nhân viên bán hàng tại các siêu thị, các cửa hàng tiện ích. Họ cũng dễ lây nhiễm nhất khi phong phanh trong chiếc khẩu trang vẫn phải nói xin đứng giãn cách rồi nhặt từng món đồ tính tiền vì vẫn phải lo cho nhu cầu thiết yếu của người dân. Và một ngày một ca 8 tiếng, ngày qua ngày, tháng qua tháng. Tiếp nữa là đội ngũ công nghệ thông tin (IT), đảm bảo nối mạng không tắc trong bất cứ tình huống nào. Dịch bệnh bắt buộc toàn dân chuyển qua chế độ làm việc “từ xa”, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với nội hàm là kỹ thuật số, đã được đẩy nhanh hơn, không còn là khẩu hiệu như chúng ta vẫn tưởng.
Rõ nhất là trong lĩnh vực giáo dục, hình thức học có trường, có lớp, có thầy cô, nghĩa là học tương tác trực tiếp đã lùi vào quá khứ, chuyển từ offline sang online. Có nhiều bỡ ngỡ bước đầu như dạy học thế nào, sử dụng phần mềm ra sao, số tiết học vẫn như cũ hay thu gọn, rút bớt…, nhưng đáng mừng là các công ty mạng hàng đầu như Viettel đảm bảo cung cấp băng thông, nối mạng với giá rẻ hoặc miễn phí cho 14.000 trường phổ thông. Ở khía cạnh nào đó, công nghệ và nhân lực IT của nước ta được xếp hạng có vai, có vế trên bản đồ tin học thế giới.
Và nữa là người dân. Họ ở nhà vì chiến thắng chung cuộc. Người thì chia sẻ bữa ăn với người vô gia cư, bán vé số, làm từ thiện ở vùng sâu, vùng xa, người khác chọn ngồi nhà nghiền ngẫm sách vở, hoạch định đề án, chiến lược phát triển. Ở nhà, sống chậm cũng là một thách thức, nhưng chỉ có vậy chúng ta mới hy vọng thắng dịch, mới hy vọng giải tỏa áp lực cho hệ thống y tế, và rộng hơn, ở nhà là thước đo trách nhiệm với xã hội, với đất nước.
Với những người hùng thầm lặng, mô hình chống dịch của Việt Nam, một nước nghèo không thể bơm vài trăm, vài ngàn tỷ đô la như các nước giàu, đã được thế giới đánh giá cao nhất, đề nghị chia sẻ kinh nghiệm. Mới nhất, Malaysia đã ngỡ ngàng và hy vọng tiếp thu mô hình “ATM gạo” giúp người nghèo có bữa ăn của Việt Nam…